Tương lai sẽ đánh dấu sự chuyển dịch sang các mô hình sống và làm việc hỗn hợp, cấu thành bởi công năng và các trải nghiệm cảm tính đa chiều được tích hợp trong cùng một không gian.
Điều này khiến các dự án không gian làm việc hiện đại đang dần “tiến hóa”, tập trung vào hệ sinh thái trải nghiệm đa chức năng. Toong 188 Võ Thị Sáu, Phường 7, Quận 3 là một đơn cử cho tầm nhìn này.
Ra mắt vào thời điểm những thử thách tiếp tục bủa vây thị trường bất động sản cho thuê, cổng chào Toong Võ Thị Sáu la liệt hoa dầu bay báo hè về, hàng tre xanh sau nhà rì rào trong gió, xen lẫn tiếng bước chân sột soạt trên sỏi. Đây là tín hiệu của không gian đô thị mềm, đối lập với những văn phòng “hộp”.
Từ phế tích đô thị thành không gian làm việc thời thượng
Nằm trong con hẻm đối diện Nhà Thiếu nhi Thành phố, tiền thân là Dinh Phó Tổng thống Sài Gòn, biệt thự cũ 118 Võ Thị Sáu với diện tích 1250m2 là một trong những “chứng nhân” của thời gian. Việc khai thác công trình gặp phải nhiều hạn chế bởi phải giữ nguyên khung nhà cổ, từng là nơi ở của các trợ tá Dinh Phó Tổng thống Sài Gòn. Vì thế, Toong kết hợp cùng đơn vị phát triển đô thị chiến lược GốcCreation, tìm cách kiến tạo trên những gì đã sẵn có.
Quá trình hình thành không gian làm việc trên miếng đất này có thể xem là hành trình khôi phục và làm sống lại một phế tích đô thị. Chắt chiu những phần cốt lõi như một cách “lưu trữ” văn hóa, GốcCreation trùng tu hàng hiên cột trắng ảnh hưởng kiến trúc thuộc địa. Mang đến cảm nhận về thời gian đi cùng sự tiến hóa, từ trước ra sau, từ lối đi đến song cửa, những nguyên vật liệu mang hơi thở của thời gian, được cân nhắc trong một đời sống mới. Mái tôn rỉ sét của nhà cũ được tái sử dụng, kiến tạo hai gian cánh mang âm hưởng “công xưởng” đương đại với trần tôn cao, dồi dào ánh sáng. Tổ hợp nhà cổ ở giữa hai cánh “xưởng văn phòng”, tạo nên không gian làm việc độc đáo trong khuôn viên sân trước – vườn sau ngay trong lòng đô thị trung tâm.
Men theo bố cục miếng đất, dự án được xây dựng như một hệ sinh thái văn phòng, nơi làm việc và nghỉ ngơi cho tầng lớp doanh nhân đương đại. Không gian được phân bố hợp lý với các khu vực vừa biệt lập, vừa có thể cùng lúc gặp nhau tại gian trung tâm rộng lớn. Ở lõi giữa đa chức năng này, bức tường điểm nhấn lấy cảm hứng từ san hô đỏ, gọi mời người làm việc thưởng thức cà phê đặc sản, hòa nhịp cùng những tác phẩm và dự án nghệ thuật được tuyển chọn công phu. Không gian mở này được thiết kế chu đáo cho sự tương tác, hội họp, thư giãn, thay đổi “tư thế” làm việc xuyên suốt ngày dài.
Nhà hậu quy hoạch thành tổ hợp tiện ích – nghỉ ngơi với phòng họp, khu pantry mở và phòng ngủ tĩnh mịch. Tất cả nối với nhau bằng cầu thang lộ thiên thừa hưởng vùng trời thoáng rộng với những lát cắt táo bạo của kiến trúc đô thị đương đại khi nhìn từ khoảng sân rải sỏi trắng xen kẽ thạch anh đa sắc. Cảm thức giao thoa giữa cũ và mới, tĩnh lặng và xô bồ, được cấu thành tỉ mỉ, đan xen không gian vận động và điểm nghỉ dành cho người sử dụng.
Hệ sinh thái trải nghiệm xoay quanh người làm việc
Theo anh Dương Đỗ – CEO của Toong và GốcCreation, những “sự làm phiền” tích cực của tự nhiên và nghệ thuật trong môi trường làm việc sẽ góp phần mài giũa các giác quan của người dùng. Từ đó, giúp mỗi người phát huy tốt hơn tiềm năng của bản thân, mang lại hiệu quả cho công việc. Vì vậy, dự án được quy hoạch cảnh quan – nội thất chặt chẽ, có chọn lọc nhằm “gia tăng sự nhạy cảm của người dùng, tạo cơ hội để người làm việc chứng kiến được sự sinh sôi nảy nở và chuyển biến liên tục của tự nhiên trong không gian”.
“Sự nhảy cảm” này được giám tuyển chu đáo từ mùi hương, ánh sáng đến cỏ cây thiên nhiên. Như hàng cỏ voi bình dân xanh rì ở mặt tiền khoáng đạt, vốn chỉ thấy ở đồng quê, nay đem đến cảm nhận không gian thành thị khác lạ. Hay nhịp điệu của ánh sáng trong ngày xuyên qua thiết kế mái xéo gợi sự kết nối gần gũi với thời gian chảy trôi giữa đô thị náo nhiệt. Hướng nắng vắt ngang mảng tường đỏ san hô trở thành chiếc kim đồng hồ liên tục di chuyển trong không gian, nhắc nhở người ở trong về mối liên hệ với bên ngoài.
Không ngần ngại mời gọi sự giao thoa giữa không gian riêng và chung, GốcCreation và Toong có cùng sự tin tưởng vào sự gặp gỡ của những giá trị tiến bộ tương đồng. Đây cũng là một trong những nỗ lực tiên phong nhằm giám tuyển (tuyển chọn và quản lý) những dịch vụ giàu ý nghĩa tới tầng lớp khách hàng là doanh nhân, trí thức đương đại. Vượt lên các tiện nghi thông thường, Toong 188 Võ Thị sáu, Quận 3, đang chứng minh rằng phế tích đô thị có thể được hồi sinh và tái kiến thiết, không chỉ mang đến những trải nghiệm sống bền vững, mà còn thúc đẩy sự tiến hóa của người thụ hưởng.
Có thể nói, mỗi khu vực trong không gian 188 Võ Thị Sáu, khi từ tốn khám phá, đều mang đến những “hương vị” và cảm xúc khác biệt, giúp người làm việc vừa lao động, tái tạo, vừa cống hiến, thụ hưởng, với các thành tố nghệ thuật, thiên nhiên, con người được tuyển chọn và quy hoạch thấu đáo.
Đây cũng là địa chỉ mà thương hiệu cà phê Việt Nam được đánh giá cao bởi Hiệp hội cà phê Đặc sản Thế giới (SCA) – chọn đặt Trạm cà phê Đặc sản Sơn Pacamara đầu tiên tại Sài Gòn. Với hương vị được ngợi khen là “ngon nhất Đông Nam Á”, trước khi có mặt tại Toong Võ Thị Sáu, người yêu cà phê đặc sản, phải lên tận trang trại tại Đà Lạt để thưởng thức những ly pour over vị sạch, sâu và dải hương tinh tế.
Theo kế hoạch, giữa quý II, Toong Võ Thị Sáu sẽ tiếp tục mở rộng sang căn nhà số 186 kế bên để đáp ứng nhu cầu của khách hàng; phát triển mô hình Art Resider, cung cấp không gian “lưu trú” sáng tác dành cho nghệ sĩ, cũng như không gian thương mại sáng tạo (concept store). Theo cách này, quy trình sáng tạo trở thành trọng tâm chính, và khán giả có thể quan sát được phần “hậu trường” của nghệ thuật thay vì chỉ thưởng thức tác phẩm hoàn thiện.