Tuần trước, Ngân hàng Nhà nước thông báo nâng tỷ giá thêm 1% (giảm giá trị tiền đồng 1% so với USD), là lần tăng tỷ giá thứ hai kể từ tháng 6-2013, theo đó kể từ ngày 7-1 tỷ giá bình quân liên ngân hàng được tăng thêm 1%, lên 21.458 đồng đổi 1 USD. Tỷ giá trên thị trường được phép biến động lệch 1% so với tỷ giá tham chiếu này, tức dao động trong khoảng 21.243 đến 21.673 đồng đổi 1 USD.
Theo Ngân hàng Nhà nước, quyết định này phù hợp với những biến động gần đây trên thị trường tiền tệ trong và ngoài nước. Đồng USD đang tăng giá trên toàn cầu với kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ bắt đầu nâng lãi suất trong năm 2015. Phải chăng Ngân hàng Nhà nước đang muốn giảm bớt áp lực lên đồng nội tệ, nhất là vào thời điểm Tết Âm lịch sắp tới và cũng là thời điểm nhu cầu về USD tăng lên bởi các công ty cần phải thanh toán các hợp đồng xuất khẩu. Nếu nằm trong chủ trương này thì động thái nâng tỷ giá (giảm giá tiền đồng so với USD) vừa qua là cần thiết và sẽ có lợi cho xuất khẩu.
GDP của Việt Nam tăng trưởng 6,96% trong quý IV và 5,98% trong cả năm – vượt qua mức mục tiêu 5,8% mà Chính phủ đã đề ra và cũng cao hơn mức dự báo trung bình 5,7% được các chuyên gia tham gia khảo sát của Bloomberg đưa ra.
Theo các chuyên gia, việc phải hạ giá tiền đồng 1% ngay trong tuần lễ đầu năm được xem như để kích thích nguồn cung ngoại tệ cần thiết cho thị trường cũng như để trả nợ nước ngoài đáo hạn. Mỗi khi các doanh nghiệp xuất nhập khẩu phải thanh toán ngoại tệ cho đối tác nước ngoài, bên cạnh nguồn tín dụng ngoại tệ từ ngân hàng, doanh nghiệp phải moi vét USD trên thị trường tự do, làm giá USD trên thị trường tự do nhảy vọt.
Chuyên gia ngân hàng Huỳnh Bửu Sơn cho rằng việc Ngân hàng Nhà nước giảm giá trị đồng VN 1% so với đồng USD chỉ là một động thái điều chỉnh cần thiết cho phù hợp với thực tế thị trường, khi đồng USD liên tục tăng giá so với các đồng tiền mạnh khác như euro và yen. Động thái này không phản ánh sự mất cân đối cung cầu ngoại tệ trên thị trường Việt Nam, khi mà thặng dư cân thương mại năm 2014 đạt 2 tỉ USD, kiều hối gần 12 tỉ USD và vốn đầu tư nước ngoài năm 2014 tăng 2,5 tỉ USD so với năm trước.
Việc giảm giá trị này cũng không thể hiện chính sách một đồng Việt Nam yếu để khuyến khích xuất khẩu vì mức giảm 1% không đáng kể và không có dấu hiệu Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều chỉnh giảm VND trong tương lai gần. Và trong năm 2015, nếu không có những biến động lớn, VND cũng không giảm quá 2% như cam kết của Thống đốc Nguyễn Văn Bình vào trung tuần tháng 12 vừa qua.
Tương tự như vậy, nhận định khách quan của Ngân hàng HSBC là tương đối thuyết phục. Trong bối cảnh USD đang mạnh hơn so với hầu hết các loại tiền tệở những thị trường mới nổi vào đầu năm 2015 và tỷ giá USD/VND thường đóng cửa giao dịch ở mức chạm trần trong vài tuần qua thì động thái này không gây quá nhiều ngạc nhiên.
HSBC cho rằng mặc dù cán cân thương mại đã nghiêng sang mức thâm hụt 900 triệu USD trong tháng vừa qua (kết quả là mức thặng dư đạt 2 tỉ USD trong năm 2014), dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn còn mạnh, vốn FDI đăng ký đạt mức 2,3 tỉ USD trong tháng 12 (nguyên năm 2014 đạt 15,6 tỉ USD).
Thêm nữa, lạm phát tiếp tục thấp hơn ở Việt Nam, đẩy lãi suất thực về ngưỡng dương. Lãi suất tiền đồng liên ngân hàng đã thực sự tăng kể từ tháng 10-2014 cho thấy thanh khoản tiền đồng không quá khó khăn. Lãi suất thực cao hơn có thể hỗ trợ giảm bớt một số áp lực đối với nhu cầu về USD trong thời điểm hiện tại khi mà tỷ giá tham chiếu USD/VND vừa được điều chỉnh.
Vậy liệu trong thời gian tới Ngân hàng Nhà nước có dự kiến giảm giá tiền đồng nữa không? Câu trả lời đang ở phía trước. Nếu Ngân hàng Nhà nước tin rằng lãi suất thực cao hơn đang siết chặt các điều kiện tiền tệ một cách quá mức, thì có nguy cơ Ngân hàng Nhà nước giảm giá thêm tiền đồng và động thái này sẽ diễn ra nhanh hơn so với dự kiến hiện tại để giảm bớt những áp lực trên.
Thế nhưng chúng ta hy vọng do dự trữ ngoại hối vẫn ở trong trạng thái tốt hơn so với một số thời điểm trước đây sẽ giúp Ngân hàng Nhà nước không nhất thiết phải tăng đột biến về tỷ giá USD/VND trong những tháng sắp tới.
Nếu có điều gì phải lo chính là những yếu tố tác động đến tỷ giá đang biến chuyển khá nhanh. Giá dầu thô hiện đã xuống dưới 50 USD/thùng, Việt Nam có thể sẽ phải cắt giảm sản lượng khai thác 30% vì khai thác sẽ không có lời. Nếu giá dầu đứng và dao động trong biên độ hẹp ở ngưỡng hiện tại trong cả năm, nguồn thu ngoại tệ từ dầu thô sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.
Theo Bộ Công thương, năm 2015 nhập siêu sẽ trở lại với mức dự báo 6 tỉ USD (năm 2014 vẫn xuất siêu 2 tỉ USD), có thể làm cán cân thanh toán không còn thặng dư. Tuy trong ngắn hạn việc tỷ giá điều chỉnh không quá 2% trong năm 2015 có thể xảy ra, nhưng vài năm tiếp theo việc giữ ổn định tỷ giá sẽ không còn dễ dàng như năm 2013-2014 là lúc mà dự trữ ngoại hối khả quan làm điểm tựa cho tỷ giá.
Việc phá giá VND lâu nay có nhiều luồng suy nghĩ khác nhau. Có ý kiến cho rằng cần hết sức cẩn trọng trong việc phá giá vì có thể dẫn đến lạm phát và tăng bất ổn cho nền kinh tế. Trong khi đó, đa phần các chuyên gia có suy nghĩ thực tế hơn khi cho rằng Ngân hàng Nhà nước đã neo giá trị đồng nội tệ quá lâu, gây khó cho xuất khẩu và khuyến khích nhập khẩu, cho nên việc phá giá, thậm chí phá giá mạnh tay, sẽ có lợi nhiều hơn là có hại.
Về mặt lý thuyết, việc phá giá VND có thể hỗ trợ xuất khẩu và lạm phát sẽ không phải là vấn đề quá lớn nếu Chính phủ kiểm soát cung tiền. Và khi ấy chỉ còn một điều đáng lo là diễn biến tâm lý trong xã hội, nhất là người dân mất lòng tin vào sức khỏe đồng nội tệ.
Chính từ những yếu tố tâm lý rất khó dự đoán có thể gây hậu quả khó lường, các nhà làm chính sách luôn rất thận trọng khi đưa ra những quyết định liên quan đến việc phá giá đồng tiền.
Khi phá giá tiền đồng thì hàng nhập khẩu vào Việt Nam sẽ có giá VND cao hơn, dẫn đến giá bán sẽ cao. Nếu hàng nhập khẩu là máy móc, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất thì khi đưa vào sản xuất, chi phí sản xuất (theo VND) cũng sẽ tăng theo, dẫn đến giá thành tăng và giá bán trong nước cũng sẽ tăng.
Khi đó, không loại trừ khả năng những mặt hàng sản xuất và tiêu thụ hoàn toàn trong nước cũng theo đà tăng giá. Kết quả là chỉ số tiêu dùng có thể tăng, dẫn đến lạm phát.
Nhưng nếu cứ suy nghĩ như vậy để không giảm giá đồng nội tệ, neo giữ tỷ giá quá lâu sẽ làm méo mó thị trường xuất nhập khẩu, đồng thời tạo sự dồn nén nguy hiểm mà đến lúc nào đó nếu buộc phải bung ra sẽ gây ra hậu quả khó lường.
Việc điều chỉnh tỷ giá linh hoạt ở biên độ vừa phải như hiện nay là hết sức cần thiết để từng bước ổn định thị trường, nhằm giảm nguy cơ bùng nổ tỷ giá khi bị dồn nén quá mức.
Phạm Thành Sơn (DNSGCT)
Tháng 12-1944, hơn 70 quốc gia họp nhau ở thành phố Bretton Woods thuộc bang New Hampshire – Hoa Kỳ để quyết định chuyển trung tâm quyền lực tài chính từ London sang New York và từ đó đồng USD trở thành thống soái thay cho đồng bảng Anh.
Lý do phải chuyển đổi quyền lực từ London sang New York là vì lúc đó Hoa Kỳ chiếm lĩnh hơn 50% thị trường xuất khẩu toàn cầu, đồng thời tiêu dùng hơn 50% mức tiêu thụ toàn cầu cộng lại.
Cũng tại New Hampshire, hệ thống Bretton Woods ra đời, buộc các đồng tiền mạnh gắn chặt vào vàng với tỷ lệ 35 USD/1 ounce vàng. Sau đó, các đồng tiền khác đi theo USD, chẳng hạn như 1 USD bằng 2 mark Đức, bằng 0,75 bảng Anh và bằng 80 yen Nhật… Có thể gọi đó là thời kỳ “gold – dollar”.
Thế nhưng từ năm 1949 đến 1970, một số quốc gia như Đức và Nhật đã phục hồi nhanh chóng, chiếm lại thị phần xuất khẩu thế giới, cũng như khả năng tiêu dùng tăng cao đến khoảng 25% toàn cầu. Các nước này yêu sách, đòi hỏi phải bỏ hệ thống Bretton Woods để họ có thể tự định giá đồng tiền của mình nhằm hỗ trợ cho việc xuất khẩu.
Sau 25 năm kinh tế toàn cầu bình yên nhờ hệ thống Bretton Woods, sóng gió bắt đầu nổi lên khi Tổng thống Mỹ Nixon thỏa mãn yêu cầu của Đức và Nhật. Ông quyết định hủy bỏ hệ thống neo giá đồng tiền vào vàng, thả nổi đồng tiền toàn cầu và hoàn trả 24.000 tấn vàng của các quốc gia đã ký quỹ vào kho vàng New York để được phép in tiền khi cần tiêu xài cho quốc gia mà hệ thống Bretton Woods quy định.
Kể từ năm 1971, Hoa Kỳ chuyển việc neo giá đồng tiền vào vàng sang năng lượng – dầu lửa và có thể gọi đây là thời kỳ “oil – dollar”, nghĩa là Hoa Kỳ dùng đồng USD neo vào dầu thô để chi phối toàn cầu, bởi thế giới công nghiệp cần năng lượng và cho đến nay dầu vẫn là nguồn năng lượng chính của thế giới.
Hơn 40 năm qua, giá dầu và USD là cặp bài trùng trong tình hình biến động của thế giới: 20 USD/thùng (1971), 140 USD/thùng (2008).
Hiện nay Hoa Kỳ nhờ công nghệ sản xuất dầu từ đá phiến đã độc lập về năng lượng và tham gia vào thị trường xuất khẩu dầu. Nguồn cung dầu tăng trong khi OPEC vẫn cứ duy trì mức sản xuất đều đều không giảm, vậy là giá dầu giảm đến mức thấp vào ngày 7-1-2015 là 46,83 USD/thùng.
Có thể nói, “oil – dollar” đã làm mưa làm gió suốt hàng chục năm qua, nay đến lúc mưa tạnh đã giúp đồng USD phục hồi sức khỏe trong tương quan tỷ giá với các đồng tiền khác.
V.Đ (DNSGCT)