Với bậc làm cha mẹ, hôn nhân của con cái luôn là việc hệ trọng. Con cái lập gia đình, chưa chắc cha mẹ đã hài lòng hay an tâm.
Tuy ngoài miệng họ nói, vợ/chồng chúng nó ở đời với nhau chứ mình có ở đâu mà phải lo nhưng ai cũng “đánh lô tô” khi con cái vào tuổi lập gia đình.
Ông bố này có phương án hay lắm, mới chỉ là ý ông nghĩ ra và đang thuyết phục con gái, con trai. Ông nói con gái tìm một bạn gái nào thật thân thiết, tâm đầu ý hiệp giới thiệu với anh.
Như thế, khi ở chung nhà, chị dâu, em chồng suốt ngày được ríu rít nói chuyện tâm sự, có thể đi ăn, đi chơi cùng nhau… (khi xây nhà, ông đã chuẩn bị mỗi gia đình con cái một không gian riêng biệt, không ai phụ thuộc ai). Con gái đồng ý kế hoạch này, nhưng con trai ông không chịu.
Quả là sáng kiến khá hay, tuy nhiên, ông cho rằng đó là xuất phát từ mối lo lắng, không biết dâu, rể tương lai là người thế nào! Ông có lý của mình, một đời hai vợ chồng chắt chiu dành dụm, nhỡ ra, con cái ông gặp phải đứa “không ra gì”, coi như công ông làm lụng vất vả cho người khác hưởng! Kiếm được “đứa” tận tụy, biết vun vén cho gia đình, yêu thương chồng/vợ, kính trọng, biết nghe lời cha mẹ chồng/vợ đâu dễ. Mà, của cải đời ông làm ra dành cho con chứ cho ai?
- Xem thêm: Mẹ vợ, con rể
Một ông bố khác thật may mắn khi có hai chàng rể là bạn thân từ thuở nhỏ. Một chàng quen cô chị, giới thiệu bạn thân quen cô em. Theo ý ông, đó chỉ là một yếu tố mà ông thấy vui bởi anh em cột chèo thân thiết, quan trọng là ông cũng cảm thấy tin tưởng, ý hợp tâm đầu với hai chàng rể.
Niềm tin ở đây không phải ông có ý định sẽ cho hai cậu con rể kế thừa việc kinh doanh gia đình mà bởi tư chất của hai cậu ấy, một giảng viên đại học và một bác sĩ và chưa ai có ý định bỏ nghề để làm doanh nghiệp như bố vợ.
Ông bố này cũng có chút băn khoăn muốn con cái nối nghiệp gia đình nhưng xem ra chưa được, ai cũng có đam mê nghề nghiệp riêng của mình. Ông còn “bao cấp” luôn việc nuôi gia đình con cái. Cả hai chàng đều ở rể, vợ ông ôm hết bốn đứa cháu ngoại. Ông nói, thế mới là gia đình. Có ông bà, cha mẹ, con cháu… lúc nào cũng vui vẻ, rộn rã tiếng trẻ con cười nói bi bô suốt ngày.
Có người đặt vấn đề, ông “bắt rể” như vậy ông có nghĩ cho gia đình “bên kia” không, thì ông trả lời, môi trường, chất lượng sống quyết định tất cả. Nếu lúc nào đó, con rể cảm thấy chán nhà vợ thì cho ra riêng. Ông tự tin rằng, với cách cư xử của hai vợ chồng ông, hai con rể còn lâu mới chán. Con cái có người lo, cha mẹ vợ đối xử tốt, vui vẻ, tôn trọng, quý mến con rể… Chán hay không do mình cả. Ông kết luận.
Chỉ là hai trường hợp không tiêu biểu trong vô vàn cảnh gia đình khi có con cái lớn. Bất cứ ai cũng mong muốn con cái mình có được cuộc sống hôn nhân hạnh phúc.
- Xem thêm: Biết
Biết bao tình huống vợ chồng trẻ chia tay nhau vì không chịu đựng, vượt qua được áp lực từ cha mẹ chồng/vợ, và, cũng vô vàn trường hợp cha mẹ chồng/vợ vì quá yêu con đâm ra ích kỷ, lúc nào cũng muốn can thiệp vào đời sống riêng của con cái. Có nhiều người mang nỗi ấm ức thành ra ghét bỏ, thậm chí hận thù với dâu, rể hay ngược lại.
Nhiều gia đình chỉ có một con duy nhất, nhưng vẫn gặp tình huống cha mẹ chồng/vợ không ưa dâu/rể. Bởi, yêu – ghét là tâm lý bình thường của con người. Nhiều khi chỉ vì một lý do rất cỏn con mà đang tâm để bụng rồi ghét nhau. Ăn dễ, ở khó là triết lý mà người xưa đã đúc kết qua biết bao nhiêu thời gian sống, quá trình sống.
Người dễ tính thì nói, thôi thì nên thoải mái với nhau. Mối quan hệ dâu con, sui gia luôn là mối quan hệ nhạy cảm nhất, đôi khi chỉ một lời nói nhỏ mà thành câu chuyện lớn. Mình thương người sẽ được người thương lại xem ra rất đúng trong câu chuyện gia đình, trong cách xử thế với nhau, nhưng khó thực hiện bởi đó là mối liên kết rất cần sự tế nhị.
Vậy nên, nhiều người cho rằng, chấp nhận hên – xui và phải biết điều chỉnh là một triết lý sống không chỉ cho hôn nhân, gia đình mà còn rộng ra ngoài xã hội.