Chị cưới dâu nhưng người ngoài nhìn vào thỉnh thoảng lại thấy chị có chút ưu tư. Không phải chị không hài lòng con dâu, ngược lại là đằng khác. Lúc nào, đi đâu chị cũng khen dâu hết lời: biết ăn ở, làm lụng giỏi giang, khéo léo, nhà có đám giỗ một mình con dâu có thể đảm đương.
Tuy nhiên chỉ những người thân lắm mới hiểu chị có những điều còn gợn. không phải chị chấp nhặt sui gia nghèo hơn, sống ở quê, không như nhà chị toàn dân trí thức thành thị, lại khá giả mà bởi con dâu không được học hành đến nơi đến chốn, chỉ mới xong lớp 12.
Những bạn bè có cái nhìn hơi cầu toàn cho rằng vợ chồng chị đều là bác sĩ, con trai chị đang học thạc sĩ, mà hôn nhân là hành trình dài, đôi lứa đều phải gắng sức đi bên nhau và cần có sự ngang bằng về trình độ nhận thức cũng như sức bền để có thể đương đầu với những thử thách trong cuộc sống chung.
- Xem thêm: Hư hay giỏi?
Bạn bè khác trải đời hơn, có cái nhìn tích cực hơn. Họ cho rằng chị nghĩ ngợi xa xôi làm gì, điều quan trọng là đôi trẻ thật lòng yêu nhau, có được con dâu hiền lành, nết na, giỏi giang, khéo léo là quá phước. Con dâu chị biết đỡ đần cho cha mẹ từ tấm bé. Học xong trung học, cô quyết định không thi đại học mà ra thành phố đi làm phụ giúp kinh tế gia đình.
Chăm chỉ làm lụng, dần dà cô có vị trí xứng đáng với mức lương tương thích. Cô giúp cha mẹ nuôi em học hành. Như vậy là quá tuyệt vời! Sống với nhau chủ yếu cái tình, nết ở chứ bằng cấp, học vị mà làm gì. Kể ra có con dâu trí thức cũng hãnh diện với bà con, xóm giềng nhưng không khéo câu trước, câu sau là tranh cãi với chồng, với mẹ chồng! Bởi thời thiếu nữ chỉ lo học hành nên không khéo léo giỏi giang bếp núc, vào bếp không vụng cái này cũng nhầm cái kia.
Cứ thử nhìn lại từng giai đoạn đã qua trong cuộc đời mình, các bà mẹ mới thấy có những ngày tháng mình cũng nuôi con vụng về, cũng phiền trách mẹ chồng, có lúc còn nói năng không phải với mẹ chồng…
Có bà mẹ chưa một ngày làm dâu, về nhà chồng lấy cớ này, viện cớ kia để thoái thác công việc dâu con trong nhà. Chỉ thích bàn chuyện vĩ mô, chuyện chân trời góc bể đẩu đâu hơn chuyện bếp núc gia đình, thậm chí chưa bao giờ nấu được nồi cơm hay rửa chén bát sau khi ăn, nói chi cáng đáng giỗ chạp.
Vậy chọn dâu thế nào đây? Vụng như mình ngày xưa nhưng “có trình độ” hay ít học nhưng đảm đang công việc gia đình, khéo léo bếp núc như cô dâu đã nói ở trên?
Lại phát sinh hai luồng ý kiến đối nghịch. Người thì bảo cái gì thuộc về kỹ năng thì làm nhiều sẽ quen; vụng về sẽ khéo khi đặt vào tay cái gánh gia đình. Trong khi học vấn không phải một sớm một chiều mà có được.
Bên “phản biện” đồng ý là một cô dâu có trình độ có thể nuôi con tốt, khoa học hơn nhưng đòi hỏi cô biết ăn ở, khéo léo, giỏi giang lại là chuyện khác. Con dâu thảo, biết cư xử trên dưới đúng mực, một tay đảm đương việc giỗ chạp, tết nhất không dễ kiếm.
Lại thêm ý kiến khác: cưới vợ cho con chứ có phải tìm người nấu đám, giỗ quải? Bây giờ tiện lắm, chỉ cần alô và ra thực đơn, đặt mấy bàn là có ngay người phục vụ nấu nướng, bưng bê, dọn dẹp. Ở thời buổi mà thời gian quý hơn vàng thì bày biện nấu nướng là “xưa rồi Diễm”!
- Xem thêm: Mẹ… làm dâu lần nữa?
Vậy thì nên chọn dâu kiểu nào? Câu trả lời quả không dễ. Có người lại phán “Đâu phải muốn kiểu nào là được kiểu đó, phần phước hết đấy các bà ạ”. Rồi còn bồi thêm một “đòn nốc ao”: “Vấn đề quan trọng của cuộc sống là BIẾT. Hiểu cũng chưa chắc được nếu không kèm theo biết. Biết sống, biết ý, biết cư xử, biết hòa đồng, biết ăn, biết ở, biết làm (ít thôi) là đủ. Cả hai vế, con dâu và mẹ chồng”.
Bạn nghĩ thế nào?