Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock xác nhận ông đã bị nhiễm virus corona chủng mới, chỉ vài tiếng sau khi Thủ tướng Anh Boris Johnson thông báo đang tự cách ly vì dương tính với virus corona.
Chuyên gia: Ý vẫn chưa tới đỉnh dịch
Người đứng đầu Viện y tế quốc gia Ý, ông Silvio Brusaferro, ngày 27-3 nhận định dịch COVID-19 tại Ý vẫn chưa lên tới đỉnh điểm, song tín hiệu tích cực là số ca nhiễm mới ở nước này đang có dấu hiệu chậm lại.
“Khi đã qua đỉnh dịch, độ dốc của biểu đồ sẽ phụ thuộc vào cách người dân hành xử”, ông Brusaferro lập luận, ám chỉ ý thức tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội của chính phủ.
Cùng ngày, Bộ giáo dục Ý cũng thông báo các trường học sẽ bị đóng cửa trên toàn quốc tới hết ngày 3-4 tới.
Bộ trưởng Y tế Anh nối gót thủ tướng, dương tính virus corona
Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock tối 27-3 (giờ Việt Nam) xác nhận ông đã bị nhiễm virus corona, chỉ vài tiếng sau khi Thủ tướng Anh Boris Johnson thông báo đang tự cách ly vì dương tính với virus corona.
“Theo lời khuyên của các bác sĩ, tôi đã đi xét nghiệm virus corona. Kết quả là dương tính. Điều may mắn là các triệu chứng của tôi vẫn còn nhẹ. Tôi sẽ tự cách ly và làm việc tại nhà”, ông Hancock thông báo trên Twitter cá nhân.
Được biết Bộ trưởng Hancock trước đó đã tiếp xúc với Thủ tướng Johnson, theo hãng tin Reuters. Để dập tắt các đồn đoán, hoàng gia Anh đã nhanh chóng phát đi thông báo cho biết Nữ hoàng Elizabeth II có gặp ông Johnson nhưng từ tận ngày 11-3 và hiện nữ hoàng vẫn vô cùng khỏe mạnh.
Nhà chức trách Anh ngày 27-3 thông báo tính đến hết ngày 26-3 tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại nước này là 759 người, tăng 181 người so với 24 giờ trước đó. Tổng số ca nhiễm tại Anh trong cùng thời gian đó là 14.579 người.
Mark Zuckerberg quyên góp 25 triệu USD tìm thuốc trị COVID-19
Ông chủ Facebook, tỉ phú công nghệ Mark Zuckerberg ngày 27-3 thông báo sẽ quyên góp 25 triệu USD cho các nỗ lực tìm thuốc điều trị COVID-19.
Trong thông báo trên trang Facebook cá nhân, Zuckerberg cho biết đang phối hợp với Quỹ Bill & Melinda Gates của tỉ phú Bill Gates cùng nhiều tổ chức khác đẩy nhanh việc đánh giá các loại thuốc có hiệu quả trong việc điều trị và ngăn chặn virus corona.
Gần 10.000 nhân viên y tế Tây Ban Nha nhiễm bệnh
Bộ Y tế Tây Ban Nha ngày 27-3 xác nhận ít nhất 9.444 nhân viên y tế ở nước này đã bị nhiễm virus corona chủng mới trong quá trình chăm sóc và điều trị cho các bệnh nhân.
Theo số liệu được công bố ngày 27-3, chỉ trong vòng 24 giờ qua Tây Ban Nha đã ghi nhận thêm 769 ca tử vong mới, nâng tổng số người chết ở nước này lên con số 4.858 – cao thứ hai thế giới sau Ý.
Số ca nhiễm mới trong cùng thời gian là 7.871, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 64.059 người. Hiện đã có 9.357 bệnh nhân được cho xuất viện, khoảng 50.000 người đang điều trị, trong đó có hơn 4.100 trường hợp trong tình trạng nghiêm trọng.
Mỹ sơ tán gia đình nhân viên ngoại giao ở Indonesia
Tờ Jakarta Post của Indonesia ngày 27-3 loan tin Bộ Ngoại giao Mỹ đã yêu cầu các thành viên gia đình dưới 21 tuổi thuộc Đại sứ quán, Phái đoàn Mỹ tại ASEAN, Tổng lãnh sự quán và Lãnh sự quán Mỹ tại Indonesia rời khỏi nước này ngay lập tức.
Quyết định này dựa trên tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Indonesia, năng lực y tế của xứ sở vạn đảo và số lượng các chuyến bay xuất phát từ quốc gia này. Mỹ cũng đưa ra Cảnh báo Y tế toàn cầu cấp độ 4 đối với Indonesia, khuyến cáo công dân trở về nước ngay lập tức, trừ phi đã chuẩn bị ở lại Indonesia trong một thời gian dài.
Indonesia phong tỏa chọn lọc
Bộ trưởng an ninh Indonesia Mahfud MD ngày 27-3 tiết lộ chính phủ nước này đang chuẩn bị ban bố một sắc lệnh, trong đó cho phép phong tỏa các khu vực bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Số ca nhiễm tại Indonesia tính đến ngày 27-3 là 1.046 trường hợp, trong đó có 87 người đã chết – đứng đầu Đông Nam Á về số ca tử vong vì COVID-19. Tuy nhiên, chính phủ Indonesia vẫn nói không với phong tỏa diện rộng, nhấn mạnh điều này sẽ gây thiệt hại nặng cho nền kinh tế.
Tokyo lo sợ dịch bùng phát mạnh
Thị trưởng Tokyo Yuriko Koike ngày 27-3 tiếp tục kêu gọi người dân ở trong nhà và hạn chế đi lại không cần thiết trong bối cảnh thủ đô của Nhật Bản chứng kiến ngày thứ 3 liên tiếp số ca nhiễm mới trên 40 người.
Bà Koike kêu gọi người dân hãy nên sống có trách nhiệm và cho biết các con số những ngày vừa qua cho thấy Tokyo đang đứng trước nguy cơ dịch bệnh có thể bùng phát mạnh bất ngờ. Ít nhất 13 tỉnh ở Nhật Bản đã yêu cầu người dân không đến Tokyo trong thời điểm hiện tại.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trước đó cảnh báo nếu để thủ đô bị phong tỏa, nền kinh tế Nhật Bản sẽ bị rung lắc dữ dội.
Mỹ: 83.000 ca nhiễm, nghiên cứu dự báo số ca tử vong có thể tới 81.000
• Theo cập nhật của trang Worldometers vào lúc 6h10 sáng 27-3, số ca nhiễm ở Mỹ đã tăng thêm 14.995 ca, lên tổng cộng 83.206 ca. Còn số ca tử vong do COVID-19 ở nước này tăng thêm 174 ca, lên 1.201 ca tử vong.
Như vậy, hiện Mỹ có số ca nhiễm cao nhất thế giới. Trung Quốc đứng số 2 với 81.285 ca nhiễm, còn đứng thứ 3 là Ý với 80.589 ca nhiễm.
• Hãng tin AFP dẫn nghiên cứu mới ngày 26-3 của Viện Đo lường và đánh giá y tế (IHME) tại Trường Y thuộc Đại học Washington dự báo COVID-19 có thể dẫn tới khoảng 81.000 cái chết ở Mỹ trong 4 tháng tới và khiến các bệnh viện Mỹ quá tải vào đầu tháng 4.
“Chúng tôi hi vọng những dự báo này sẽ giúp các nhà lãnh đạo trong hệ thống y tế tìm ra được các cách mới để có thể cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế chất lượng cao cho những ai cần trong các tuần tới” – giám đốc IHME Christopher Murray chia sẻ.
Đồng thời ông nhấn mạnh: “Quỹ đạo của đại dịch sẽ thay đổi và đột ngột tệ hơn nếu người dân xem nhẹ biện pháp cách ly xã hội hay không thực hiện nghiêm các biện pháp đề phòng khác”.
Fed thừa nhận kinh tế Mỹ suy thoái
Ngày 26-3, trả lời phỏng vấn kênh NBC News, chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho rằng Mỹ rất có thể đã rơi vào suy thoái, đồng thời cảnh báo thời gian để dỡ bỏ các hạn chế xã hội vốn gây thiệt hại cho nền kinh tế sẽ tùy thuộc vào diễn biến dịch COVID-19 – trái với mong muốn của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc quay lại cuộc sống bình thường vào lễ Phục sinh tháng 4.
Dịch COVID-19 đang giáng đòn thiệt hại to lớn cho nền kinh tế Mỹ, khi nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, công nhân phải ở tại nhà và sự mơ hồ bao trùm ảnh hưởng tới các thị trường tài chính.
Ý: Thêm 712 ca tử vong, 6.203 ca nhiễm mới
Hãng tin Reuters cho biết số ca tử vong do COVID-19 ở Ý đã tăng thêm 712 ca trong ngày 26-3, lên tổng cộng 8.215 ca tử vong. Lúc đầu có một số tính toán nhầm khi số ca tử vong ở vùng Piedmont không được tính vào.
Trước đó, số ca tử vong do COVID-19 ở nước này trong ngày 25-3 là 683, trong ngày 24-3 là 743, trong ngày 23-3 là 602, trong ngày 22-3 là 650, trong ngày 21-3 là 793 (số ca tử vong cao nhất trong một ngày kể từ hôm 21-2 khi dịch lan nhanh).
Trong khi đó, tổng số ca nhiễm ở Ý đã tăng từ 74.386 lên 80.589, sau khi ghi nhận 6.203 ca nhiễm mới. Tuy nhiên, đã có 10.361 ca hồi phục.
Số ca tử vong ở châu Âu vượt 15.000
Theo thống kê của Hãng tin AFP, đại dịch COVID-19 đã khiến khoảng 15.500 người ở châu Âu thiệt mạng tính đến ngày 26-3.
Trong đó, Ý ghi nhận số ca tử vong nhiều nhất và chiếm tới một nửa (8.215 ca tử vong). Kế đến là Tây Ban Nha và Pháp. Châu Âu cũng là châu lục chịu ảnh hưởng nặng nhất do COVID-19.
Tổng thống Putin nói về vấn đề “của sự sống và cái chết”
Phát biểu trước các nhà lãnh đạo G20 ngày 26-3, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã kêu gọi giảm nhẹ trừng phạt cho các nước trong lúc diễn ra đại dịch COVID-19. Ông nói rằng đây là một vấn đề “của sự sống và cái chết”.
Tuy nhiên, ông Putin chỉ nói chung chung, không nêu chi tiết những quốc gia nào nên được giảm nhẹ trừng phạt. “Lý tưởng mà nói chúng ta nên đề xuất một lệnh hoãn áp các hạn chế lên nhu yếu phẩm cũng như các giao dịch tài chính để mua chúng” – ông Putin nói. Hiện Nga vẫn còn chịu các lệnh cấm vận của phương Tây kể từ sau vụ Nga sáp nhập bán đảo Crimea.
Các nước có ca tử vong, ca nhiễm mới
• Honduras ghi nhận ca tử vong đầu tiên do COVID-19, trong khi số ca nhiễm hiện tại ở nước này là 52. Kenya cũng ghi nhận ca tử vong đầu tiên, còn tổng số ca nhiễm ở quốc gia Đông Phi này đã lên 31. Số ca tử vong do COVID-19 ở Ireland tăng thêm 10 ca, lên 19 ca tử vong. Venezuela cũng ghi nhận ca tử vong đầu tiên do COVID-19.
• Tại Thổ Nhĩ Kỳ, số ca tử vong do COVID-19 đã tăng từ 16 lên 75 ca, còn số ca nhiễm tăng thêm 1.196 ca, lên tổng 3.629 ca. Đến nay, khoảng 40.000 xét nghiệm đã được thực hiện ở nước này.
• Nhà chức trách y tế Pháp đã ghi nhận thêm 365 ca tử vong do COVID-19 trong ngày 26-3, nâng tổng số ca tử vong lên 1.696.