Theo trang thống kê worldometers.info, cập nhật đến 21h, toàn thế giới có hơn 1,4 triệu ca bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19), hơn 83.000 người chết và hơn 309.000 người hồi phục.
Người nước ngoài bị mắc kẹt ở Thái Lan được tự động gia hạn visa
Hãng tin Reuters ngày 8-4 dẫn nguồn tin riêng cho biết chính phủ Thái Lan đã chấp thuận đề xuất tự động gia hạn visa với tất cả người nước ngoài đến nước này hợp pháp và bị mắc kẹt vì dịch COVID-19.
Theo đó tất cả những người đến Thái Lan trước khi nước này có lệnh cấm người nước ngoài nhập cảnh sẽ không cần đến các trung tâm gia hạn visa như bình thường. Những người nằm trong diện này và có visa đã hết hiệu lực sẽ được gia hạn đến ngày 30-4.
Hồi tuần trước, chính phủ Thái Lan cũng đã cho phép các lao động nhập cư có giấy phép được tiếp tục ở lại Thái Lan cho tới khi nước này mở cửa lại biên giới.
Châu Âu 750.000 ca nhiễm, chiếm hơn 1/2 thế giới
Theo thống kê của hãng thông tấn AFP (Pháp), tính đến 18h ngày 8-4 (giờ Việt Nam), hơn 750.000 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đã được ghi nhận trên toàn châu Âu, chiếm hơn một nửa số ca nhiễm trên toàn thế giới đến nay.
Châu Âu hiện là châu lục bị tác động mạnh nhất của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Ý là nước có số ca tử vong nhiều nhất với 17.127 ca, trong khi Mỹ là quốc gia đơn lẻ ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất với 400.549 ca.
Đức lập “cầu không vận” để nhập thiết bị bảo hộ chống dịch
Theo Thông tấn xã Việt Nam, chính phủ liên bang Đức đã tổ chức thiết lập “cầu không vận” để vận chuyển các trang thiết bị bảo vệ thiết yếu khẩn cấp từ Trung Quốc sang Đức, trong bối cảnh khẩu trang y tế và quần áo bảo hộ cho nhân viên y tế Đức đang khan hiếm.
Bộ Y tế Đức dự kiến mỗi ngày gửi 1 máy bay chở khách của hãng hàng không Lufthansa tới Thượng Hải để chở 25 tấn hàng. Ngoài ra, việc vận chuyển có thể thông qua Bộ Quốc phòng liên bang.
Bangkok mở chiến dịch xét nghiệm tại nhà
Chính quyền vùng đô thị Bangkok (Thái Lan) mở chiến dịch xét nghiệm tại nhà dành cho những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh COVID-19, trong bối cảnh cả nước đã ghi nhận tới 2.369 ca mắc bệnh (tính đến ngày 8-4).
Cho tới nay, với 1.233 ca, Bangkok là địa phương có nhiều ca nhiễm nhất ở Thái Lan. Kế đến là tỉnh lân cận Nonthaburi với 141 ca và đảo du lịch Phuket với 140 ca.
Ổ dịch trong khu lao động nước ngoài ở Singapore
Bộ Y tế Singapore ngày 8-4 cho biết đã ghi nhận thêm 142 ca nhiễm mới trong cùng ngày – mức tăng cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở nước này, nâng tổng số ca nhiễm lên 1.623 trường hợp.
Trong số ca nhiễm mới của ngày 8-4, có 40 ca liên quan tới một khu nhà ở dành cho lao động nước ngoài, Bộ Y tế Singapore cho biết thêm.
Tại Malaysia, giới chức y tế ngày 8-4 cho biết nước này có thêm 156 ca nhiễm virus corona mới và 2 trường hợp tử vong trong 24 giờ qua. Trong số 2 người tử vong, có 1 người quốc tịch Pakistan từng tham dự lễ hội tôn giáo lớn tổ chức ở Malaysia và sau đó trở thành ổ dịch lớn của cả nước.
Tổng số ca nhiễm virus của Malaysia là 4.119 và tổng số ca tử vong là 65 người. Số ca hồi phục là 1.487 bệnh nhân.
Cùng ngày, Bộ Y tế Philippines ghi nhận thêm 106 trường hợp dương tính với virus corona và 5 ca tử vong mới. Tổng số ca nhiễm virus corona của nước này hiện là 3.870 trường hợp với 96 người tử vong.
Philippines cho biết sẽ xét nghiệm khoảng 10.000 mẫu bệnh COVID-19/ngày trong vòng 3 tháng tới.
Theo báo Phil Star, nhà chức trách nước này đang chuyển đổi công năng của sân vận động quốc gia Philippines để làm cơ sở cách ly và đưa vào hoạt động trong tuần tới. Cơ sở cách ly này sẽ có 3 khu lều bạt, dành cho những bệnh nhân không có triệu chứng hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ hoặc trung bình. Cơ sở cách ly dã chiến này có thể mở rộng dần để chứa cùng lúc 2.000 bệnh nhân.
Ngày 8-4, Bộ Y tế Indonesia ghi nhận thêm 218 ca nhiễm virus corona mới và 19 ca tử vong mới. Tổng số ca nhiễm virus corona của Indonesia là 2.956 trường hợp và tổng số ca tử vong do bệnh COVID-19 ở nước này là 240. Ngoài ra, có 222 người đã hồi phục sức khoẻ.
Bắt đầu từ ngày 10-4 tới, thủ đô Jakarta của Indonesia cấm người dân tụ tập trên 5 người, giảm 50% công suất phục vụ và hạn chế thời gian hoạt động của các phương tiện giao thông công cộng từ 6h đến 18h hàng ngày. Trong khi đó, các phương tiện cá nhân vẫn được phép ra vào khu vực thủ đô song số lượng người trên mỗi xe sẽ bị hạn chế.
Tính đến sáng 8-4, Jakarta ghi nhận tổng cộng 1.552 trường hợp dương tính với virus corona, trong đó có 144 ca tử vong.
Tây Ban Nha: 757 ca tử vong và 6.180 ca nhiễm mới trong ngày 8-4
Theo Bộ Y tế Tây Ban Nha, số ca nhiễm virus mới được ghi nhận trong ngày 8-4 là 6.180 ca và số ca tử vong mới do bệnh COVID-19 là 757 trường hợp. Tây Ban Nha cho biết tổng số người tử vong vì virus corona ở nước này tính đến ngày 8-4 là 14.555 người, tổng số ca nhiễm virus corona là 146.690 người.
Trong ngày 8-4, giám đốc khu vực Châu Âu của Tổ chức Y tế thế giới khuyên các nước “cân nhắc thật kỹ lưỡng” trước khi nới lỏng các biện pháp hạn chế virus corona. Ông nhận định sự lây lan của dịch bệnh “vẫn rất đáng lo ngại” ở Châu Âu và “vẫn còn một chặng đường dài trong cuộc đua marathon (với dịch bệnh) này”.
Đức: 254 người tử vong trong 24 giờ
Số liệu của viện Robert Koch về bệnh truyền nhiễm của Đức cho thấy trong vòng 24 giờ vừa qua, số ca nhiễm virus corona chủng mới của Đức tăng thêm 4.003 người, số ca tử vong tăng thêm 254 người.
Hiện tổng số ca dương tính với virus corona của Đức là 107.663, trong đó có tổng cộng 2.016 người đã tử vong vì bệnh này.
Nga ghi nhận số ca nhiễm mới kỷ lục trong một ngày
Theo hãng tin Reuters ngày 8-4, Nga ghi nhận 1.175 ca nhiễm virus corona mới, con số kỷ lục trong một ngày. Theo số liệu của Trung tâm xử lý khủng hoảng quốc gia của Nga, tổng số ca nhiễm virus corona của nước này hiện là 8.672 trường hợp.
Đây là ngày thứ 2 liên tiếp Nga có số người nhiễm mới cao hơn 1.000. Số ca tử vong mới trong 5 và tổng số ca tử vong của Nga hiện là 63 trường hợp.
• Theo hãng tin Reuters, trong vòng 24 giờ qua, Iran có thêm 121 ca tử vong mới do bệnh COVID-19 và và 1.997 ca nhiễm mới. Người phát ngôn Bộ Y tế Iran, ông Kianush Jahanpur cho biết tổng số ca tử vong vì bệnh COVID-19 của Iran hiện là 4.003 trường hợp, tổng số ca nhiễm bệnh là 67.286 người, trong đó có 3.956 người trong tình trạng nguy hiểm.
Sức khỏe Thủ tướng Anh ổn định
Theo hãng tin Reuters, nguồn tin từ Bộ Y tế Anh cho biết sức khỏe của Thủ thướng Anh Boris Johnson đang trong tình trạng ổn định, tinh thần tốt.
Ông Boris Johnson được xác định nhiễm virus corona chủng mới gần 2 tuần trước (27-3), chuyển bệnh nặng tới mức phải điều trị trong phòng hồi sức tích cực (ICU) tối 6-4. Hiện quyền điều hành chính phủ Anh được tạm giao cho Ngoại trưởng Dominic Raab.
Hàn Quốc công bố thêm gói cứu trợ kinh tế 44 tỉ USD
Tại phiên họp thứ 4 của Hội đồng kinh tế khẩn cấp ngày 8-4, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In thông báo chính phủ nước này đã phê chuẩn gói cứu trợ kinh tế trị giá 57.300 tỉ won (44 tỉ USD) nhằm hỗ trợ phục hồi hoạt động xuất khẩu và đẩy mạnh nhu cầu tiêu dùng trong nước giữa thời kỳ dịch bệnh COVID-19 hiện nay.
Đây là gói cứu trợ cần thiết trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tuột dốc và nền kinh tế phục thuộc vào xuất khẩu của Hàn Quốc chịu tác ảnh hưởng nặng nề “giống như hậu quả sóng thần”. Tổng thống Hàn Quốc nhấn mạnh cần có các biện pháp khẩn cấp để cứu các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng như bảo vệ việc làm của người lao động.
Tàu sân bay Pháp vội về nước vì có ca nghi nhiễm
Theo hãng tin Reuters ngày 8-4, tàu sân bay hàng đầu của Pháp mang tên Charles de Gaulle đang trên đường trở về cảng do một số người trên tàu có triệu chứng nhiễm bệnh COVID-19.
Bộ Quốc phòng Pháp xác nhận thông tin này và cho biết khoảng 40 người hiện đang được theo dõi y tế nghiêm ngặt.
WHO: Triều Tiên đang triển khai xét nghiệm virus corona
Ngày 7-4, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết Triều Tiên, một trong chỉ số ít các quốc gia chưa thông báo về các ca mắc COVID-19, tuyên bố rằng nước này đang tiến hành xét nghiệm virus corona và hơn 500 người đang được cách ly.
Theo WHO, Triều Tiên đã có khả năng xét nghiệm virus tại phòng thí nghiệm tiêu chuẩn quốc gia ở thủ đô Bình Nhưỡng. Đại diện của WHO về Triều Tiên Edwin Salvador xác nhận: “Tính đến 2-4, 709 người – trong đó có 11 người nước ngoài và 698 công dân Triều Tiên – đã được xét nghiệm. 509 người thuộc diện cách ly, trong đó có 2 người nước ngoài và 507 công dân Triều Tiên”.
WHO trước đó thông báo Triều Tiên đã tiếp nhận các dụng cụ để sử dụng trong quá trình xét nghiệm từ Trung Quốc hồi tháng 1. Trong khi đó WHO đã cung cấp các trang thiết bị bảo hộ y tế cho Triều Tiên.