Nhắc đến quê hương của Thành Cát Tư Hãn, lâu nay người ta thường chỉ hình dung đến vó ngựa và thảo nguyên bao la. Có đến thăm Mông Cổ trong những năm tháng chuyển mình này, chúng tôi mới thấy một phần văn hóa du mục đang phai nhạt để kịp thích nghi với hoàn cảnh mới…
Ulan Bator mau đổi thay
Trở lại Ulan Bator sau gần mười năm, ai nấy không khỏi ngỡ ngàng bởi những thay đổi nhanh chóng của thành phố. Hai bên các con phố chính xuất hiện nhiều cửa hàng thời trang lộng lẫy, trên nhiều đoạn đường còn dằn xóc đã tấp nập những chiếc xe hơi hạng sang. Hàng loạt tòa nhà chọc trời sáng loáng cũng kịp mọc lên bên cạnh các khu đô thị hiện đại. Tại khách sạn, bảng quảng cáo sân golf và khu nghỉ dưỡng trượt tuyết được treo khắp nơi. Kinh tế Mông Cổ tăng trưởng 12,3% trong năm 2012 sau khi tăng 17,5% trong năm trước đó. Bộ mặt thủ đô thay đổi nhanh chóng là kết quả của việc khai thác các mỏ than, đồng và vàng tại quốc gia nghèo bậc nhất thế giới này.
Bức tượng Thành Cát Tư Hãn khổng lồ bên dòng sông Tuul
Cùng với sự tăng trưởng kinh tế, hình ảnh Thành Cát Tư Hãn, niềm tự hào của người Mông Cổ cũng được phục dựng khắp nơi. Hoành tráng nhất là khu phức hợp tưởng niệm ông nằm bên bờ sông Tuul cách Ulan Bator hơn 50 cây số về phía đông, với điểm nhấn là bức tượng đại đế đang xung trận trên lưng ngựa. Bức tượng cao 40 mét này được bọc ngoài bởi 250 tấn thép không gỉ. Tượng nằm trên đỉnh của một tòa nhà cao mười mét với 36 cây cột lớn tượng trưng cho 36 vị đại hãn kế tục vương triều của Thành Cát Tư Hãn. Khu phức hợp bao gồm nhà hàng, cửa hàng lưu niệm và một phòng hội nghị. Bên trong phòng trưng bày nghệ thuật có bản đồ miêu tả những trận đánh lừng lẫy của Thành Cát Tư Hãn. Du khách có thể đi thang máy hay thang bộ lên phần lưng ngựa và đến vị trí đầu ngựa để chiêm ngưỡng toàn cảnh thảo nguyên. Ngoài ra, xung quanh tòa nhà có 200 chiếc lều xinh đẹp được dựng lên nhằm tái hiện trại quân Mông Cổ vào thế kỷ XIII.
Hồ nước và thông xanh trên đường đi
Tăng trưởng kinh tế của Ulan Bator còn thể hiện ở chợ trời Naran Tuul, một trong những khu chợ lớn nhất ở châu Á hiện nay. Một bên Naran Tuul là những tòa nhà rộng lớn, một bên là mê cung dày đặc những quầy hàng cung cấp đủ loại mặt hàng thượng vàng hạ cám. Chợ này luôn đông đúc đến mức ngạt thở, người Mông Cổ lại cao lớn nên nhiều du khách nhỏ bé như tôi cảm thấy mình “lép vế”. Đó là chưa kể trong một thoáng lơ đễnh tôi đã suýt bị móc túi. Bỏ qua những ấn tượng khó chịu đó, sau khi hoàn hồn, chúng tôi nhận thấy khu chợ trời này thực sự hấp dẫn với những mặt hàng độc đáo như thắt lưng của người bản địa, quần áo, túi xách, trang sức làm từ lông cáo và các loại da. Hàng thủ công ở đây cũng rất đẹp mắt và sắc sảo.
Suối nhỏ trên thảo nguyên
Nhiều thập niên trước, ít ai có thể hình dung thủ đô nhỏ bé, yên tĩnh của đất nước Mông Cổ có lúc trở thành một đô thị với tốc độ mở rộng nhanh chóng như ngày nay. Ulan Bator hiện có trên một triệu rưỡi dân, nghĩa là hơn một phần ba dân số cả nước đã kéo về đây, trong đó khoảng 70% đang sống trong những khu lều dành cho người nghèo ở ngoại ô dọc các con đường đầy bụi. Sự thay đổi môi trường do kinh tế phát triển nhanh, biến đổi khí hậu và sa mạc hóa khiến gia súc và các cánh đồng cỏ bị chết dần. Sau những mùa đông ngày càng khắc nghiệt và các đồng cỏ mỗi lúc một khô cằn, hàng triệu người làm nghề chăn gia súc đã phải tìm công việc ở những khu mỏ và thành thị. Nhiều người trẻ Mông Cổ giờ không còn học những kỹ năng cần thiết cho cuộc sống du mục.
Quá khứ huy hoàng ở thung lũng Orkhon
Chuyến xe khách từ Ulan Bator đến cố đô Karakorum, hay gọi theo tên mới là Kharkhorin khởi hành vào lúc 11 giờ sáng. Với mức giá hơn hai trăm ngàn đồng Việt Nam cho chặng đường gần 400 cây số trên xe máy lạnh, chi phí đi lại ở Mông Cổ xem ra không đến nỗi đắt đỏ. Ra khỏi thủ đô, đường nhựa liền được thay bằng đường đất. Tuy vậy xe vẫn chạy khá nhanh do đường vắng. Trong bảy tiếng đồng hồ trên xe, chúng tôi được ngắm thảo nguyên xinh đẹp liên tục thay đổi màu sắc theo ánh nắng. Khi nắng nhẹ trời trong mây nhạt, đồng cỏ xanh mát dịu dàng, núi đồi cũng lãng đãng nên thơ. Khi nắng chói chang, trời xanh ngăn ngắt, thảo nguyên bừng lên sức sống mãnh liệt với cây cối tươi màu, sông suối lấp lánh như thủy tinh. Cũng có lúc hai bên đường đi là những rừng thông xanh non mượt thăm thẳm. Đôi khi xe chạy ngang đàn gia súc nhưng người chăn thay vì cưỡi ngựa lại cưỡi xe máy chạy bon bon.
Kiến trúc xưa trong thung lũng Orkhon
Chiều xuống xe tiến vào thung lũng Orkhon, cái nôi của nền văn hóa du mục Mông Cổ qua nhiều thế kỷ. Thung lũng Orkhon cũng là điểm giao thoa giữa nhiều nền văn hóa Đông và Tây. Vào thời kỳ đỉnh cao của văn hóa du mục Mông Cổ, nhiều tu viện Phật giáo đã được xây dựng tại đây. Cho đến nay một số công trình vẫn còn nguyên vẹn và được bảo tồn tốt. Bên cạnh những tu viện uy nghiêm, dọc hai bên bờ sông Orkhon còn tồn tại nhiều kiến trúc xưa được xây dựng với phong cách Âu – Á kết hợp. Nằm dưới chân ngọn núi xanh biếc, tu viện Amarbayasgalant lớn thứ hai ở Mông Cổ gồm 14 ngôi đền cất giữ rất nhiều công trình nghệ thuật xa xưa…
Những gì còn lại của kinh đô Karakorum xưa
Cổng thành Karakorum im lìm trong nắng sớm
Nằm cách sông Orkhon khoảng trăm mét, sông Ulaan Tsutgalan nổi tiếng với một thác nước tự nhiên rất đẹp. Nơi đây là điểm nhấn của bức tranh thảo nguyên và cũng là khu vực tập trung nhiều đàn chim hoang dã. Thung lũng Orkhon có khá nhiều khách quốc tế đến thăm các đài kỷ niệm, cung điện, đền miếu, chùa chiền, những dấu tích của các đế chế Đột Quyết, Duy Ngô Nhĩ… hay vết tích cố đô Karakorum của Thành Cát Tư Hãn. Sáu giờ tối ra khỏi bến xe, chúng tôi hơi ngạc nhiên trước quy mô nhỏ bé của thị trấn Kharkhorin. Kharkhorin nằm ở vị trí thấp nhất trong lòng chảo Orkhon, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới nhờ những tàn tích của cố đô Karakorum, mà trong một thời gian ngắn đã giữ vai trò kinh đô của đế quốc Mông Cổ. Dưới thời Thành Cát Tư Hãn, Kharkhorin là khu tiếp tế lương thực, sau này con trai ông đã biến thị trấn thành kinh đô Karakorum trong 40 năm, thu hút nhiều nghệ sĩ, thương gia và thợ lành nghề từ khắp châu Á và cả châu Âu đến đây tham gia xây dựng thành phố. Đến đời cháu của Thành Cát Tư Hãn thì người Mông Cổ xâm lược Trung Quốc, lập nên triều đại nhà Nguyên và kinh đô Mông Cổ dời về Bắc Kinh nên Kharkhorin dần rơi vào quên lãng.
Thác nước hùng vô trên sông Ulaan Tsutgalan
Điểm tham quan nổi tiếng nhất ở Kharkhorin là tu viện Erdene Zuu với 108 bảo tháp trắng toát nổi bật giữa thảo nguyên xanh mênh mông. Giá vé vào tu viện Phật giáo đầu tiên tại Mông Cổ này chỉ có ba đôla Mỹ. Vào bên trong những tòa nhà mang kiến trúc Tây Tạng và nhìn cảnh các vị sư khoan thai tụng kinh, chúng tôi tưởng mình được trở lại với ngày xưa của cố đô. Thời huy hoàng của Orkhon còn lưu dấu trong bảo tàng Kharkhorin với khá nhiều di vật làm bằng đá rất đặc sắc.
Tu viện Erdene Zuu mang kiến trúc Tây Tạng
Buổi tối trước khi rời Kharkhorin, chúng tôi may mắn được xem vài tiết mục ca múa của nghệ sĩ sĩ địa phương và thưởng thức món thịt cừu nướng bằng đá nóng. Qua lời nói nửa nhận xét, nửa cảm thán của ông cụ chủ nhà thì thịt cừu vẫn mềm và thơm ngon, rượu thảo nguyên vẫn nồng nàn, chỉ có tiếng hát và điệu múa không còn hùng tráng như ngày xưa! Ngày xưa nguyên vẹn của đời sống du mục có lẽ rồi sẽ chỉ còn trong hoài niệm xa xôi ở rất nhiều người dân Orkhon.
Đinh Huấn – Cẩm Tú