Trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam hiện đại, họa sĩ người Pháp Victor Tardieu được vinh danh với tư cách người sáng lập cũng là hiệu trưởng đầu tiên của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, nơi đã đào tạo nhiều tên tuổi lớn của hội họa Việt Nam như Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Mai Trung Thứ, Lê Thị Lựu, Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Phan Chánh, Tô Ngọc Vân… Là một nhà sư phạm mỹ thuật mẫu mực, Victor Tardieu còn là một họa sĩ có tài với rất nhiều tác phẩm giá trị để lại cho đời.
Victor Tardieu sinh ngày 30-4-1870 tại Lyon, với thiên hướng hội họa từ nhỏ nên đến tuổi thanh niên ông thi vào Trường Mỹ thuật quốc gia ở Lyon, sau đó lên thủ đô Paris tiếp tục học tập, nghiên cứu về mỹ thuật. Tháng 10-1890, ông thi vào Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật (École Nationale Supérieure des Beaux-Arts) danh tiếng bậc nhất châu Âu, đồng thời theo học tại xưởng vẽ của hai họa sĩ Léon Bonnat (1833-1922) và Albert Maignan (1845-1908). Năm 1902, thành công đầu đời đến với Tardieu khi bức tranh khổ lớn (4,05m x 4,80m) mang tên Cần lao (Travail) của chàng họa sĩ trẻ, thể hiện những công nhân trên một công trường xây dựng được triển lãm tại phòng trưng bày Salon của Hội Họa sĩ Pháp và nhận được giải thưởng mỹ thuật quốc gia. Nhờ đoạt giải mỹ thuật danh giá này, Tardieu nhận được phần thưởng là một chuyến đi trong hai năm để tham quan các thành phố cảng London, Liverpool (Anh) và Genoa (Ý); qua đó ông đã vẽ nhiều bức tranh mô tả cuộc sống phồn thịnh của châu Âu những năm đầu thế kỷ XX.
Thế chiến I bùng nổ, Tardieu tình nguyện nhập ngũ, tham gia chiến đấu trên chiến trường phía bắc nước Pháp. Thời gian này ông vẽ một loạt tác phẩm về những hậu quả của chiến tranh, sau thuộc bộ sưu tập của một nữ quý tộc người Anh là bà Fanny St. Clair-Erskine, nữ công tước xứ Sutherland. Năm 1920, ông đoạt Giải thưởng Đông Dương (Prix de l’Indochine), nhờ đó được sang du lịch Việt Nam một năm, lúc đó là thuộc địa của Pháp. Thế nhưng tại Hà Nội ông đã nhận lời vẽ hai bức tranh tường khổ lớn theo phong cách cổ điển, một cho giảng đường chính của Trường Đại học Đông Dương (ngày nay là Trường Đại học Quốc gia Hà Nội) và một cho phòng đọc của Thư viện Trung tâm (hiện không rõ số phận của bức tranh này). Để vẽ bức tranh tường rộng đến gần 80m² tại giảng đường chính của Viện Đại học Đông Dương, Tardieu đã phải mất sáu năm làm việc không ngừng. Bức tranh thể hiện gần như toàn bộ khung cảnh xã hội Hà Nội những năm đầu thế kỷ XX, với 200 nhân vật từ các quan chức cấp cao người Pháp cho đến dân thường người Việt. Trong tranh có hình ảnh của bốn toàn quyền Đông Dương là Paul Doumer, Jean Baptiste Paul Beau, Albert Sarraut và Maurice Long. Và có hình ảnh của Jean Tardieu, con trai ông, người đã cùng sống với ông ở Hà Nội những năm 1929-1931(*). Và ông còn vẽ trang trí trên tường tiền sảnh và mái vòm của tòa nhà đang được xây dựng, tổng cộng gần 270m² diện tích tranh được vẽ. Năm 2006, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức phục dựng bức tranh tường của Victor Tardieu nhưng chỉ đạt được kết quả khá khiêm tốn.
Cũng tại Hà Nội, Tardieu đã sớm nhận ra tay nghề của nhiều họa sĩ bản xứ và kết bạn với Nam Sơn, một họa sĩ trẻ ở Hà Nội. Được sự cổ vũ của Nam Sơn, Tardieu đã vận động Chính phủ Pháp ở Paris cũng như với chính quyền bảo hộ của Pháp tại Đông Dương để thành lập một học viện mỹ thuật với khuôn mẫu là Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Pháp ở Paris. Năm 1925, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ra đời tại Hà Nội với hiệu trưởng là họa sĩ Victor Tardieu. Ông đảm nhận trọng trách này cho tới ngày qua đời 12-6-1937 tại Hà Nội. Điều quan trọng là Victor Tardieu đã không áp đặt bất kỳ khuynh hướng, trường phái nghệ thuật nào ở châu Âu với các thế hệ sinh viên của trường, thay vào đó ông và các đồng sự truyền cho họ lòng say mê và những kỹ thuật hội họa cơ bản, đặc biệt là sử dụng sơn dầu, chất liệu hội họa lần đầu tiên các họa sĩ Việt Nam được biết đến. Mặt khác, Victor Tardieu còn nhấn mạnh đến truyền thống nghệ thuật của Việt Nam như là điểm khởi đầu cho sự phát triển phù hợp với xu hướng thế giới. Chính tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, chất liệu sơn mài truyền thống của người Việt đã được tôn vinh và phát triển từ sản phẩm mỹ nghệ trở thành tác phẩm mỹ thuật.
Ngày nay, tranh của Victor Tardieu được đưa lên các sàn đấu giá danh tiếng thế giới và đạt được nhiều mức giá cao. Bức tranh sơn dầu Phụ nữ Bắc bộ với cái rổ (La Tonkinoise au Panier) sáng tác năm 1923, được bán với giá 206.358 USD tại nhà Christie’s Hongkong ngày 25-5-2014 và là giá kỷ lục hiện nay của tranh Tardieu. Trước đó, bức Chích ngừa (Vaccination) được bán với giá 157.136 USD tại nhà Christie’s Hongkong ngày 27-5-2012; gần đây hơn bức Bà mẹ Việt và con (Vietnamienne à l’enfant) được bán với giá 129.383 USD cũng tại nhà Christie’s Hongkong ngày 29-5-2016.
(*) Những năm tháng ấy đã được Jean Tardieu viết trong tập du ký Thư Hà Nội (Lettres de Hanoi) dưới dạng những bức thư gửi cho nhà văn Roger Martin du Gard. Sách đã được dịch và xuất bản tại Việt Nam
Victor Tardieu và nữ công tước xứ Sutherland
Nữ công tước xứ Sutherland (Lady Millicent Fanny St. Clair-Erskine, 1867-1955) là một khuôn mặt nổi bật trong giới quý tộc xứ sương mù vào đầu thế kỷ XX. Sau ba cuộc hôn nhân tan vỡ, bà sống chủ yếu ở Pháp trong hai thập niên 1920, 1930 và thường du lịch đó đây ở châu Âu. Năm 1940 bà sống gần thành phố Angers của Pháp và bị quân phát xít Đức bắt giam khi chúng xâm lược Pháp. Bà trốn khỏi nhà tù, sang Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và tới Mỹ, đến năm 1945 trở lại Paris và qua đời năm 1955 ở một thị trấn phía tây nam Pháp.
Nữ công tước xứ Sutherland từng được nhà danh họa người Anh John Singer Sargent vẽ chân dung vào năm 1904. Bức chân dung đó được bán đấu giá tại nhà Sotheby’s London năm 1979 với mức giá kỷ lục lúc đó là 210.000 USD và hiện thuộc một bộ sưu tập tư nhân tại Tây Ban Nha. Đặc biệt, trong sưu tập của nữ công tước có loạt tranh mười bức của Victor Tardieu, được họa sĩ vẽ tại một bệnh viện dã chiến cách Dunkerque khoảng 19km vào mùa hè năm 1915. Xê-ri tranh này sau đó được bán đấu giá tại gallery Abbott and Holder ở London vào đầu năm 2012 và hiện thuộc sưu tập của Bảo tàng Nightingale ở Florence (Ý). Theo các giới chức bảo tàng, bộ tranh này là minh chứng về hoạt động cứu thương trong Thế chiến I ở các chiến trường Pháp và Bỉ, với các nữ cứu thương tình nguyện.
Xem thêm:
- Hình ảnh Việt Nam trong tranh Joseph Inguimberty
- Voọc Sơn Trà trong triển lãm của Tammy Nguyễn
- Các họa sĩ Pháp vẽ tranh đề tài Việt Nam