Có những điều mà trước nay nhiều người vẫn nghĩ không nên áp dụng trong chi tiêu cá nhân nhưng thực chất lại nên làm, điển hình như đôi khi đi thuê không phải là việc phí tiền.
Trong chi tiêu hằng ngày, có những điều tưởng chừng nên tránh nhưng thực tế lại không xấu như chúng ta nghĩ. Việc đi theo định kiến về chi tiêu đôi khi lại không phải là lựa chọn an toàn mà mang tác dụng hoàn toàn ngược lại.
1. Trả nợ nhỏ trước nợ lớn
Dù trước nay phần đông vẫn nghĩ việc trả những khoản nợ lớn, lãi cao trước mới là việc nên ưu tiên, một nghiên cứu từ Harvard Business Review lại cho thấy điều ngược lại.
Khi nhìn vào các con số, cách thông minh nhất là trả những khoản nợ có lãi suất cao nhất trước để hạn chế tối đa lượng tiền lãi phải trả và không rơi vào tình trạng nợ cũ đẻ nợ mới.
Tuy nhiên các nhà nghiên cứu của Harvard Business Review đã kết luận sau hàng loạt thử nghiệm rằng việc nhìn thấy các khoản nợ nhỏ được thanh toán khiến người tham gia thử nghiệm cảm thấy được khích lệ, có động lực để trả nợ, dẫn tới trả hết nợ sớm hơn.
“Tập trung trả các khoản nợ nhỏ nhất trước giúp người trả nợ có cảm giác việc thanh toán đang đi theo trình tự và có tiến triển, từ đó có thêm động lực để trả nốt số nợ còn lại”, ông Remi Trudel, nhà nghiên cứu thuộc Harvard Business Review viết.
Chuyên gia tài chính cá nhân Derek Sall cũng ủng hộ phương pháp này và từng tự áp dụng để trả thành công nhiều khoản nợ có tổng giá trị khoảng 100.000 USD.
2. Tách bạch tài chính với bạn đời
Một trong những vấn đề quan trọng nhất mà các cặp đôi thường phải giải quyết là vấn đề tài chính. Bạn đời của bạn có sức khỏe tài chính như thế nào? Hiện có mắc nợ không? Họ tiết kiệm được bao nhiêu? Họ có đang đầu tư không? Đây là những câu hỏi quan trọng để các cặp đôi quyết định liệu có nên gộp tài chính với nhau, nhưng không phải khi nào hợp sức lại cũng tốt.
Việc một cặp vợ chồng không dùng một tài khoản chung là điều hoàn toàn bình thường, miễn là bạn minh bạch tài chính với bạn đời.
Theo một vài báo cáo, rất nhiều trường hợp sẽ tốt hơn khi tách bạch tài chính với bạn đời, như khi một người thông thạo vượt trội về tài chính so với đối tác hoặc chưa đủ sự tin tưởng về tài chính giữa hai bên.
Một vài chuyên gia tài chính cũng gợi ý về mô hình “của tôi, của anh và của chúng ta” cho các cặp đôi, khi tài khoản chung chỉ dùng để chi trả chi phí sinh hoạt.
3. Thuê thay vì mua
Nhiều chuyên gia tài chính đã chỉ ra những lợi ích dài hạn của việc mua nhà, nhưng đừng nghĩ thuê nhà là lựa chọn phí tiền.
“Tôi nghĩ việc thuê nhà đặc biệt phù hợp với người trẻ”, chuyên gia quản lý tài sản Ben Carlson chia sẻ.
“Khi bạn trẻ, thuê nhà giúp bạn có nhiều sự lựa chọn. Bạn sẽ không bị bó buộc về nơi ở và hoàn toàn có thể tự do lựa chọn công việc ở bất kỳ đâu mà mình muốn. Nhiều người so sánh việc thuê nhà với mua nhà trả góp, nhưng theo tôi nhà trả góp không dễ trả như bạn nghĩ”.
Việc lựa chọn thuê hay mua phụ thuộc vào giá cả thị trường bất động sản nơi bạn muốn sinh sống.
Thuê nhà sẽ giúp bạn tránh được các khoản thuế phí bảo trì, lãi trả góp. Dù quyết định thuê hay mua, hãy chỉ đưa ra quyết định khi tiền phải trả hằng tháng nhỏ hơn 30% thu nhập của bạn.
4. Vay thêm nợ
Mọi người đều không hào hứng khi nghe tới vay nợ bởi không ai muốn nợ người khác. Tuy nhiên có hai trường hợp bạn nên cân nhắc đi vay để tiến xa hơn: vay để học tập và vay để mua nhà.
“Các khoản vay sinh viên, vay học tập thường có mức lãi dễ thở và đôi khi được hoãn nợ vì những lý do có thể xem xét. Bên cạnh đó đầu tư cho giáo dục sẽ giúp bạn cải thiện thu nhập và trả dần nợ theo thời gian”, theo chuyên gia tài chính từ Motley Fool’s.
Số liệu cho thấy tại Mỹ, trung bình thu nhập của người có bằng cử nhân cao hơn 67% so với người có bằng cao đẳng.
Bên cạnh đó, nếu các gói vay mua nhà trả góp có lãi suất hợp lý, mức trả góp hằng tháng ít hơn 30% thu nhập của bạn thì bạn hoàn toàn có thể cân nhắc việc vay để mua nhà. Việc vay mua nhà hợp lý sẽ mang lại nhiều lợi ích dài hạn.
5. Mở nhiều thẻ tín dụng
Nhiều người vẫn nghĩ rằng ai có nhiều thẻ tín dụng trong ví là người hay chi tiêu bừa bãi. Tuy nhiên đây lại là lựa chọn thông minh, miễn là bạn trả đầy đủ tiền ứng trước hằng tháng.
Theo chuyên gia tín dụng John Ulzheimer, việc dùng càng nhiều thẻ tín dụng càng khiến điểm tín dụng của bạn tốt lên. “Bạn nên giữ chi tiêu tín dụng ở mức 50% lượng tối đa, tốt hơn là 30% nhưng tốt nhất nên là 10%”.
Nếu bạn chỉ có nhu cầu chi tiêu 1.000 USD một tháng trong khi thẻ của bạn có mức giới hạn là 6.000 USD, bạn vẫn nên mở thêm một thẻ để chia đôi chi tiêu sang thẻ còn lại.
“Chi tiêu càng xa mức giới hạn tín dụng, điểm tín dụng của bạn càng tốt”, Ulzheimer khẳng định.
6. Chi tiêu không có định mức
Thiết lập các định mức chi tiêu là điều rất hữu ích với nhiều người, đặc biệt là những người tiêu xài hoang phí. Tuy nhiên không hẳn ai cũng phù hợp với phương pháp này.
Triệu phú tự thân David Bach chia sẻ “có những người thử chi tiêu trong định mức hai tới ba tháng rồi bỏ cuộc bởi tính cách họ không phù hợp với phương pháp”.
Bach liên hệ việc đưa ra định mức với việc ăn kiêng và tập thể dục: Nếu bạn không thích nó, khả năng cao bạn sẽ từ bỏ. Tuy nhiên, dù không phải là người có thể chi tiêu trong định mức đề ra, bạn cũng nên theo dõi chi tiêu của mình bằng ứng dụng di động hay các trang web miễn phí.
Bên cạnh đó, bạn cũng nên áp dụng thử phương pháp “Tiêu cho bản thân trước” bằng cách chi tiền để đầu tư, đóng quỹ lương hưu và tạo khoản tiết kiệm khi khẩn cấp trước thay vì chi trả các hóa đơn, mua sắm nhu yếu phẩm. Phương pháp này đảm bảo bạn đã tách khoảng 20% thu nhập khỏi việc chi tiêu hằng tháng.
7. Đầu tư dù không phải “nhà đầu tư”
Nghe có vẻ mạo hiểm, nhưng đầu tư là việc ai cũng có thể làm. Bạn không cần phải là một thiên tài chọn cổ phiếu hay có thu nhập “khủng” để sinh lời dài hạn từ việc đầu tư.
- Xem thêm: Chi tiêu cho hạnh phúc
Theo nhiều chuyên gia về đầu tư, các tốt nhất để những người không có kiến thức gì về đầu tư là gửi tiền vào các quỹ ủy thác. Đây là những đơn vị nắm giữ lượng cổ phiếu lớn, đa dạng và thu phí tương đối rẻ.
Nếu muốn sinh lời dài hạn, bạn nên đầu tư vào một thị trường nào đó, dù là thị trường có tính rủi ro cao, thay vì để tiền “chết” không đầu tư.