Nghĩ, ông trời cũng khéo đặt để, mùa kết thúc năm se lạnh để khiến người có… vô cảm cách mấy cũng thấy một chút “bâng khuâng chiều ba mươi”. Một năm tưởng dài mà hóa ra nhanh cái vèo. Mới tết giờ lại tết nữa rồi!
Tự hỏi, một năm qua mình đã đi những đâu, gặp những ai, sự cố gì xảy ra và vượt qua như thế nào… Một năm nhận ra bạn tốt và bạn không tốt. Nếu có người “chơi xấu” thì cũng có người khác giúp đỡ. Nghĩ lại, mình đã nghĩ… xấu về ai, tại sao lại sinh ra cớ sự ấy! Nghĩ lan man, cảm ơn trời một năm không bệnh tật, tai ương… Bởi đâu phải ai cũng có một năm bình yên vô sự.
Đúc kết lại, năm bình yên hay bão tố thì nó cũng qua rồi. Nghiệm ra chút triết lý cuộc sống, chín bỏ làm mười. Thù hận mang theo chỉ thêm nặng đầu, bạc tóc. Nói là vậy, nhưng đâu có dễ. Cái tay kia cố tình hại mình trong cạnh tranh làm ăn dễ gì bỏ qua, liệu năm sau hắn còn bày thêm mưu kế gì nữa?
Cạnh tranh luôn là điều kiện để xã hội tiến bộ, nhưng cũng có những cạnh tranh không lành mạnh. Nhìn ra xã hội, năm 2016 trôi qua với biết bao sự cố. Từ sự cố môi trường cho đến các cạnh tranh “bẩn” trong kinh doanh. Người có trách nhiệm nhận lãnh phần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, cá nhân liên can cũng chịu trách nhiệm liên đới.
- Xem thêm: Nghĩ cuối năm
Một xã hội muốn phát triển bắt buộc phải có cạnh tranh. Cạnh tranh lành mạnh trên thương trường giúp cho người tiêu dùng được lợi.
Giờ đây vận chuyển bưu điện đâu cạnh tranh nổi với các công ty bên ngoài khi mà một món hàng đến tay người nhận nhanh chóng, cước phí không bao nhiêu. Cha mẹ gửi thức ăn cho con cái đi học, đi làm ở xa, mọi thứ đóng vào thùng xốp, chỉ một đêm là đến nơi, không sợ hư. Các hãng vận chuyển hành khách hoạt động mạnh ở thành phố lớn, giá cả phải chăng đã khiến các công ty taxi hay cánh xe ôm đô thị mất đi một lượng lớn khách hàng.
Đó là những cạnh tranh có lợi cho đa số người tiêu dùng và hướng đến một xã hội phát triển dựa vào công nghệ số. Người thành phố mơ đến lúc tuyến tàu điện Metro đi vào hoạt động, vừa nhanh, vừa sạch sẽ. Giao thông đô thị phải vậy mới nói đến chuyện “bằng chị, bằng em” chứ!
Nhiều phụ huynh có con học tiểu học kể chuyện, tính cạnh tranh giờ đây còn ở các trường học, chẳng hạn cô giáo làm một thống kê với những câu hỏi như: em nào đã đi nước ngoài rồi, đi mấy lần, nhà em nào có xe hơi… nữa kia! Thật, điều này không đúng với tính giáo dục là đòi hỏi sự công bằng, nhưng biết làm sao được khi cô giáo cũng cần nắm những thông tin như vậy để có cách giáo dục chăng?
Như vậy, không thể phủ nhận là xã hội thay đổi liên tục và nhanh chóng mặt. Nhìn lại một năm để thấy suy nghĩ của mình cũng khác. Hồi đầu năm, đi xa lộ, thấy tuyến Metro chưa gì lắm, mấy tháng sau đi lại ngỡ ngàng vì các “nhịp” đã nối nhau gần hết rồi. Các nhà ga đã ra hình dạng. Nhìn cảnh chiều tối mà công trường vẫn nhộn nhịp, người biquan cách mấy cũng cảm giác như được “tiếp lửa”.
- Xem thêm: Nghĩ cuối năm
Để thấy rằng, xã hội biến chuyển nhanh như vậy, chỉ cần dừng lại là đã tụt hậu rồi. Năm nay khác, năm sau lại khác nữa. Trong gia đình, con cái lớn lên hồi nào, một hôm nghe thằng con vỡ giọng, thường soi gương nặn mụn, chú ý đến quần áo hơn, lại nói nhỏ với mẹ mua cho chai… lăn nách, mới hay con mình sắp trưởng thành rồi!
Vậy là gì? Thì con người phải có hy vọng để mà sống chứ. Mấy ai không muốn một ngày được… đeo mặt nạ lên lãnh tiền trúng vé số Vietlott? Không ai đánh thuế thì cứ mơ một “giấc mộng đêm hè” cho thật cháy bỏng.
Hay, chỉ cần “mộng bình thường”, công ăn việc làm ổn định, gia đình bình an, sức khỏe, con cái học hành thành người tử tế,…
Mơ ước đó có gì to lớn đâu, chỉ là vụn vặt gia đình, nhưng là nền tảng cho xã hội phát triển.
Đón năm mới, quên chuyện năm cũ để nghĩ đến bài toán có đáp số đúng và đẹp… như mơ!