1. Tư chếnh choáng!
Chiều Vĩnh Cửu(1) rớt “ùm” xuống sông theo tiếng nhảy nước của đám trẻ làng bưởi. Chốn nầy, có một thời gọi là Đá Lửa(2), trước khi chính thức mang tên khai sanh là Tân Triều và được coi là nơi “Triều đình mới” hay “Kinh đô mới” do Nguyễn Ánh thiết lập!?(3).
Người Tân Triều dung nạp Tư Rọi, vì đó là con người có cá tính, thích quảng giao, hào sảng, sẵn sàng giúp đỡ người cô thế: “Giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha”(4)!
Người xóm Đất Cuốc, chuyên nghề đốn cây lậu hầm than thì nói Tư Rọi mồ côi từ nhỏ, sau khi ba má Tư Rọi bị “Ông ba mươi”(5) vồ ăn thịt. Lớn lên, Tư Rọi ở đợ cho Cả Chín, làng Tân Hòa.
Vì cứu bạn làm thất lạc bầy trâu, Tư Rọi bị Cả Chín đuổi việc và đuổi ra khỏi làng. Có người biết chuyện tới can ngăn Cả Chín, nhưng ông ta nói: “Hơi sức đâu nuôi ong tay áo, nuôi khỉ dòm nhà”!
Tư Rọi rời nơi chôn nhau cắt rún, lên núi Én nhập băng khai thác gỗ lậu. Tại đây, bất chấp hiểm nguy, Tư Rọi luồn vô tận rừng sâu săn tìm danh mộc để làm nên những bộ cột với rui mè đắt giá.
Bởi, “Ăn không đồng, chia không đủ”, một trận thư hùng giải quyết mâu thuẫn tay đôi giữa Tư Rọi và trùm gỗ lậu, trước hàng chục người anh em “Phá sơn lâm” tụ hợp tại sơn trại lưng chừng núi Én.
Mồi lửa điếu thuốc rê vấn lá cóc kèn chưa xong, thì trùm gỗ lậu bị dính đòn “Kim Thiền công” nơi hạ bộ, nằm sải tay đo đất và thời gian trận đấu coi như đã kết thúc. Mọi người đều ngỡ ngàng, bàng hoàng không kịp vỗ tay tán thưởng.
Tư Rọi lượm cái áo bà ba rách lưng, phủi bụi vắt vai; chào những người anh em, rồi lặng lẽ bỏ đi xuống núi.
Từ đó, dấu chưn Tư Rọi “lưu linh lưu địa” đi qua khắp bến đò Bà Miêu, Thới Sơn, Tân Uyên… và sau cùng, tạm dừng bước giang hồ nơi đình Cẩm Vinh(6).
Ngôi đình được lưu dân Ngũ Quảng(7), nhứt là lưu dân Quảng Đức, dựng trên gò đất bằng phẳng, tiền đình ngó ra sông Đông Nai mênh mông, và xung quanh là rừng bạt ngàn từ Mã Đà (chiến khu Đ) đổ về Biên Hòa, qua ngõ độc đạo đình Cẩm Vinh.
Tư Rọi, sáng vắt áo vai, đi theo lối mòn quanh cù lao hễ ai kêu gì làm đó, một nghề không phải nghề, gọi là “mần mướn dạo”; tối lưng trần quần vận, dạy võ không tính công, chỉ là “dạy thí” cho thanh niên trong làng. Tư Rọi, ngày ăn quán, đêm ngủ ở miếu âm hồn.
Một hôm, trên đường về miếu âm hồn, vừa trờ tới khúc cua cùi chỏ…
– Bớ người ta! Bơ… ớ… ngư… ờ… i… t… a…! Cứ… u… Cứu… tôi với!
Rộ tiếng la bài hải, tiếng kêu thất thanh dội ngược… nghe xé lòng!
– Trời ơi! B… ớ…
Tư Rọi nóng bừng mặt và nhanh hơn sóc, anh băng lối tắt, bọc phía sau miếu.
Năm tên cướp bịt mặt đang vây nhóm bạn hàng đi giao mối bưởi Tân Triều xuống chợ Biên Hòa, đang trên đường về.
– Nộp mãi lộ! Tiếc mạng vong!
Tiếng quát tháo đầy uy lực của tên cướp cao to đứng chắn lối giữa đường.
- Xem thêm: Tình người
Nhìn bộ dạng, hình tướng và cái cách ăn hàng; Tư Rọi biết tất tần tật, đây chỉ là đám túng thiếu bí thế, rủ nhau đi “cướp cạn” chớ không dám “cướp sâu”. Bởi, “cướp sâu” sẽ không cướp đường, chuyên cướp của nhà quan, của bọn trọc phú.
– Làm gì hùm hổ dữ vậy, đại ca?
Lời Tư Rọi nhẹ, nhưng nội lực chắc cứng, khiến hắn giựt thót người và cả bọn chưng hửng, vì quá bất ngờ.
Hắn kịp trấn tĩnh, bước tới kẻ phá đám sừng sộ.
– Chuyện của tụi tau, mầy xía vô làm gì? Mầy chán sống, à!
Tư Rọi tỉnh bơ, cầm chéo áo quay vòng tròn trong không khí, rồi bất chợt cười gằn:
– Có ai chán sống bao giờ, đại ca!
Thình lình hắn ra đòn “Tay Hạc” trong bài “Hạc Quyền” thuộc Ngũ hình quyền, mà võ cổ truyền xứ Đồng Nai còn gọi là “Cương đao phạt mộc”, nhằm chặt yết hầu đối phương.
Chớp nhoáng, Tư Rọi sử dụng cái áo thay thế đôi tay phản đòn “Song long quán nhĩ” (hai luồng gió thổi vào tai) trong Thái cực quyền điểm trúng ma huyệt của hắn.
“Tay Hạc” bị quấn chặt trong áo, toàn thân tê buốt, hắn đứng chết trân như trời trồng. Bốn tên còn lại, buông nhóm người buôn hàng chợ, vội riu ríu quỳ xin tha mạng.
Tư Rọi nghĩ nhanh: “Ta với hắn chưa phải là kẻ tử thù, vậy mà, lúc hành sự hắn lại cố tình ra đòn “Tay Hạc” giết người. Tâm địa của con người nầy hẹp hòi và ác độc. Ta có nên tha mạng hắn không”?
– Thôi, chú em ơi! “Một câu nhịn, chín câu lành” và cũng là hạng cá kèo, nghèo khó như nhau cả!
Một bà tuổi rám dừa(8), bước tới trước mặt hắn và nói chậm rãi:
– Đã chẳng là giặc, mà cũng chẳng là quan(9), thì đi cướp mần chi?
Có cô gái nói chen vô:
– Vai u thịt bắp, sao không lao động kiếm ăn? Đi ăn cướp cạn, thiệt xấu hổ cánh đàn ông!
Rồi mấy bà xúm lại, xin tha mạng cho hắn.
Giựt mạnh cái áo đang quấn xiết tay hắn, đó là cách Tư Rọi dùng sinh huyệt giải ma huyệt. Hắn té chúi nhủi, tỉnh hồn, được đồng bọn dìu lủi vô bụi, mất dạng.
– Thôi! Không nói tới nói lui gì nữa, chú em lo thu xếp đồ đạc, rồi mau theo ta về đình mà tá túc!
Cụ Bảy nói dứt khoát.
Không còn đủ lý lẽ thoái thác, Tư Rọi đành ngoan ngoãn đi theo cụ Bảy.
Số là, trong nhóm người buôn hàng chợ bị bọn cướp chặn đường có thím Ba Lê, nhà ở cận đình Cẩm Vinh. Thoát nạn, thím Ba học lại đầu đuôi câu chuyện cho những người thân quen nghe, trong đó có cụ Bảy; đồng thời nói rõ tông tích người cứu nạn: là chàng thanh niên lực điền, áo vắt vai, chuyên đi mần mướn dạo và mượn tạm miếu âm hồn gần khúc cua “Ma Rừng” làm nơi chốn đi về.
Cụ Bảy trằn trọc, suy nghĩ: “Một con người hào hiệp như vậy, không lẽ ta dửng dưng để ngủ bờ ngủ bụi, để đêm từng đêm vất vưởng nơi miếu âm hồn”!?
Hôm sau, lúc trời còn sớm bửng, những tia nắng rạng đông chưa chuyển sắc màu xuyên mây và biến đổi thành muôn hình vạn trạng trên nền trời trong xanh, thì cụ Bảy đã tới miếu cô hồn.
Qua ngày đoạn tháng, một già một trẻ trở nên đôi bạn vong niên. Như phân công mà không phân công: Cụ Bảy chăm sóc đình, Tư Rọi đi mần mướn – một nghề, như cụ Bảy thường nói vui: “…cho thiên hạ mướn cơ bắp thân xác” – Hai Mã Đà, con gái cụ lo cơm nước bếp núc.
Dưới mái đình, bữa cơm chiều – bữa cơm sum họp gia đình – tràn ngập không khí nồng ấm! Lần hồi giảm tính khinh bạc, bớt lạnh lùng, Tư Rọi ngày mỗi yêu đời hơn, thương người và thương mình.
Có lần, trên mâm cơm chiều cuối năm, cụ Bảy tâm sự:
– Ta gốc gác vốn dân ở rừng chính hiệu, và lại là dân rừng Mã Đà. Vì vậy, ta được người đời tặng cho cái tên Rừng kèm theo sau cái thứ Bảy: Bảy Rừng!
Bảy Rừng thời tráng niên, cả chuỗi tháng năm dài luôn luôn đối mặt với rừng đại ngàn không dấu chưn người; với những cây cổ thụ có tên không tuổi hay không tuổi không tên; từng cắt rừng, lội suối, qua những con suối chết, thú còn sợ huống chi người, như: suối La Mách, Đạt Bo, Ma Sô, Mã Đà…
Cụ Bảy cười khanh khách, vỗ vai Tư Rọi:
– Nhắc lại thời tráng niên, ta không có ý khoe mẽ gì. Chẳng qua là, “Giang hồ ngộ giang hồ”! Ta mến mộ cái nghĩa khí của chú em, vậy thôi!
Màu chiều phản trắc nắng, rừng đỏ tựa máu. Cụ Bảy cẩn thận dặn Tư Rọi đừng ỷ mình là người mà khinh rẻ rừng, phạm “luật rừng”, vì có thể dẫn tới cái chết thảm! Cụ nhắc nhở:
– Đất nước nầy thiêng liêng, giang sơn nầy gìn giữ bởi những bộ tộc Mạ, S’tiêng, K’ho, Châu Ro… Chốn dung thân của các loài thú rừng: voi, cọp, hà mã, gấu, khỉ, voọt, nai…, các loài bò sát, chim muông!
Cụ lấy ngón trỏ vẽ khống lên nền trời.
– Con người chẳng có nghĩa gì trước rừng! Rừng huyền bí!
Từ khi tới tá túc nơi nầy, Tư Rọi mới ngộ ra:
“Rừng vừa là thần linh, vừa là nguồn sống”!
Không một ai dám tùy tiện vô rừng, phá rừng. Do đó, mới có tục đóng cửa và mở cửa rừng. Hằng năm, vào ngày hai lăm tháng Chạp thì đóng cửa rừng, với mâm cơm lễ bạc lóng thành cúng ma rừng, ma núi, ma suối, ma cây…
Hết ngày hạ nêu, tức mùng bảy tháng Giêng thì rừng mở cửa lại, với lễ cúng cầu “Lâm thần, Sơn thánh” cho rừng phong phú tài nguyên.
– Người đời trước, đàng hoàng với thiên nhiên!
2. Đêm thanh vắng, tiếng gầm của “Ông ba mươi” vọng về khiến cụ Bảy giựt mình thức giấc.
Nhìn Hai Mã Đà ngủ say, cụ rớt nước mắt nghĩ tới người vợ xấu số đã chết thảm dọc đường, khi theo chồng con rời Mã Đà về Tân Triều. Ngồi thầm, cụ nhớ lại:
“Ràng và Rạc là hai dòng suối nhánh của con suối Mã Đà, một con suối có biệt danh là “suối chết”. Chết vì trong nước chứa đầy độc tố trái mã tiền. Chết vì “Ông ba mươi”!
– Giữa “thanh thiên bạch nhật”, chắc “Ông ba mươi” không dám hành sự. Mình cứ ngồi đây coi bọc đồ, tui cõng con qua suối trước, rồi quay lại cõng mình!
Ta nói trấn an và dặn vợ:
– Khát gì thì khát, mình ráng nhịn; đừng nếm môi hay uống nước con suối nầy, nha!
Lá đan kín rừng, giọt nắng không thể lọt.
Lúc quay lại cõng vợ, Ta chết điếng khi chỉ thấy bọc đồ mà không thấy vợ đâu.
– Mình ơi! Mi… ì… n… h… ơ… ơ… i…!
Tiếng kêu thảng thốt vang cây, dội rừng.
– Mình ơi! Mi… ì… n… h… ơ… ơ… i…!
Vừa chạy vừa kêu, Bảy Rừng chạy theo dấu máu rơi trên vệt cỏ ngả rạp về hướng đồi Bằng Lăng. Tới rìa trảng, Ta khựng chưn và bắt gặp cái khăn của vợ choàng đầu vướng bụi cây thấm máu. Biết vợ đã bị “Ông ba mươi”…, Ta chộp vội cái khăn, giậm chưn, ngửa mặt réo trời:
– Trời ơi! Tr… ờ… i… ơ… i…!
Hộc tốc chạy lộn trở lại, ta sợ dựng tóc gáy, rủi… “Ông ba mươi”… Con đang ngồi một mình bên kia bờ suối!
Rồi từ đó, ta đặt tên con gái là Hai Mã Đà để tưởng nhớ…”.
– Má! M… á…
Tiếng mớ trong giấc ngủ của con gái đã đưa cụ trở lại với thực tại.
Ngoài bìa rừng, gà rừng gáy sáng!
Hai Mã Đà tự biết thân thức dậy trễ nên tất tần tật lo chuyện luộc khoai, không dám hó hé mượn Tư Rọi phụ một tay như mọi hôm. Mắt cay xè, cô Hai không biết mắt cay vì khói bếp hay vì nhớ má!
– Cô Hai! Tui không ăn lót dạ ở nhà.
– Chớ ăn ở đâu?
– Bữa nay, giúp thím Ba trồng bưởi. Thím cho lót dạ cơm nguội ăn với cá khô.
Tư Rọi đứng xớ rớ, nói nhát gừng.
– Không! Ăn khoai tui luộc, rồi đi ăn đâu thì đi!
Đôi gò má cô Hai ửng đỏ. Tư Rọi bối rối, có lẽ, cô Hai đang giận lẫy?
– Thôi! Tui ngồi đợi khoai cô Hai luộc chín.
Tủm tỉm cười, cô Hai lấy chiếc đũa xăm khoai coi củ đã mềm chưa.
Lắng nghe hai đứa đối đáp, cụ Bảy bực mình, bước xuống bếp.
– Nhiều lần, ba dặn con không được nói trỏng với Tư Rọi. Nói trỏng là không chánh danh, mà đã không chánh danh thì lời nói làm sao thuận. Từ rày về sau, con kêu Tư Rọi bằng anh Tư!
Tư Rọi đỡ lời:
– Dạ! Em thấy cô Hai nói trỏng vậy, cũng được!
Cụ Bảy khoát tay, phật ý.
– Ta gọi “người anh em” là cách gọi chốn giang hồ. Giờ chúng ta chung mái gia đình thì phải giữ nền nếp tôn ti thứ bực. Tư Rọi không được xưng hô anh em với ta, bởi tuổi đời đáng tuổi con.
– Dạ! Cảm ơn cụ cho phép, con hiểu rồi!
Cụ Bảy quày quả bước ra gian võ ca đình.
Tư Rọi đứng tần ngần nhìn nồi khoai luộc sôi ùng ục, nước trào.
Hai Mã Đà khóc thút thít.
Tiếng khóc thút thít… Chẳng qua là vì vui mà khóc.
– Anh Tư!
Cô Hai cười bẽn lẽn, nước mắt còn ướt mi.
– Khoai luộc chín rồi đó, ăn lót dạ đi anh!
– “Tay làm hàm nhai” và hàm hết nhai khi tay ngưng làm! Chi bằng, cháu ra công phát hoang miếng đất ở góc mé Nam đình, rồi trồng bưởi lập vườn.
Thím Ba bày vẽ Tư Rọi lúc nghỉ trưa.
– Nhưng, thưa thím! Chuyện đầu tiên, là… “tiền đâu” mà trồng bưởi, lập vườn?
Thím Ba nghĩ thầm: “Cái thằng võ nghệ cao cường, tánh tình tếu táo thiệt”! Rồi cười ngất:
– Thì, thím mầy cho mượn vốn!
– Thiệt chơi, thím?
Trong bụng Tư Rọi bán tín bán nghi. Thời buổi bây giờ, ít có ai thiệt với ai cả.
– Cả vùng Tân Triều, bà con ai cũng biết thím mầy thuộc loại thiệt thì chơi và chơi thiệt!
Thím Ba há miệng cười sặc sụa, trơ nướu hàm răng trên.
Trăng sương ôm từng mô đất chuẩn bị trồng cây bưởi.
Cụ Bảy mừng trong mắt, Hai Mã Đà vui ra mặt, lòng Tư Rọi ngập tràn hưng phấn và bây giờ, anh thấy cuộc sống thật có ý nghĩa.
– Thím Ba! Cả công đất, vậy mà, thím biểu cháu trồng có bốn, năm chục cây bưởi thì khác nào phí đất.
– Không phí đất đâu, cháu!
Thím cắt nghĩa cho Tư Rọi hiểu biết việc làm vườn, và cách thức trồng giống bưởi Tân Triều. Thím nói: “Nhiều cây ít trái, nhiều trái ít cây”! Người trồng bưởi không tính chuyện hôm nay, mà tính chuyện ngày mai.
Tư Rọi suy nghĩ: “Sao không trồng xen cây quít, cây cam… để phong phú thêm huê lợi”. Tư Rọi đem điều suy nghĩ đó nói lại cho thím Ba nghe. Thím lấy que cây vạch vạch mặt đất.
– “Tham thì thâm”! Cháu không nên trồng xen cam, quít hoặc bất kỳ loại cây ăn trái nào có múi. Vì trồng như vậy, sẽ bị thụ phấn chéo làm hư vườn bưởi.
Thím cắt nghĩa thêm:
– Mình trồng cây bưởi chiết vì nó sống lâu, giống cây bưởi mẹ và tránh tầng đất phèn, do rễ cây bưởi chiết đâm ngang.
- Xem thêm: Người ăn mày may mắn
Hôm xuống giống trồng cây, thím trực tiếp chỉ dẫn Tư Rọi, cô Hai cắt đáy bầu, cách đặt cây vô giữa lỗ, kiểu lấp và ém nhẹ đất… Thím dặn:
– Tụi cháu khi đặt cây giống, nhớ xoay mắt ghép thuận theo chiều gió để chồi cây không bị gió ngược tách chồi.
Nhứt nhứt mọi việc, Tư Rọi và cô Hai làm đúng y chang theo hướng dẫn tỉ mỉ của thím.
– Nầy, nầy mấy đứa! Cây con cần có cọc cắm để giữ. Tình cây và đất mới sơ, nên tạo sự lưu luyến ban đầu cho rễ bén đất bền vững mai sau; bằng cách đặt cây bưởi giống nằm nghiêng, kỵ nằm ngửa và có vậy, cây bưởi lớn lên sẽ phát triển cành lá sum sê, sanh hoa đẻ trái đùm đùm!
Ngồi uống trà dưới mái hiên đình coi sắp nhỏ trồng bưởi, nghe thím Ba nói, cụ Bảy mắc cười.
– Thiệt tình! Cái thím Ba nầy!
3. Tư Rọi nhớ xóm Đất Cuốc nơi có công sanh, thương cù lao Tân Triều nơi có công dưỡng. Và, theo lời người cố cựu, kể: “Năm Giáp Thìn (1744), do trận lụt lớn làm cù lao Ngô bị xói lở đất dữ dội, và từ xói lở đất dữ dội đã hình thành thêm một cù lao mới trên sông Đồng Nai: Đó là cù lao Tân Triều(10).
Rồi, có người cho bưởi Tân Triều xuất xứ từ giống bưởi ở Nam Mỹ, gốc Brazil, được cha xứ nhà thờ Tân Triều(11) đem giống về trồng tại sân nhà thờ, và còn nói rõ là hai cây!?
Có người tin giống bưởi Tân Triều do thiên nhiên ban tặng vùng đất mới, sau cơn cuồng nộ của trời đất! Thiệt ra, cũng chẳng biết đúng sai; Tư Rọi chỉ biết rằng: “Từ nay, anh dừng bước giang hồ bên vườn bưởi Tân Triều, bốn bề sông nước!”.
“Bông lài, bông lý, bông ngâu
Sao bằng bông bưởi thơm lâu dịu dàng”(12).
Tiếng hát chiều, cô Hai ví von như nhắn gởi tâm tình cho ai đó! Đang chăm sóc vườn bưởi, Tư Rọi nghe lòng yên ả và bỗng dưng, anh khát khao một mái ấm gia đình, khao khát nhìn một làn khói lam chiều lẫn trong tiếng chuông chùa ngân nga nơi xóm nhỏ!
Hương bưởi! Mùi của hương thoang thoảng mà lâng lâng nỗi nhớ, màu như sương sữa núi rừng mà tinh khiết bởi tinh khôi… Khi phải xa, người nặng lòng hương bưởi buồn man mác và sầu da diết khôn nguôi!
Giờ thì, Tư Rọi hiểu rằng, muốn được ăn múi bưởi thì nào dễ ăn trong một sớm một chiều, mà phải biết chờ đợi bảy tháng dài đăng đẵng để bưởi trưởng thành trái bưởi. Ở Tư Rọi, tánh nóng nảy của anh mất dần kể từ lúc trồng bưởi và là chủ vườn bưởi.
– Anh Tư! Hôm qua, em ra vườn thấy trái bưởi lớn bằng trứng hột vịt. Ngày mốt, em kêu thêm mấy đứa bạn tới bao trái nha, anh!
Cô Hai vừa thông tin, vừa gánh phần việc bao trái.
– Anh Tư giao cho cô lo liệu.
Thấy tụi nhỏ tâm đầu ý hợp, cụ Bảy vui trong lòng nhưng không nói ra. Cụ vái thầm vợ phù trợ cho con, dù hai đứa tuổi có lệch đũa đôi chút.
Nhớ hồi mới vô nghề trồng bưởi, nghĩ lại Tư Rọi mắc cỡ: Vườn bưởi có trái chiếng đầu tiên, Tư Rọi sừng cồ khi thấy Hai Mã Đà lom khom bao trái. “Cô bao trái thì chất lục diệp ở vỏ trái mần sao hấp thu được ánh sáng mà quang hợp?”. Và sau đó nạt nộ: “Cô tháo bao ra! Tháo ra…”. Hai Mã Đà bụm mặt, vừa khóc vừa chạy vô nhà.
Nghe lùm xùm, thím Ba bước qua và khi hiểu câu chuyện, thím cười bật ngửa: “Bao trái, trái bưởi vẫn nẩy nở bình thường, mà lại còn ít bị sâu phá hại, và trái giữ được màu sắc đẹp đẽ”.
Rõ là, cái dốt nó hốt cái khôn! Cô Hai “giả bộ giận làm nư” khiến Tư Rọi năn nỉ ỉ ôi, thiếu điều… Sau cái lần đó, Tư Rọi ngộ ra: “Trái bưởi chín tới là trái bưởi da căng láng, người tới mức độ yêu là người lo thay công việc của người mình yêu. Muốn yêu giữ hương sắc trái bưởi tươi tốt, khi cắt trái phải cắt luôn cuống trái. Muốn giữ tình yêu, thì khi yêu phải yêu luôn nết xấu của người mình yêu!”.
Tư Rọi mới nghiệm ra: “Hầu hết những người phụ nữ đều giống nhau, là khi chưa “giả bộ giận làm nư”, ngay cả mẹ đẻ cũng không biết con gái đã yêu hay chưa”?
- Xem thêm: Gió thổi qua đời
Tư Rọi liên tưởng tới cây bưởi trong vườn bưởi: “Chẳng riêng gì cây bưởi, cả những cây có múi, nó không có sự khác biệt nào giữa mầm chồi và mầm trái; nghĩa là chồi ngủ chưa mọc, cây mẹ chưa thể xác định nó là chồi trái hay chồi cây. Chỉ khi… “khô hạn”, chồi ngủ mới phân hóa thành mầm hoa”.
Mỗi lần có dịp, thím Ba thường khoe với chòm xóm:
– Vườn bưởi Tư Rọi trổ bông đồng loạt!
Mọi người tắm tắc:
– Tư Rọi biết giữ nước và biết tạo ra khô hạn!
*
– Dạ! Ba con gởi cá lăng biếu thím, ăn lấy thảo!
– Mèng ơi! Cá lăng bự chảng ở đâu mà anh Bảy có vậy, cháu?
Thím Ba trố mắt nhìn con cá lăng và ngạc nhiên hỏi.
Cô Hai nói:
– Hồi hôm, canh đúng “giờ vàng” khoảng mười, mười một giờ; ba con thả câu ngoài mé sông Đồng Nai, câu cá lăng đó thím!
Hoảng hồn, thím Ba bước liền chưn theo bén gót cô Hai sang đình.
Thím Ba nói hổn hển:
– Anh Bảy! Bộ anh không biết khúc sông đó nó có huôn sao?
– Thím thì cứ vậy! Mải lo chuyện không đâu…
Biết khó lung lạc sở thích của cụ Bảy, thím Ba Lê ngồi kể câu chuyện cũ:
“Tui nghe bà con ở cù lao Tân Triều nói, hồi trước bà Chanh – vợ, nhưng không biết là vợ thứ mấy – của Oderra, chủ đồn điền cao su Rạch Đông (xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu), bơi thuyền dạo chơi trên khúc sông Đồng Nai – chỗ anh Bảy câu cá lăng – thì bị con sấu đỏ mũi trồi lên quẫy đuôi và hất bà té xuống sông. Khi bắt và mổ bụng con sấu mũi đỏ, người ta tìm thấy tất cả nữ trang của bà Chanh nằm trong bụng con sấu”.
Mải lo làm mồi trùn hổ, mớ dế, mớ tôm để nhử cá lăng nên cụ Bảy nghe tiếng được tiếng mất.
Lắng nghe thím Ba kể, Tư Rọi cầm dao phay ra bờ rạch đốn cây cà bắp dừa nước. Thấy Tư Rọi vác cây cà bắp vô đình, cụ Bảy càu nhàu: “Bây cũng tào lao như thím Ba”!
– Dạ! Thưa cụ, biết đâu có lúc mình sẽ xài…
Mấy đêm liền cụ Bảy đi câu và đêm nào, Tư Rọi cũng vác cây cà bắp đi theo cụ. Bực mình, nhưng cụ không thèm nói.
Đêm thứ năm, trăng mùng mười ánh vàng mặt sông.
Cụ Bảy ngồi đằng mũi, Tư Rọi ngồi sau lái giữ xuồng thăng bằng. Trời yên tĩnh, thình lình Tư Rọi phát hiện vật đen ngòm trồi lên mặt nước. Đã có chủ đích đề phòng và cảnh giác từ trước, Tư Rọi hiểu chuyện gì sắp xảy ra; trong lúc đó, cụ Bảy đang mải mê thả câu.
– Rầm! Rầm! Râ… ầm…
Đuôi con sấu quẫy, đập mạnh phía trước mũi xuồng. Tư Rọi phóng cây cà bắp bay đi như mũi lao…
– Phập!
“Phập”! Tiếng kêu đanh gọn, khô khốc. Đầu nhọn cây cà bắp đâm thẳng vô miệng con sấu và nó mang luôn cây cà bắp chạy trốn, để lại vệt máu đỏ loang loáng ánh trăng.
Chưn cụ Bảy bị dập, cụ cắn răng chịu đau, cái chịu đau của kẻ từng một thời là trang hảo hớn rừng Mã Đà!
Hay tin dữ, thím Ba cùng bà con lối xóm đốt đuốc chạy tới đình.
Tư Rọi cõng cụ đặt nằm trên tấm phản, đắp thuốc. Cô Hai ôm ba, khóc sụt sùi!
Cụ Bảy tỉnh táo và trước mặt bà con trong xóm, cụ cầm bàn tay Tư Rọi đặt lên bàn tay con gái…
Đêm cù lao Tân Triều, hương bưởi thơm ngát ngôi đình.
*
Về sau nầy, đình Cẩm Vinh bị Pháp chiếm đóng và lập bót Cẩm Vinh cách đình khoảng hai mươi thước. Vườn bưởi của vợ chồng Tư Rọi lần hồi chết sạch.
Tư Rọi và vợ là cô Hai Mã Đà dời chỗ ở vì không thể ở, song nhứt định không bỏ xứ cù lao. Giờ Tư Rọi đã lên tuổi lão, và mỗi chiều, lão Tư ngồi nhấm nháp rượu bưởi Tân Triều hương thơm lâng lâng, rượu vàng hơi đục, ngọt hơi nồng trong vị cay tê tê đầu lưỡi. Chốc chốc, lão buông tiếng thở dài… Tiếng thở dài nghe rất mơ hồ, nhưng lại mang nỗi nhớ thương da diết bao dấu tích của những người muôn năm cũ và của rừng xưa!
(1) Huyện Vĩnh Cửu có một thị trấn Vĩnh An, 11 xã, thuộc tỉnh Đồng Nai.
(2) Bản phúc trình của Tòa Giám Mục Sài Gòn, 1891, Cha Sở Le Golf.
(3) Gia Định thành thông chí, Trịnh Hoài Đức, do Aubaret dịch ra tiếng Pháp, 1863. “Đi tìm dấu vết Bá Đa Lộc” (Mgr Pigneau de Béhaine), Mathilde Tuyết Trần.
(4) Lục Vân Tiên, Nguyễn Đình Chiểu.
(5) Cọp (Hổ).
(6) Vua Tự Đức sắc phong, năm 1852. UBND tỉnh Đồng Nai xếp hạng đình Cẩm Vinh là di tích cấp tỉnh (QĐ số 3968/QĐ ngày 4-12-2013).
(7) Ngũ Quảng: Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức (Thừa Thiên – Huế), Quảng Nam, Quảng Ngãi.
(8) Áng chừng trên 40 tuổi.
(9) “Con ơi, nhớ lấy câu nầy/ Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan” (Ca dao).
(10) Tên gọi âm Hán Việt, chữ viết La tinh là “Tân Triều”: Tân có nghĩa là mới. Triều có hai nghĩa: Triều: Nơi vua tôi bàn chính sự, và Triều: Con nước thủy triều. Vì từ “triều” đồng âm khác nghĩa nên dễ ngộ nhận là “triều đình”.
(11) Năm 1778, Giám mục Pigneau de Béhaine (Bá Đa Lộc) đổi tên họ đạo Đá Lửa thành Tân Triều, và lập chủng viện tại đây. Tương truyền, năm 1869, các cha Thừa sai mang giống bưởi từ Brazil về trồng ở nhà thờ Tân Triều.
(12) Ca dao.