Một bảng tổng kết mô hình kinh tế khá đầy đủ vừa được giới thiệu cuối tuần qua cho thấy: để bắt kịp các nước ASEAN vào năm 2040 thật không dễ dàng đối với chúng ta nếu không có lộ trình cụ thể. Nội dung này từng được đề cập đến trên nhiều diễn đàn, nhưng lần này là một khuyến nghị công phu từ một nhóm nghiên cứu độc lập.
Giới thiệu khái quát kết quả nghiên cứu, tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết nghiên cứu này đánh giá khả năng cạnh tranh của Việt Nam so với các nước láng giềng ASEAN và xác định những cản trở có thể có đối với sự phát triển của đất nước.
Ngoài các chuyên gia trong nước, đề tài còn nhận được sự hợp tác từ các viện nghiên cứu hàng đầu tại châu Á, như Viện Cạnh tranh châu Á (Trường Chính sách công Lý Quang Diệu – Đại học Quốc gia Singapore), Viện Nghiên cứu Kinh tế Chung-Hua Đài Loan, Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia Nhật Bản.
Theo những phát hiện chính của nghiên cứu, Việt Nam đã có những bước phát triển kinh tế mạnh mẽ trong 30 năm qua, nhưng tính bền vững của kinh tế thị trường vẫn đang là vấn đề cần quan tâm.
Một mặt, Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất kế tiếp ở châu Á, theo hướng dịch chuyển đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Trung Quốc về phía Nam. Đặc biệt là những lợi thế từ lực lượng lao động trẻ, dồi dào, với chi phí thấp.
Các nguồn tài nguyên tự nhiên về cảnh quan và đất đai phì nhiêu thuận lợi cho trồng lúa, hoa quả nhiệt đới, hoa màu, đem lại cho Việt Nam tiềm năng to lớn để trở thành điểm du lịch hàng đầu và là quốc gia sản xuất nông nghiệp trong tương lai.
Mặt khác, mô hình phát triển hiện tại của Việt Nam còn nhiều điểm chưa phù hợp để thúc đẩy đất nước tiến lên trong giai đoạn phát triển tiếp theo.
Nhóm tác giả của nghiên cứu cho rằng, điều đáng lo ngại là tăng trưởng năng suất lao động ở Việt Nam đã chậm lại. Nguyên nhân là do sự tăng trưởng năng suất nông nghiệp không cao, cùng với sự kém hiệu quả của các doanh nghiệp nhà nước và sự thiếu đồng bộ giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước.
Thêm vào đó, những cải cách về thể chế không bắt kịp với cải cách về kinh tế. Những khoảng cách trong chất lượng thể chế bao gồm: thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan chính phủ, bộ máy kém hiệu quả và tham nhũng đã cản trở việc thực hiện chính sách nhằm giải quyết tình trạng khó khăn về kinh tế của Việt Nam.
- Xem thêm: Xử lý các vướng mắc cho nền kinh tế
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, Việt Nam đang ở trong một giai đoạn quan trọng của tiến trình phát triển, nơi mà cải cách “đổi mới” của nền kinh tế là chưa đủ. Thay vào đó, theo các nhà hoạch định chính sách, phải tìm cách làm hồi sinh nền kinh tế Việt Nam thông qua một làn sóng cải cách toàn diện mới. Từ các kết quả nghiên cứu, nhóm tác giả đã đưa ra năm đề xuất chính sách cho Việt Nam.
Thứ nhất, ưu tiên đẩy nhanh tốc độ cải cách doanh nghiệp nhà nước và tăng cường cơ chế thị trường để tạo điều kiện phát triển khu vực tư nhân. Đề xuất này kêu gọi Chính phủ thúc đẩy nhanh chóng việc cổ phần hóa và thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước, hợp lý hóa và tập trung hệ thống quản lý tài sản công, loại bỏ sự méo mó của thị trường do ưu ái các doanh nghiệp nhà nước để tạo ra sân chơi bình đẳng và khuyến khích áp dụng các nguyên tắc quản trị doanh nghiệp hiệu quả ở cả hai khu vực tư nhân và nhà nước trong một nền kinh tế thị trường lành mạnh.
Thứ hai, tăng cường khả năng kết nối trong nước như một phương tiện để giảm bớt sự chênh lệch giữa các vùng miền.
Thứ ba là nuôi dưỡng các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Thứ tư là phác thảo chiến lược phát triển toàn diện lực lượng lao động Việt Nam.
Thứ năm là hình thành một cấu trúc kinh tế cân bằng, đa dạng hóa, nơi sản xuất và dịch vụ được phát triển song song và được hỗ trợ bởi một ngành nông nghiệp năng suất cao.
Nghiên cứu cho rằng để đạt được những điều trên, cần phải xây dựng một hệ thống hành chính công hiện đại, chuyên nghiệp và minh bạch, nơi có sự đào tạo và phát triển toàn diện của các quan chức chính phủ.
Những lo ngại về triển vọng phát triển kinh tế trong thời gian tới cũng được nhiều chuyên gia bày tỏ trong một diễn đàn tổ chức giữa tuần qua. Theo tiến sĩ Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho rằng năm 2018 chúng ta đã thực hiện tái cơ cấu kinh tế thực chất hơn nhưng chưa đủ, nếu không tiếp tục một cách thực chất và toàn diện hơn thì sẽ không có nền tảng vững chắc cho tăng trưởng.
Vị chuyên gia này cũng thẳng thắn nói rằng: “Chúng ta xếp hàng đầu về độ mở trong những nước có 50 triệu dân trở lên, trong đó khu vực FDI chiếm trên 70% xuất khẩu.
Từ năm 2010 trở lại đây, tăng trưởng xuất khẩu của khu vực vốn FDI cao gấp 2-3 lần so với khu vực trong nước, kim ngạch xuất khẩu gấp khoảng 1,5-2 lần. Tỷ trọng của khu vực FDI trong tổng kim ngạch xuất khẩu đã tăng từ 17% năm 1995 lên 72,5% năm 2017. Xuất siêu của khu vực này đã góp phần cân bằng cán cân thương mại, giảm áp lực tỷ giá, cải thiện cán cân thanh toán quốc tế.
Khu vực đầu tư nước ngoài cũng đóng góp vào ngân sách, giai đoạn 1994-2000 nộp ngân sách của khu vực này đạt 1,8 tỉ USD thì giai đoạn 2011-2015 lên đến 23,7 tỉ USD, chiếm gần 14% tổng thu ngân sách nhà nước. Năm 2017, khu vực đầu tư nước ngoài đóng góp hơn 8 tỉ USD, chiếm hơn 17% tổng thu ngân sách nhà nước.
Điều này cho thấy các khu vực kinh tế khác đóng góp vào phát triển không nhiều. Điểm sáng có được là vốn FDI đầu tư vào Việt Nam đã tạo việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Thông qua hợp tác đầu tư, quan hệ ngoại giao kinh tế, hợp tác song phương và đa phương của Việt Nam với các đối tác ngày càng phát triển từ đó, góp phần đáng kể trong nâng cao thế và lực của đất nước.
Về nợ, chúng ta đang sống trên một núi nợ, không chỉ có hơn 60% nợ công/GDP, mà còn cả nợ của doanh nghiệp, người dân, được xem là nợ quốc gia, nợ của cả nền kinh tế rất lớn. Do đó cần thận trọng hơn với vấn đề nợ của nền kinh tế.
Tại buổi tọa đàm, tiến sĩ Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường – Giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, chúng ta cần phải đi vào bản chất, không đi vào số lượng mà là chất lượng. “Ngay bội chi ngân sách, do cách tính khác nhau nên bội chi giảm. Độ mở nền kinh tế chúng ta là trên 200%, cao nhất thế giới nên tác động khó dự báo từ chiến tranh thương mại Mỹ – Trung.
Trong khi đó, chất lượng tăng trưởng chưa được cải thiện, năng suất lao động thấp, cạnh tranh còn yếu, phụ thuộc vào nước ngoài. Tăng trưởng GDP chủ yếu dựa vào tăng trưởng tín dụng”.
Ông Long đánh giá, mặc dù thu ngân sách năm sau bao giờ cũng cao hơn năm trước, nhưng chi cũng nhiều. Ông đặt câu hỏi về sức bật của nền kinh tế, thay đổi đột phá chiến lược và cải cách phát triển về hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực…
Hai động lực mới là phát triển kinh tế tư nhân và cách mạng công nghiệp 4.0. Nhưng quan điểm của chúng ta vẫn mơ hồ về cách mạng 4.0, trong đó có những loại hình kinh tế mới, khi ra đời mâu thuẫn với kinh doanh truyền thống, làm sao để vận dụng linh hoạt, phù hợp nhằm tạo ra sức bật cho nền kinh tế.
- Xem thêm: Sẽ vượt qua thách thức để phát triển
Bàn về sự dịch chuyển cấu trúc nền kinh tế, tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, nguyên Vụ trưởng Vụ Chiến lược phát triển Ngân hàng Nhà nước, cho rằng vẫn chưa có tiến bộ nào đáng kể. Công nghiệp hóa – hiện đại hóa bắt đầu thực hiện từ năm 1995 nhưng 20 năm qua Việt Nam không có được một sản phẩm chế tạo nào thực sự.
Vốn dành cho lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp so với dịch vụ là 50-50. Đến thời điểm này dịch chuyển theo tỷ lệ 40-60. Đây lại được xem là tín hiệu tích cực bởi thực tế tại 25 nước phát triển đều nằm trong xu hướng này. Thế mạnh của Việt Nam là nông nghiệp và du lịch, đây cũng sẽ là sức bật cho nền kinh tế trong năm tới 2019.