Từ năm 1985 đến nay, địa chỉ thùng thư Tähtikuja 1, FI-96930 Arctic Circle, thành phố Rovaniemi, miền Bắc Phần Lan, nơi được xem là thùng thư của Ông già Noel (Santa Claus), đã nhận được khoảng 15 triệu lá thư từ hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau trên toàn thế giới.
Còn thành phố Rovaniemi thì mỗi năm đón hơn 300.000 lượt khách du lịch đến tham quan và nghe những câu chuyện kể về người đàn ông chỉ xuất hiện trong các dịp Giáng sinh này.
Đặt qua một bên những câu chuyện về nguồn gốc xuất thân cũng như các giả thiết khác nhau về chiến lược marketing ẩn sau hình tượng Ông già Noel, thì sự thành công và sự yêu mến của mọi người dành cho Ông già Noel cũng gợi ý cho doanh nghiệp những bài học thú vị để góp phần giúp thương hiệu chiếm được sự yêu mến và sự tin tưởng nơi khách hàng.
Mọi người đều thích được ghi nhận
Trẻ em luôn thích được tặng quà và Ông già Noel đáp ứng một cách hoàn hảo mong muốn ấy của trẻ. Tuy nhiên, điều đặc biệt của Ông già Noel, là ở chỗ không phải ai cũng nhận được quà của ông. Theo đó, chỉ những đứa trẻ ngoan mới có được phần quà vào đêm Giáng sinh.
Món quà của Ông già Noel, vì thế, giống như sự ghi nhận cho nỗ lực của trẻ em trong suốt một năm. Một món quà mang giá trị tinh thần rất lớn.
Và thương hiệu cũng cần có những ghi nhận cụ thể với khách hàng thân thiết của mình như vậy. Cụ thể, theo khảo sát mang tên Marketing Planning Guide 2017 của Công ty Dịch vụ Tiếp thị di động 3Cinteractive (Mỹ), thì có đến 70% người tiêu dùng muốn đăng ký những chương trình khách hàng thân thiết của thương hiệu, muốn có sự gắn bó và có một sự ghi nhận cho thời gian và tiền bạc mà họ đã bỏ ra để mua sắm và ủng hộ thương hiệu.
Bà Margie Kupfer, Phó chủ tịch tiếp thị tại 3Cinteractive, cho rằng nhiều thương hiệu hiện nay quá chú trọng vào chiến lược mở rộng thị trường, tìm kiếm khách hàng mới, mà quên đi việc giữ chân khách hàng cũ, những người có thể tạo ra 80% doanh thu cho doanh nghiệp mà chỉ chiếm 20% tổng chi phí.
Chỉ bằng những cách thức đơn giản như tặng quà, tặng phiếu giảm giá… vào các dịp cuối năm, doanh nghiệp đã có thể bày tỏ sự tri ân của mình với những khách hàng thân thiết ủng hộ họ trong suốt cả năm. Qua đó, còn giúp những người này gắn kết hơn với thương hiệu trong tương lai.
Tạo ra sự tin tưởng bằng cách giữ lời hứa
Một đặc điểm nữa khiến Ông già Noel luôn được đông đảo trẻ em và người lớn yêu mến, đó là ông luôn giữ lời hứa và luôn hoàn thành công việc của mình, dù bất cứ chuyện gì xảy ra.
Theo đó, dù gặp bao nhiêu cơn bão tuyết và bao nhiêu trở ngại khác nhau, thì những câu chuyện hay bộ phim, sự tích về Ông già Noel luôn kết thúc với một kết cục tương tự, đó là Ông già Noel vượt qua tất cả trở ngại, giữ đúng lời hứa, sẽ trèo vào nhà qua đường ống khói trước nửa đêm và đặt những gói quà vào những chiếc tất bên lò sưởi.
Trở nên đáng tin cậy bằng cách giữ đúng lời hứa, cũng là cách những thương hiệu như Domino’s Pizza (cam kết giao hàng trong 30 phút, nếu trễ sẽ tặng cho khách miễn phí một chiếc pizza), như FedEx (cam kết chuyển hàng đến cho khách hàng ngay đêm hôm sau)… đã cố gắng thực hiện để xây dựng niềm tin của khách hàng.
- Xem thêm: Giá trị thương hiệu Manchester United
Sự hấp dẫn của giác quan
Trong suốt dịp lễ Giáng sinh, chúng ta có thể bắt gặp hàng ngàn Ông già Noel khác nhau. Họ có thể mập hoặc ốm, có thể già hoặc trẻ, thế nhưng chúng ta vẫn dễ dàng biết họ là ai, vì họ luôn có ít nhất ba đặc điểm chung: bộ đồ đỏ, bộ râu dài màu trắng và một giọng cười vui vẻ: “Hô Hô Hô”.
Martin Lindstrom, tác giả quyển Buy.ology: Truth and Lies About Why We Buy (tạm dịch: Điều gì khiến khách hàng chi tiền) cho rằng sức mạnh của các giác quan không những giúp khách hàng ghi nhớ thương hiệu lâu hơn, mà còn có thể khơi gợi những cảm xúc khác nhau trong tâm hồn họ.
Theo đó, Martin Lindstrom đã làm một cuộc thí nghiệm nhỏ, bằng cách đưa 600 phụ nữ vào một căn phòng và cho từng người một xem một chiếc hộp màu xanh ngọc bích, không có logo và không có gì trong đó cả. Thế nhưng tất cả phụ nữ tham gia cuộc khảo sát khi nhìn thấy chiếc hộp thì nhịp tim của họ lập tức đều đập nhanh hơn 20%.
Và Martin Lindstrom cùng các cộng sự đã ghi nhận một điều khá thú vị, đó là do màu xanh ngọc bích – màu khiến phụ nữ liên tưởng tới sự đính ước, đám cưới và những đứa trẻ, nên khi nhìn thấy chiếc hộp màu xanh ngọc bích, họ liên tưởng ngay đến một chiếc nhẫn đính hôn của hãng trang sức nổi tiếng nào đó.
Một thông điệp, một trải nghiệm đơn giản
Ông già Noel thực hiện một công việc đơn giản, đó là tặng quà cho những trẻ em ngoan trên toàn thế giới mỗi dịp Giáng sinh. Một công việc dễ hình dung, gắn liền với một thông điệp ý nghĩa.
Trong một nghiên cứu mới đây của bà Margaret Molloy (giám đốc marketing toàn cầu của công ty chuyên về phát triển thương hiệu Siegel+Gale) dựa trên khảo sát từ 12.000 khách hàng đến từ tám quốc gia, thì khách hàng dễ dàng có ấn tượng sâu đậm với những thông điệp cũng như những trải nghiệm sản phẩm đơn giản của thương hiệu.
Họ luôn đánh giá cao những thương hiệu “đơn giản”, như Google – một công cụ tìm kiếm, Amazon – một website mua sắm trực tuyến, còn KFC là một chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh.
Cụ thể hơn, 63% trên tổng số 12.000 người được khảo sát sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho một trải nghiệm tiêu dùng đơn giản. Có đến 69% trong tổng số 12.000 người này nói rằng sẽ giới thiệu hoặc kể lại cho bạn bè của mình về trải nghiệm đơn giản họ từng trải qua với một thương hiệu nào đó – những thương hiệu có sự đơn giản trong thông điệp cũng như cung cấp những sản phẩm dễ sử dụng, dễ mô tả.