Lâu nay sinh viên thực tập chỉ được giao thực hiện những công việc đơn giản như đi nhận phôi liệu, nhấn nút lấy sản phẩm từ máy, hoặc nếu diễm phúc lắm thì được phép… làm vệ sinh máy.
Nhà trường và doanh nghiệp chưa thấy lợi ích chung
Hiện tại, toàn bộ chương trình đào tạo nghề tại Việt Nam đều có dành thời gian thực tập từ 3 đến 6 tháng tại doanh nghiệp. Mục tiêu của đợt thực tập thì rất là rõ ràng: tạo điều kiện để người học nghề làm quen với môi trường công nghiệp tại doanh nghiệp.
Tuy nhiên, rõ ràng là mục tiêu đó chưa cụ thể và còn rất mơ hồ. Chính điều này lại vô hình chung gây ra áp lực cho cả hai bên: nhà trường thì phải đôn đáo tìm chỗ thực tập cho sinh viên của mình, trong khi doanh nghiệp lại miễn cưỡng nhận sinh viên vì họ phải bố trí thêm nhân lực để hướng dẫn thực tập cho nhóm sinh viên mà họ nhận vào.
Mặt khác, chuẩn đầu ra hoặc mong đợi từ đợt thực tập cùa hai bên lại hoàn toàn khác nhau: Nhà trường chỉ cần một bản báo cáo của sinh viên. Về phía doanh nghiệp, nếu đang mở rộng quy mô sản xuất hoặc đang có nhu cầu tuyển dụng mới thì họ hy vọng rằng qua đợt thực tập có thể tuyển dụng được những nhân viên giỏi và thích hợp, còn nếu không thì họ chẳng biết phải làm gì với nhóm sinh viên họ vừa nhận vào.
Từ đó dẫn đến việc sinh viên thực tập chỉ được giao thực hiện những công việc đơn giản như đi nhận phôi liệu, nhấn nút lấy sản phẩm từ máy, hoặc nếu diễm phúc lắm thì được phép… làm vệ sinh máy. Đa phần thời gian còn lại họ chỉ được phép đứng quan sát quá trình sản xuất. Thậm chí, còn có những “giai thoại” về thời gian thực tập tại doanh nghiệp như sinh viên chỉ được giao “pha trà rót nước”, “photo tài liệu”….
Cần thiết kế nội dung thực tập tại doanh nghiệp
Rõ ràng bên đều không có cùng quan điểm về việc tổ chức thực tập cho sinh viên. Nhà trường chưa quan tâm đến hoạt động của sinh viên trong đợt thực tập cũng như xác định những kỹ năng nghề nghiệp mà sinh viên nên đạt được sau khi hoàn thành đợt thực tập.
Trong khi đó, doanh nghiệp hầu như không có thông tin gì về năng lực của nhóm sinh viên mà họ vừa nhận vào nên họ không thể lên được một chương trình đào tạo thích hợp. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp hiện tại đã phải tiến hành phỏng vấn sinh viên trước khi nhận vào thực tập y như phỏng vấn tuyển dụng để nhằm đảm bảo rằng họ chỉ nhận những ứng viên có đủ kiến thức nghề và những kỹ năng cơ bản nhằm chắc chắn rằng doanh nghiệp có thể đào tạo được những ứng viên này.
Do vậy, điều quan trọng bây giờ là cả hai bên phải ngồi lại với nhau để cùng thiết kế nội dung chương trình cho khóa thực tập tại doanh nghiệp. Trong đó, nhà trường nên đảm bảo truyền đạt đầy đủ lý thuyết nghề cơ bản cho sinh viên cũng như những kỹ năng thực hành cơ bản cần thiết đối với nghề được đào tạo trước khi gửi sinh viên đến thực tập tại doanh nghiệp.
Từ những nền tảng đó, doanh nghiệp sẽ dễ dàng hơn trong việc thiết kế một chương trình huấn luyện nâng cao nhằm đào tạo tiếp nối trên nền tảng cơ bản mà sinh viên đã đạt được khi còn đi học. Dẫn đến hai bên sẽ dễ dàng thống nhất về những kỹ năng mà sinh viên phải đạt được sau đợt thực tập. Có như vậy, doanh nghiệp sẽ có cơ hội tốt để chọn lọc những ứng viên thích hợp nhất và tuyển dụng họ ngay sau đợt thực tập.
Những sinh viên khác tuy không được doanh nghiệp tuyển dụng nhưng cũng đã trải qua quá trình rèn luyện thực tế với máy móc hiện đại tại doanh nghiệp. Họ có thể dễ dàng tìm việc tại các doanh nghiệp khác.
Bên cạnh đó, cần có sự trao đổi thông tin thường xuyên từ cả hai phía. Doanh nghiệp sẽ cung cấp thông tin về nhu cầu tiêu chuẩn kỹ năng về nghề mà họ đang mong muốn tuyển dụng hoặc có nhu cầu. Nhà trường sẽ cung cấp thông tin về nội dung lý thuyết truyền đạt cho học sinh- sinh viên học nghề cũng như hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng chương trình huấn luyện nhân lực tại chỗ.