Những năm gần đây, môi trường sống vẫn phải chịu nhiều tác động xấu, nhất là từ hoạt động của các doanh nghiệp. Các cụm công nghiệp, khu chế xuất, đô thị… hình thành nhanh chóng nhưng không được quy hoạch đồng bộ, không đáp ứng các tiêu chuẩn quy định về môi trường. Khoảng 70% nước thải tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên cả nước không qua xử lý, cứ xả thẳng ra môi trường. Theo báo cáo công tác phòng chống tội phạm và vi phạm về môi trường của Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (C49), từ năm 2010 đến nay, lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường trên toàn quốc đã phát hiện, xử lý gần 25 ngàn vụ vi phạm pháp luật về môi trường, khởi tố trên 350 vụ án với gần 400 đối tượng.
Doanh nghiệp lơ là trách nhiệm đối với môi trường
Những vi phạm trong lĩnh vực xử lý chất thải tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, các làng nghề, lưu vực sông, khu đô thị… diễn ra hằng ngày là tình trạng phổ biến trên cả nước. Nhiều doanh nghiệp không xây dựng hệ thống xử lý nước thải, nếu có thì không vận hành, mà chỉ vận hành để đối phó với cơ quan chức năng khi bị kiểm tra, vì vậy hiện tượng xả nước thải chưa qua xử lý (hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn) ra môi trường, vận chuyển chôn lấp chất thải không đúng quy định vẫn tồn tại. Tình hình thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường của nhiều doanh nghiệp chưa cao và do ý thức bảo vệ môi trường chưa được coi trọng nên không ít doanh nghiệp không chấp hành nghiêm túc các quy định về bảo vệ môi trường, không thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt…
Nhiều doanh nghiệp sản xuất tuy xây dựng nhà máy quy mô nhưng vẫn không đảm bảo các quy định về bảo vệ môi trường về xả thải
Từ Bắc vào Nam, có thể nói nơi nào có kiểm tra là nơi đó có vi phạm. Mới đây, tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định xử phạt Công ty Nicotex Thanh Thái 421 triệu đồng, đồng thời tạm đình chỉ hoạt động sản xuất – kinh doanh để khắc phục hậu quả đã gây ra là chôn lấp chất thải nguy hại. Cục C49 và các cơ quan chức năng cũng phát hiện và xử lý Công ty TNHH Khai thác, chế biến, xuất nhập khẩu khoáng sản Việt Nam (có trụ sở tại cụm công nghiệp Phú Thứ, tỉnh Hải Dương) vì hành vi thải khí, bụi vượt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chất thải nhiều lần, không bảo đảm các quy định về lưu giữ, quản lý chất thải nguy hại, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết, các doanh nghiệp ở TP.HCM chủ yếu vi phạm về hành vi xả nước thải, khí thải vượt quy chuẩn cho phép và quản lý chất thải nguy hại không đúng quy định. Ngày 4-9 vừa qua, Ủy ban Nhân dân TP.HCM đã ký quyết định xử phạt bốn doanh nghiệp vi phạm quy định bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố, cụ thể là Công ty Xuất nhập khẩu – thương mại – sản xuất hóa chất Đắc Trường Phát (quận Bình Tân) bị phạt hơn 216 triệu đồng, Công ty Thương mại, dịch vụ xuất khẩu quốc tế Mỹ Việt (quận Thủ Đức) bị phạt 90 triệu đồng, Công ty Giấy Xuân Đức (quận 9) bị phạt 65 triệu đồng. Ngoài ra, các công ty trên buộc phải khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường đã gây ra. Kế đó, Doanh nghiệp tư nhân Việt Cường Thịnh (huyện Bình Chánh) cũng bị tạm đình chỉ vì có những vi phạm kéo dài về môi trường như xả khí thải, nước thải vượt mức cho phép.
Tuy nhiên, số các vụ vi phạm bị phát hiện mới chỉ là một phần nổi. Việc thực hiện chính sách và pháp luật bảo vệ môi trường tại các doanh nghiệp ở nước ta còn nhiều khó khăn và bất cập một phần vì các doanh nghiệp, nhất là diện có quy mô vừa và nhỏ, đã hình thành và phát triển từ trước khi Luật Bảo vệ môi trường ra đời. Nhiều doanh nghiệp sử dụng máy móc, thiết bị lạc hậu, ý thức về bảo vệ môi trường chưa cao, hiểu biết về pháp luật bảo vệ môi trường cũng bị hạn chế nên họ không để xảy ra vi phạm mới là chuyện lạ.
Vì mục tiêu lợi nhuận, các doanh nghiệp thường không muốn đầu tư vào các quy trình sản xuất sạch hoặc trang thiết bị xử lý chất thải. Nước ta đã là thành viên WTO nên phải tuân thủ theo những quy định quốc tế về bảo vệ môi trường. Các doanh nghiệp cần phải thực thi nghiêm túc mới có thể thu hút sự quan tâm đầu tư của các đối tác nước ngoài. Để sản xuất xanh và sạch, doanh nghiệp cần phải chi khoản tiền không nhỏ để đầu tư xử lý chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất. Muốn làm giảm tác động của ô nhiễm, doanh nghiệp phải đẩy mạnh công tác xử lý đầu ra hoặc kiểm soát thật tốt khâu đầu vào cũng như hợp lý hóa quy trình sản xuất. Thế nhưng nói là một việc, làm được là việc hoàn toàn khác.
Nhà nước và người dân quan tâm hơn đến môi trường
Trước thực trạng môi trường ngày càng xấu đi, người dân cũng đã nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của môi trường. Nhiều người bắt đầu quan tâm tới các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường, đồng thời cũng tỏ thái độ phản ứng, lên án những doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường. Về phía Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, phấn đấu đến năm 2020 không còn cơ sở gây ô nhiêm môi trường nghiêm trọng trên cả nước.
Hệ thống xử lý nước thải của một doanh nghiệp ngành dệt may
Theo lộ trình, trong giai đoạn từ nay đến năm 2015 sẽ xử lý dứt điểm 229 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã nằm trong danh mục phải xử lý. Trước mắt, cụ thể là trước ngày 30-6-2014, sẽ xử lý triệt để 13 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đối với 20 bãi rác và mười bệnh viện gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng chưa hoàn thành xử lý triệt để thì phải hoàn thành xong trước ngày 31-12-2015. Tám bãi rác do cấp tỉnh quản lý, năm bệnh viện trực thuộc các bộ, 42 bệnh viện tuyến trung ương và tuyến tỉnh, 21 trung tâm chữa bệnh, giáo dục, lao động – xã hội, trung tâm bảo trợ xã hội và 108 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải hoàn thành việc xử lý trước ngày 31-12-2015.
Luật Bảo vệ môi trường cần chặt chẽ hơn
Qua thực tế xử lý những vụ vi phạm của doanh nghiệp, có thể thấy Luật Bảo vệ môi trường hiện chưa có tính ngăn chặn và răn đe cao, do vậy nhiều doanh nghiệp vẫn có thể né tránh, lách luật. Sau khi ban hành bộ luật này, Nhà nước còn có rất nhiều văn bản dưới luật về quản lý môi trường. Mới đây nhất là văn bản hướng dẫn đánh giá tác động môi trường, về chất thải nguy hại, các quyết định về sử dụng tài nguyên thiên nhiên…
Tuy có nhiều cơ quan có thẩm quyền, chức năng kiểm tra về môi trường từ cấp quận, huyện lên đến cấp sở và bộ, rồi thêm lực lượng cảnh sát môi trường song cho đến nay vẫn có nhiều doanh nghiệp vi phạm. Để thực hiện tốt hơn nữa công tác bảo vệ môi trường, Nhà nước nên đề ra những chính sách khuyến khích cụ thể để các doanh nghiệp đổi mới sản xuất, thay đổi công nghệ chứ không chỉ tuyên truyền, giáo dục. Được biết, từ năm 2014, chỉ tiêu giảm phát sinh mới cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng sẽ được bổ sung vào bộ chỉ tiêu đánh giá về phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương. Đặc biệt, cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có trách nhiệm trong việc để phát sinh mới cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cũng sẽ bị xử lý nghiêm.
Thiết nghĩ, Luật Bảo vệ môi trường cũng cần được sửa đổi, bổ sung để tạo điều kiện tốt nhất cho mọi người, mọi doanh nghiệp tự nguyện chung sức bảo vệ môi trường. Bộ luật này sau khi sửa đổi còn phải có vai trò tạo ra một khung pháp lý vững chắc và minh bạch để doanh nghiệp thực thi hiệu quả các quy định về bảo vệ môi trường (quy định cụ thể hơn quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp về bảo vệ môi trường, trách nhiệm của cơ quan Nhà nước trong việc đảm bảo quyền và nghĩa vụ đó được thực thi tốt nhất…), đảm bảo cân bằng giữa lợi ích phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường. Rất mong những ý kiến trên đây được các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan ghi nhận và đề xuất sớm đưa việc sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ môi trường vào chương trình làm luật và hoàn thiện luật pháp của Quốc hội.
Lương An
Ảnh Minh Thắng