Theo học thuyết “Thông minh đa chiều”, việc đánh giá một đứa trẻ thông minh hay không như thế là chưa đầy đủ. Có đến tám loại hình trí thông minh ở trẻ, gồm ngôn ngữ, logic toán học, không gian, âm nhạc, khả năng vận động cơ thể, năng lực tương tác, năng lực tự nhận thức bản thân, tự nhiên. Vận dụng học thuyết trên, bác sĩ Thái Thanh Thủy – Trưởng khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi Đồng 2 cho rằng các bậc cha mẹ nên thay đổi cách hỗ trợ con cái để trẻ có thể phát triển vượt trội, dẫn đầu trong những lĩnh vực mà con mình thật sự có khả năng và yêu thích. Ngoại trừ yếu tố di truyền là khó lòng can thiệp, giáo dục và dinh dưỡng đều là những yếu tố cha mẹ có thể tác động, hỗ trợ cho con.
Về giáo dục, cha mẹ có thể tạo điều kiện để trẻ chơi các trò chơi phù hợp cá tính, học hỏi và phát triển năng khiếu, khuyến khích trẻ tự thể hiện, giúp trẻ tự tin và hiểu rõ bản thân mình hơn. Về dinh dưỡng, để hỗ trợ trẻ phát triển thông minh đa chiều, ngoài việc cung cấp các dưỡng chất trợ giúp phát triển trí não, cha mẹ nên bổ sung cho con những dưỡng chất giúp phát triển tầm vóc, hệ miễn dịch, hệ tiêu hóa.