Đầu tháng Chạp Âm lịch, nếu ở dưới xuôi mùa xuân vẫn còn xa, không khí chuẩn bị tết còn chưa kịp rộn ràng thì ở cao nguyên Mộc Châu, người Mông đang tưng bừng với cái Tết cổ truyền lớn nhất năm. Khi hoa mận nở trắng thung lũng, hoa đào bắt đầu khoe sắc nơi sườn núi, mùa vui chơi hội hè cũng đánh thức bản làng khỏi mùa đông giá lạnh.
Các tỉnh vùng cao Tây Bắc đều có người Mông sinh sống nhưng đặc biệt chỉ ở Mộc Châu, người Mông mới đón tết sớm từ ngày 30-11 Âm lịch. Đặt chân lên bản Pa Khen vào ngày cuối của ba ngày tết, chúng tôi được hòa mình vào bầu không khí xuân vùng cao và những hoạt động còn đậm bản sắc dân gian.
Trên đường đi, cả đoàn được dặn dò kỹ lưỡng về tục lệ kiêng cữ ngày đầu năm ở địa phương: Không được cho tiền nhận tiền, không thổi lửa, phụ nữ không đi vào nhà bằng cửa chính, quan trọng nhất là cả ngày hôm nay chúng tôi sẽ chỉ được ăn xôi, bánh, cơm với thịt, không được ăn rau, không được chan canh vào cơm. Người Mông quan niệm rằng nếu ăn rau ngày tết thì quanh năm sẽ chỉ có ăn… rau mà thôi. Vì thế dù giàu hay nghèo, mâm cơm mấy ngày đầu năm cũng chỉ có ngũ cốc và thịt.
Đến nhà người Mông những ngày này, khách phương xa thế nào cũng được mời vào nhà dùng bữa. Người Mông tin rằng đầu năm có nhiều khách đến chơi thì cả năm sẽ ăn nên làm ra. Bánh dày, rượu ngô và thịt gà là những món khách nhất định phải nếm thử. Bánh dày làm từ nếp nương rất thơm ngon và là món no bụng chính ngày tết. Mỗi nhà phải có từ 50 đến 100 chiếc.
Đã qua mùng 3, nhiều nhà đem bánh chiên với mỡ heo hoặc nướng trên bếp than. Món bánh ấy ăn với thịt thà hay chấm mật ong cũng đều rất tuyệt. Nhấp thêm chút rượu ngô, chúng tôi tưởng như tinh túy của núi rừng đã nằm trọn trong mâm cỗ tết. Người Mông xem ra rất tiến bộ trong việc mời rượu. Các bà, các chị uống gọn từng chén đầy ngon lành nhưng không hề ép khách “trăm phần trăm”. Ai uống được bao nhiêu thì uống!
Trong mấy ngày đầu năm, người Mông cũng cực kỳ ưu ái phụ nữ. Các cô gái trẻ không phải làm việc nhà. Họ chỉ cần ăn mặc đẹp, đi chơi, đi hát thật nhiều là được. Từ ngày mùng 3 Tết, nơi đông vui nhất là khoảng đất trống ở giữa bản. Các thiếu nữ diện bộ trang phục truyền thống sặc sỡ, có cô còn cầm cây dù nhiều màu làm duyên.
Mùa lễ hội nào cũng để vui chơi và để trai gái tìm ý trung nhân. Đủ các trò chơi dân gian được bày ra. Nào là chơi cù, ném pao, bắn nỏ, nào là đua ngựa, múa khèn, chọi chim họa mi… Qua trò chơi, ai tinh ý sẽ thấy những ánh mắt bừng sáng vì đã tìm ra “đối tượng”. Sang màn múa, ca hát đối đáp thì đến lượt các cô gái thể hiện sự khéo léo, uyển chuyển và nữ tính của mình trong ứng xử, nói năng…
- Xem thêm: Mộc Châu mùa hoa tím biếc
Hết mấy ngày tết chính, mùa lễ hội của người Mông còn kéo dài đến nửa tháng sau. Từ khi tiếp xúc nhiều với người Kinh, nhiều bản làng cũng đón cả Tết Nguyên đán. Thành ra, mùa vui tươi trên cao nguyên Mộc Châu bây giờ kéo dài…
- Xem thêm: Nhịp đời trong hương sắc Mộc Châu