Nhu cầu đang gia tăng
“Tôi trông thật tệ trong ngày cưới và thực sự đó là lúc tôi xấu nhất”, Shiroma Pereira (không phải tên thật) nói với giọng run run xúc động. Sống ở ngoại ô Colombo của Sri Lanka, Shiroma cũng như nhiều phụ nữ Nam Á, đã quyết định tìm đến dịch vụ tẩy trắng da trước ngày cưới.
Pereira hy vọng có làn da mịn đẹp. Shiroma kể: “2 tháng trước ngày cưới, tôi đến salon đó và họ cho tôi loại kem làm trắng da. Nhưng một tuần sau khi bôi kem, da mặt tôi bị bạc đi. Da tôi bị cháy, chứ không hề có màu sáng ra”. Vì sự cố đó, người phụ nữ 31 tuổi này đã phải bỏ tiền ra chữa trị da thay cho việc tập trung vào lo khách khứa, mua sắm cho đám cưới. “Tôi bị các vết ngứa sau biến thành màu đen”.
Kem trắng da mà Shiroma nhận được từ tiệm sắc đẹp kia không nằm trong danh sách dược phẩm, mỹ phẩm được chính quyền Sri Lanka thông qua. Đó là loại hàng nhập khẩu bất hợp pháp, bán ngoài chợ đen. Một năm sau khi bôi loại kem đó, các vết đen vẫn còn trên cổ và gáy của người dùng. Sau khi nhận được nhiều khiếu nại, nhà chức trách Sri Lanka hiện nay tìm cách truy bắt, phạt bất cứ ai bán các loại kem trắng da không theo chuẩn y tế. Nhưng đây không chỉ là vấn đề của Sri Lanka.
Hàng triệu người, nhất là phụ nữ ở châu Á và châu Phi đang tìm mọi cách để có làn da sáng hơn. Công nghệ làm trắng da trên toàn cầu ước tính là khoảng 4,8 tỷ USD năm 2017 và sẽ tăng gấp đôi lên 8,9 tỷ năm 2027. Nhu cầu lớn đến từ giới trung lưu châu Á và châu Phi. Các sản phẩm ăn khách bao gồm xà phòng, kem, thuốc viên, thậm chí cả thuốc tiêm nhằm làm giảm việc sản xuất sắc tố melanin. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 4/10 phụ nữ ở châu Phi dùng sản phẩm trắng da.
Ở châu Phi, Nigeria đứng đầu danh sách với 77% phụ nữ dùng kem trắng da, tiếp theo là Togo (59%) và Công hòa Nam Phi (35%). Ở châu Á, 61% phụ nữ Ấn Độ và 40% phụ nữ Trung Quốc dùng các sản phẩm làm trắng da. Nhu cầu của người tiêu dùng tăng lên thì thách thức cũng lên theo. Năm 2018, chính quyền Ghana cảnh báo phụ nữ có thai không nên dùng thuốc viên “trắng da” vì có chứa chất glutathione. Phụ nữ Ghana tin rằng uống thuốc sẽ làm làn da của con trong bụng mẹ cũng trắng lên.
Nam Phi đã có luật khắt khe chống lại các loại sản phẩm “làm trắng da”. Gambia, Bờ Biển Ngà và gần đây là Rwanda đã cấm các loại thuốc làm trắng da có chứa hydroquinone, chất làm giảm sắc tố đen trong da, nhưng cũng gây hại vĩnh viễn cho da người. Hội Da liễu Anh cho hay “các loại chất chứa hydroquinone chỉ an toàn và có tác dụng tốt khi dùng có chỉ dẫn của bác sĩ da liễu nhằm chữa trị các vùng da thiếu sắc tố”. Hội này cũng nói một số sản phẩm làm trắng da có giá trị y tế.
- Xem thêm: 7 thói quen xấu ảnh hưởng đến làn da
“Một số loại kem trắng da có thể có tác dụng tốt, nhưng cần được dùng theo đơn bác sĩ và cần do chuyên gia da liễu giám sát cặn kẽ, nếu không có thể gây nguy hiểm” – theo Anton Alexandroff, người phát ngôn của Hội. Nhưng Hội Da liễu Anh cũng nhấn mạnh “hiện chưa có phương pháp nào tổng thể để làm trắng da trên toàn cơ thể người”. Alexandroff nhắc nhở: “Không hề có bằng chứng rằng các loại kem mua ngoài tiệm sẽ giúp cho bạn, thậm chí chúng có thể còn gây hiệ#u ứng ngược lại. Kem có thể khiến da trắng một cách không tự nhiên, hoặc bị đen hơn, và màu da mất đi chất thật của nó”.
Thủy ngân là chất độc
Bác sĩ có thể ghi đơn để bạn mua sản phẩm làm trắng da nhằm chữa một số bệnh như melasma. Đây là bệnh ở người lớn, với các mảng màu nâu hoặc xám xuất hiện trên da, thường ở mặt. Phụ nữ có mang cũng dễ bị chứng này. Alexandroff nói: “Bác sĩ chuyên khoa có thể giúp phục hồi da và có các loại kem chuyên dụng cho việc chữa trị đó.
Vấn đề là đa số phụ nữ mua kem làm trắng da như mỹ phẩm, không theo chỉ dẫn y tế gì hết”. WHO cảnh báo: “Chất làm trắng da có thủy ngân rất nguy hiểm cho sức khoẻ con người”. Thế nhưng thủy ngân vẫn tiếp tục được đưa vào sản phẩm làm ở Trung Quốc, Cộng hòa Dominica, Liban, Mexico, Pakistan, Philippines, Thái Lan và cả Mỹ” – theo WHO. Sản phẩm có thủy ngân đúng là lạm chậm lại quá trình hình thành sắc tố melanin, nhưng Liên minh châu Âu (EU) và một số chính phủ châu Phi đã cấm mọi sản phẩm dùng cho da người có chứa thủy ngân.
Tuy thế, Mỹ, Canada, Philippines và một số quốc gia khác vẫn tiếp tục cho phép sản phẩm chứa thủy ngân nồng độ thấp. “Thủy ngân là chất độc”, Alexandroff nói và dùng nó có thể gây ra các tác hại cho thận, gây mất màu da, giảm sức đề kháng của da và có thể gây bệnh tâm thần, trầm cảm. Shuai Xu, một bác sĩ da liễu ở Mỹ, bình luận: “Thái độ của nhiều người rằng kem trắng da là an toàn đang gây ra rủi ro về y khoa. Chúng ta cần thực sự lo ngại về việc đó. Tôi rất ngạc nhiên khi thấy nhiều bệnh nhân cho tôi xem các loại kem mà họ mua không có đơn thuốc”.
Xu giảng dạy ở Trường Y Feinberg và nghiên cứu về tác động xấu của các sản phẩm về da. Một số kem có chứa chất steroid có thể gây hại nếu bệnh nhân dùng không đúng. Bác sĩ Xu yêu cầu có các tiêu chuẩn nghiêm khắc hơn để loại bỏ những sản phẩm nguy hại. “Ngành mỹ phẩm không được quản lý tốt như ngành dược phẩm. Các nhà sản xuất hàng đầu thì tránh dùng các chất độc hại, nhưng chúng ta gặp vấn đề khá nghiêm trọng với hàng nhập khẩu”.
Thị trường hiện nay đầy các loại hàng giả và thật khó phát hiện. Nhà sản xuất cũng khó cạnh tranh với các băng đảng chuyên làm hàng giả. Bác sĩ Xu nhận định một số sản phẩm còn không ghi thành phẩm là gì. Ông cảnh báo về ham muốn tìm giải pháp nhanh chóng: “Đa số các sản phẩm thì an toàn nhưng nếu bạn mua các loại thuốc, kem làm trắng da cực mạnh thì phải cẩn thận”.
Kỳ thị màu da
Trên thế giới có hiện tượng kỳ thị màu da sẫm và điều này vô tình đẩy nhiều người – nhất là phụ nữ – tìm cách tẩy da cho trắng. Ngôi sao môn quyền Anh Muhammad Ali đã có bài giảng trong nhà thờ từ năm 1983, chỉ ra các định kiến bám rễ lâu dài. “Vì sao mọi thiên thần đều trắng? Vì sao không có thiên thần da đen?”. Trong nhiều nền văn hóa, ngôn ngữ, màu trắng đi liền với hòa bình, cái đẹp và trí tuệ, còn màu đen bị gán vào biểu tượng của cái chết, tai họa và những cảm xúc tối tăm.
Ngành giải trí bị phê phán là đã quảng bá cho một dạng màu da, mẫu người nhất định và khiến hàng triệu phụ nữ bị mặc cảm. Để chống lại trào lưu này, hiện nay đã có các cuộc vận động nhằm đề cao “Màu da sẫm là màu da đẹp” ở Ấn Độ. Họ muốn phụ nữ Ấn Độ tránh các sản phẩm làm trắng da. UnFair & Lovely – một tổ chức ở Pakistan – cổ vũ cho thông điệp “Không cần phải trắng da mới đẹp”.
Ở Mỹ, “The Beautywell Project” là dự án muốn chấm dứt vấn đề tẩy trắng da và việc dùng hóa chất trong cộng đồng di dân Somalia. Suruthi Periyasamy sống ở bang Tamil Nadu của Ấn Độ, và hồi năm 2017 khi ở tuổi 24, cô đã vào vai nữ thần Lakshmi trong thần thoại Ấn giáo vì cuộc vận động “Da sẫm là thần thánh” để phổ biến ý tưởng các thần linh da mầu sẫm. “Những người làm quảng cáo đồ trang sức hoặc váy áo lụa luôn đòi có người mẫu da sáng. Đó là vì cảm nhận của xã hội cho rằng màu da sáng và tiền bạc đi liền với nhau”, Periyasamy lý giải.
- Xem thêm: Hiểu làn da hơn để ngăn chặn lão hóa
Nam Á là vùng đầy ánh nắng và đa số người dân có màu da sẫm hơn vùng phía Bắc thế giới. Dù có những người nói cô cần phải có làn da trắng hơn, Suruthi vẫn vào được vòng top 25 cuộc thi sắc đẹp Miss Diva. Suruthi nói cô biết cơ hội vào sâu hơn trong các cuộc thi sắc đẹp trong tương lai là vô cùng khó khăn cũng chỉ vì màu da, nhưng cô cảm thấy tự tin vì nhan sắc của bản thân. Tuy thế, Suruthi khẳng định bản thân cần phải vượt qua nhiều rào cản nữa.