Truyền lại một doanh nghiệp gia đình cho thế hệ kế tiếp là giấc mơ của nhiều doanh nhân khởi nghiệp. Nhưng thực tế cho thấy sự kế thừa có thể đối mặt với nhiều thách thức và chỉ khoảng 30% doanh nghiệp gia đình còn tồn tại đến thế hệ sau.
Theo bà Wendy Sage-Hayward, chuyên gia tư vấn doanh nghiệp gia đình người Canada, dù rất mong muốn chuyển giao cho thế hệ sau nhưng nhiều doanh nghiệp gia đình không chuẩn bị tốt cho quá trình kế thừa. Sau đây là những phương pháp giúp gia tăng xác suất thành công để các công ty gia đình có thể tiếp tục tồn tại qua các thế hệ.
Tránh tình trạng kiểm soát quá chặt
Các nhà sáng lập có xu hướng kiểm soát rất chặt, không cho con của họ có đủ tiếng nói hoặc đủ mức độ đầu tư trong doanh nghiệp. Các nhà khởi nghiệp thường có cá tính mạnh và thiên về sự kiểm soát.
Tính cách của nhà khởi nghiệp thường rất độc lập, độc đoán và muốn mọi thứ phải hoàn thành bằng một cách thức đặc biệt. Rất khó để nhà khởi nghiệp từ bỏ những xu hướng này, nhưng, đây cũng chính là điều cần xảy ra nếu muốn sự kế thừa diễn ra thành công.
Loại trừ chuyện “đặc quyền nghiễm nhiên”
“Họ của anh là Jones, không có nghĩa là anh nghiễm nhiên có một ghế trong ban điều hành của công ty gia đình Jones,” chuyên gia Sage-Hayward nói. Bà gợi ý các doanh nhân nên đặt ra những mong đợi liên quan đến cách thức mà con của họ sẽ tham gia vào doanh nghiệp gia đình. Thường thì những người con sẽ được khuyến khích ra ngoài làm việc, học tập và sẽ mang những kinh nghiệm bên ngoài về công ty gia đình của họ.
Xây dựng bộ kỹ năng cho thế hệ kế tiếp
Chuyên gia Sage-Hayward cho biết một trong những sai lầm lớn nhất mà bà nhận thấy ở các doanh nghiệp gia đình là các nhà sáng lập quá bận làm việc và tạo dựng công ty nên không thể dành thời gian để xây dựng bộ kỹ năng và gắn bó với thế hệ thừa kế.
Xây dựng trách nhiệm quản lý cho các thành viên gia đình cũng có nghĩa là thường xuyên tổ chức các cuộc họp gia đình để họ hiểu được những gì đang diễn ra trong doanh nghiệp và chuẩn bị sẵn sàng cho việc tiếp quản doanh nghiệp khi tới lúc.
Cân nhắc xem thế hệ kế tiếp có muốn trở thành một phần của doanh nghiệp hay không
Có những trường hợp các nhà sáng lập muốn con của họ tiếp nhận việc kinh doanh của gia đình nhưng đơn giản là những người con lại không thích. Trường hợp này thường xảy ra khi người chủ doanh nghiệp đã cô lập gia đình họ khỏi những chuyện hằng ngày của công ty hoặc quá bận với chuyện xây dựng công ty mà không dành thời gian cho gia đình nên con cái trở nên bực tức, ác cảm với việc kinh doanh này và từ đó không muốn dính líu gì với doanh nghiệp của gia đình.
- Xem thêm: Để con nối nghiệp kinh doanh gia đình
Tạo điều kiện, khuyến khích con trẻ tham gia vào công việc kinh doanh của gia đình từ độ tuổi còn nhỏ là cách tốt nhất để bảo đảm rằng họ sẽ thích thú với chuyện nối nghiệp sau này.
Người trẻ có những khát vọng của riêng họ và doanh nghiệp gia đình có thể giúp gì để họ đạt được những mục tiêu đó? Cha mẹ nên thảo luận với con về chuyện này và điều này có ý nghĩa quan trọng với quyết định kế nghiệp.
“Kế nghiệp không phải là một sự kiện, đó là một quá trình,” chuyên gia Sage-Hayward nói. “Và quá trình đó nên được bắt đầu sớm bằng cách xây dựng nền tảng đạo đức trong công việc, tìm hiểu về công việc kinh doanh và xây dựng tư duy”.
Sẵn sàng rời bỏ quyền lực
Cố gắng tạo ra những cấu trúc điều hành để kiểm soát thế hệ kế thừa thay vì cho phép họ tự điều hành công ty chỉ tạo nên sự mơ hồ, không rõ ràng trong lãnh đạo và gây ra một môi trường căng thẳng cho các thành viên gia đình được giao điều hành doanh nghiệp.
Và đây là một trong những sai lầm tệ hại nhất của các nhà khởi nghiệp khi chuyển giao doanh nghiệp cho thế hệ sau. Các nhà sáng lập nên chuẩn bị sẵn sàng về mặt cảm xúc và tinh thần để hoàn toàn rời khỏi quyền lực khi tới lúc.