Con người, từ lúc mới sinh cho đến khi bắt đầu bước vào cuộc đời hoàn toàn tay trắng. Vật chất, nếu có chỉ là cha mẹ cho, đa phần những vật dụng phục vụ cho cuộc sống cá nhân, người thiếu, người vừa đủ, người dư xài tùy theo điều kiện kinh tế của gia đình, vì vậy để có cuộc sống nhẹ nhàng thì con người chúng ta cần biết buông bỏ khi cần thiết.
Nhận tháng lương đầu tiên coi như bắt đầu có tài sản riêng. Tích lũy dần, trang bị thêm tiện nghi cá nhân mà lúc phụ thuộc kinh tế cha mẹ không có điều kiện mua sắm. Đến khi lập gia đình, sinh con… (trong điều kiện lý tưởng), tài sản bắt đầu tăng dần lên. Một cái nhà, rồi hai cái nhà, vài miếng đất. Trong nhà đồ đạc sắm sửa tiện nghi có khi không dùng đến.
Con cái lớn, ra riêng, tài sản của cha mẹ chia ra nhiều phần cho con. Nhiều cha mẹ già, bán nhà theo sống với con. Tài sản vật dụng teo tóp hồi nào, mọi thứ tiện nghi chỉ còn trong căn phòng. Đến lúc không muốn buông cũng phải buông bỏ vì không còn sức lực để giữ nữa.
- Xem thêm: Sống nhẹ nhàng
Tóm tắt một đời người dài chỉ bấy nhiêu thì hơi quá, nhưng đó là trong điều kiện lý tưởng. Có người ra đi ở độ tuổi đẹp nhất, làm việc sung sức nhất của đời người. Mọi thứ bỏ lại dang dở… Người đời thấy vậy, buột miệng nói vu vơ, đến lúc chẳng giữ được gì, phải chăng buông được lúc nào thì nên buông cho nhẹ người?
Xa xôi làm chi, một ngày, bỗng thấy cái nhà bừa bộn quá. Đồ đạc nhiều quá. Có thứ mua về đến chục năm chưa xài. Bỏ thì thương, vương thì tội. Mở tủ quần áo mà ngao ngán, không biết bắt đầu từ đâu cho việc thanh lý. Bỏ cái nào cũng tiếc mà giữ lại chẳng bao giờ mặc.
Quyết tâm làm cuộc tổng dọn. Những thứ không dùng trong thời gian ba năm dứt khoát bỏ. Ấy vậy mà giở ra lại dùng dằng.
Giở ngăn kéo hộc bàn hay hộc tủ bất kỳ, kỷ niệm ùa về, thấy bỏ sao mà khó! Vậy là cuộc tổng dọn dẹp thất bại. Đầu hàng với cái sự không quyết tâm. Lại còn biện minh, để vậy nó có làm phiền gì mình đâu.
Đúng là không phiền thật, nhưng không quyết tâm làm sao đổi mới? Muốn buông mà cứ níu thì làm sao nhẹ nhàng? Nhìn trên bàn trang điểm, có những mỹ phẩm đã quá hạn sử dụng nhưng còn niêm khằn. Lộn xộn các thứ từ kem dưỡng da cho đến chì kẻ mắt, nhiều khi chủ nhân phải bới ra mới tìm được.
Tương tự như vậy là tủ thuốc trong nhà. Lâu không ai cần đến, quá nhiều các loại thuốc cũ. Lúc này thì phải quyết tâm dọn dẹp, nếu không muốn phải sử dụng hàng quá hạn, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Nhiều người cho rằng, bắt tay làm một cuộc tổng dọn thấy ngại, nhưng khi giải quyết dứt điểm, cái gì cần thì giữ lại, thứ không cần thì vứt bỏ. Giải phóng xong mấy trăm ký lô “chai bao nhôm nhựa” mới thấy giá trị của sự nhẹ nhàng.
Rồi tự nhắc mình, phải sáng suốt khi mua sắm, đừng sa vào mê cung hàng hóa. Nhủ lòng vậy nhưng chắc gì đã tỉnh táo khi vào các trung tâm thương mại. Hỏi thử xem, bất cứ ai trong cuộc đời không ít nhất một lần mua thứ gì đó về mà không dùng đến?
Để thấy, muốn sống nhẹ nhàng trước hết không bị ràng buộc hay lệ thuộc. Tình cảm cũng vậy, có câu khuyên rằng, khi yêu ai, cần thiết nhất là phải để họ… tự do. Đây là điều mà không phải ai cũng biết chấp nhận.
Yêu là ràng buộc, là quan tâm, theo dõi… Từ đó, con người cảm thấy không thoải mái. Tình yêu vì thế mà qua nhanh thời say đắm, mặn nồng. Lúc này, câu khuyên bảo hay nhất là, nếu không bỏ được nhau thì hãy cưới nhau để biến tình yêu thành trách nhiệm, bổn phận.
Chuyển hóa từ dạng này sang dạng kia. Tròn nhiệm vụ làm người với gia đình, xã hội như bao nhiêu người khác. Để rồi, khi hai cá thể ghép lại bắt đầu nảy sinh những bất đồng từ chuyện vặt vãnh đến quan điểm lớn lao. Nếu không biết buông, bỏ qua, hy sinh thì đường ai nấy đi là cái chắc.
Bởi thế, không chỉ tài sản, đồ vật, những tiện ích phục vụ con người mà tình cảm cũng cần phải biết lúc nào thì bỏ. Ôm lấy hết về mình, đẩy cái tôi của mình lên cao thì chắc chắn không thể sống nhẹ nhàng được!