Ai cũng hiểu những ngày làm việc của một doanh nhân bận rộn như thế nào. Ai cũng hiểu họ chẳng phải chỉ lo cho chính bản thân họ.
Họ còn phải lo nghĩa vụ hằng tháng với Nhà nước, họ còn phải lo lương bổng, cuộc sống cho anh em nhân viên gắn bó với mình hằng tháng hay nửa tháng.
Họ còn phải lo đầu ra, lo đầu vào, lo đôla lên giá xuống giá, lo tương lai xa hơn cho công ty với hàng loạt những ưu tư hoài bão. Nào những vấn đề phát sinh hằng ngày, nào là… nào là…
Thế mà, hỏi đến doanh nhân nam nào, dĩ nhiên, bạn sẽ nghe đến 99% câu trả lời mộc mạc: “vợ cằn nhằn” vẫn cứ là nỗi lo “dai dẳng” nhất, “sâu thẳm” nhất, “cháy bỏng” nhất…
“Bà chị” nào cũng hiểu thời gian của chồng mình là không nhiều. Chồng mình phải lo trong lo ngoài, lo công ty, lo gia đình, lo bạn bè, lo con lo cái…
“Bà chị” nào cũng hiểu lắm khi chồng mình phải “đi hôm về khuya”, phải “công tác tỉnh”, lắm lúc còn phải “bù khú” một chút, khi thì vài ly bia ly rượu, khi vài cơ billard, khi vài “xéc” tennis.
Vâng, các “bà chị” đa số hiểu cả, thông cảm cả, nhưng vẫn cứ thấy lo lo thế nào ấy, vẫn cứ luôn ca cẩm: “Anh ơi! Biết anh giờ này nơi nao…?”.
Đã vậy, còn không ít điều ra tiếng vào: “Lúc này trông ảnh diện đáo để, chắc không ít bạn gái trẻ để ý!!!”, hay lắm khi cả cha mẹ chồng cũng góp ý: “Cẩn thận đấy con ạ, thời buổi này…”, rồi thì đến cả một quảng cáo mỹ phẩm cũng lại “mở đường hươu… nghĩ”: “sáng nay mình gặp chồng bạn đi uống cà phê với một cô xinh lắm, da trắng ngần…”.
Ôi, bao nhiêu chứng cứ chống lại ta, dường như cả xã hội này nhìn ta bằng cặp mắt khắt khe. Dường như mọi người đều quả quyết – cứ hễ bắt đầu nổi tiếng một chút là bắt đầu lơ là gia đình, không còn chăm lo chu đáo cho con, cho vợ như cái thời “hai trái tim vàng…”.
Biết làm sao đây hở trời? Làm sao cho bà xã hiểu rằng ta đang cố sắp xếp thời gian, ta đang phải “cân đong đo đếm” từng phút một, PR (giao tế nhân sự) bên trong, nghĩa vụ bên ngoài, sao cho có thể ghé chỗ này một chút, họp chỗ nọ đúng giờ, sao cho công việc chẳng những chạy tốt, mà cả mọi rắc rối xảy ra đều có ta giải quyết êm thắm, sao cho bạn cũ đừng nói kháy “giàu đổi bạn, sang đổi vợ”, sao cho đối tác mới mở miệng: “Tôi tin anh vì anh… chơi được”… Làm sao đây?!?!
Trong một buổi họp “khá nghiêm túc” ở một quán bia bình dân, một số anh bạn “tạm gọi là doanh nhân” đã áp dụng phương pháp “brainstorming” để thống nhất một số phương pháp “chống cằn nhằn”, “giảm stress từ nội bộ gia đình” và “tận dụng tốt nhất time management” trong thực trạng “ngày dài nhất… cũng chỉ có hơn 24 giờ một chút”. Thử xem, hy vọng rằng các đấng doanh nhân mày râu sẽ hỗ trợ thêm cho chương trình brainstorming này của chúng tôi…
Thứ nhất, phải lên một lịch “chơi” rõ ràng, đầy ấn tượng về mặt chăm sóc sức khỏe, không hề có một chút “bụi trần” nào. Lịch này sẽ được “bà xã” duyệt một cách chi tiết.
Ví dụ: đánh tennis ba ngày một tuần, thứ Ba – Năm – Bảy, từ 19 giờ đến 22 giờ (có thể hơn một chút).
Lịch này là cố định, tuy vậy sẽ được linh hoạt cho những công việc gấp, có thứ tự ưu tiên cao hơn trong gia đình, ma chay, cưới hỏi, thăm viếng, lễ lạc, con cái chuẩn bị thi cử…
Ôi, nếu ta càng giao du rộng rãi, càng quen biết nhiều trong làm ăn, hẳn ta sẽ thấy, ngay cả cái lịch chơi cố định này sẽ được “uyển chuyển” rất nhiều, đó là chưa kể khi mà bà xã ta cũng là doanh nhân hay có nhiều quan hệ, nhiều mối quan tâm khác…
Anh bạn tôi, người từng biết đến với chương trình đón Beckham, đã cười khì khi tôi mời dự tiệc vào tối thứ Bảy: “Ông tha cho tôi đi, bà xã book tôi tất cả thứ Bảy, Chủ nhật rồi”.
- Xem thêm: Vai trò của bà chủ
Thứ hai, lên ngay một lịch “nghiên cứu bổ sung kiến thức” một cách nghiêm túc. Ai mà chẳng cần tìm hiểu thêm, nếu không muốn tụt hậu trong cái thế giới vốn đã đầy rẫy thông tin, lại luôn đầy ắp những thông tin mới, chỉ thị mới, cách làm mới, những khóa học hấp dẫn mới, những chương trình bổ sung kỹ năng hay kiến thức vốn rất cần cho doanh nhân thời nay.
Vậy thì, book vào nhé: Hai – Tư – Sáu, từ 17g30 đến 22g, địa điểm, chương trình đầy đủ vào. Và, dựa trên kết quả brainstorming của chúng tôi, cần khéo léo sắp lịch “nghiên cứu” này trùng với lịch “học thêm” của sắp nhỏ.
Ôi, tuổi thơ giờ sao mà vất vả, tất tả ngược xuôi, lắm bé loay hoay với những lịch học dày đặc: Anh văn, Toán, đàn, vẽ, võ, bơi, cầu lông…
Vợ ta (và cả ta nữa) luôn muốn con mình được học hành những gì mà ngày xưa ta (và cả vợ ta nữa) có thể không đủ điều kiện.
Thế nhé, Ba đưa con đi học, rồi Ba cũng đi học (chuyên môn quản lý, nâng cao kỹ năng, ngoại ngữ…), Ba đi học ra sẽ đón con về, sau đó cha con cùng học chung (tất nhiên có sự giám sát của “bà xã”). Anh bạn tôi còn “khá” hơn nữa, rủ cả “bà xã” đi học chung. Vậy là “đẹp”, cả nhà cùng nâng cao trình độ!
Thứ ba, chương trình vui chơi ngày Chủ nhật hằng tuần đều được sắp xếp đâu đó thật rõ ràng từ đầu tháng. Chủ nhật nào đi chơi đâu, thời gian cho cả ngày đều được định trước.
Thậm chí đến món ăn buổi trưa hay buổi tối ngày Chủ nhật cũng được “lên kế hoạch”, khi thì mì quảng, khi bún riêu, khi phở… để tránh tình trạng con cái ta mè nheo, đòi ăn đủ thứ.
Và, cũng đừng quên, sáng Chủ nhật có lẽ là thời điểm thích hợp nhất để ta thể hiện sự quan tâm đến “bà xã”, cố gắng thể hiện cử chỉ đẹp bằng một buổi điểm tâm ngon lành tại một nơi thoáng đãng.
Vừa dùng điểm tâm, lại vừa trao đổi vài ba câu chuyện; có thể kết hợp ăn sáng chung với một vài gia đình bạn bè. Chẳng sao, đây cũng là dịp để chứng tỏ rằng ta chẳng có gì phải giấu giếm, vẫn cứ đường hoàng nơi chốn đông người…
- Xem thêm: Đàn bà thông minh
Thế đấy, một tuần bình thường trôi qua, ta vừa được tiếng lo lắng chu đáo trong gia đình, vừa có đủ thời gian cho công việc, cho việc chăm sóc sức khỏe doanh nhân, lại vừa có thể sắp xếp để nâng cao trình độ.
Và, bà xã ta cũng cảm thấy hài lòng, bớt cằn nhằn ta hơn về cái “tội” đi sớm về khuya, bớt nghi ngờ ta hơn về cái “tội” không biết đi đâu, làm gì, với ai trong những giờ phút mà, theo bà, chẳng còn nơi nào mở cửa, chẳng còn ai để chơi, ngoại trừ những chỗ… đáng nghi ngờ.
Biết đâu đấy, doanh nhân sẽ còn được thêm tiếng thơm là “tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” – tiêu chuẩn cao nhất của những tướng cầm quân thời xưa.
Cái tiếng này chẳng những giúp ta giảm được chi phí PR, lại còn “ngăn chặn từ xa” những công việc phát sinh rất thường xảy ra trong bất kỳ doanh nghiệp nào.
Hãy xem! Vui lòng đừng động đến những phút giây ngọt ngào mà ta đã dày công “planning”…, vui lòng đừng để cho “bà xã có cơ hội cằn nhằn” nhiều hơn!!!!