Theo nhiều tài liệu ghi lại, đôi đũa Việt ra đời rất sớm. Nó đã gắn liền với văn minh lúa nước ở vùng Đông Nam Á, nơi có nền văn minh tre, trúc. Ăn bằng đũa tre là mô phỏng động tác của con chim nhặt hạt mà con người không thể dùng tay bóc các thức ăn như cơm, cá, canh, đồ chiên xào.
Nét đặc trưng của đôi đũa Việt
Trong cuốn Đại Nam quấc âm tự vị, tác giả Huình – tịnh Paulus Của đã ghi: Đũa là cây vót tròn, làm ra có đôi, có cặp để mà và cơm hoặc gắp đồ ăn. Đũa gồm có đũa con, đũa bếp, đũa bịt (bịt bạc, bịt vàng)… Ngoài ra, ông còn ghi thêm: so đũa (so nhiều chiếc đũa cho bằng đầu trước khi mời mọi người trên bàn ăn cầm đũa); cầm đũa (mời cầm đũa tức mời ăn cơm); trở đũa (trở đầu đũa); gõ đũa (lấy đũa mà gõ lên mâm bát coi như mất lịch sự); ngơ đũa (hết muốn ăn); mạnh đũa (ăn mạnh, ăn nhiều).
Bữa ăn của người Việt là phải có đũa, dọn ăn là phải đủ “chén đũa”, không giống như nhiều dân tộc khác chỉ dùng dao và nĩa. Một số dân tộc lại ăn bốc. Trong cuốn “Xứ Đàng Trong năm 1621”, nhà truyền giáo Cristophoro Borri đã tả bữa ăn của người Đàng Trong như sau: “… Họ dùng những đũa nhỏ rất nhẵn nhụi họ cầm giữa các ngón tay để gắp một cách rất khéo léo, rất sành sỏi”(*).
Nói đến đũa, người ta thường nói đũa tre vì đa số đều vót bằng tre và làm bằng thủ công rất tỉ mỉ và khéo tay. Người Việt mình có nhiều loại đũa quý hiếm như đũa vàng, đũa ngọc, đũa ngà, đũa bạc… Thời phong kiến, các bậc vua chúa thường sử dụng loại đũa bằng loại gỗ quý có tính năng khử độc đồ ăn. Ngay nay, khoa học công nghệ phát triển, nhiều cơ sở sản xuất đũa đều làm bằng máy và sử dụng nhiều nguyên liệu khác nhau như gỗ, tre, dừa, nhum, nhựa, inox…
Nói đến đũa là nghĩ đến tre. Nhiều mẹ già có con hy sinh, hoặc đi chiến đấu mất tin tức lâu ngày, thường mỗi bữa cơm các mẹ bới một chén cơm, trên miệng gác đôi đũa tre để mời con về ăn. Hoặc khi tiễn đưa người chết về với cát bụi, nhiều người thường dùng đôi đũa tre cắm vào chén cơm coi như bữa cơm giã từ.
Đôi đũa Việt qua cái nhìn của dân gian
Qua chuyện cổ tích Trầu Cau, hai anh em sinh đôi Tân và Lang giống nhau như đúc, nhiều người không thể nào phân biệt biệt ai là anh, ai là em bèn dọn ra một mâm cơm nhưng chỉ có một đôi đũa. Người em là Tân kính trọng đưa đũa cho anh mình là Lang. Thế mới biết đôi đũa Việt đã xuất hiện trên mâm cơm từ thuở vua Hùng dựng nước. Nó không những có bề dày lịch sử lâu đời mà còn thể hiện nếp sống văn hóa gia đình cả mấy nghìn năm.
Chính vì sự gắn bó lâu đời với đôi đũa tre nên trong dân gian có rất nhiều câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ đề cập đến đôi đũa, thể hiện một triết lý sống vô cùng sâu sắc:
Đũa bếp có đôi, chìa vôi lẻ bạn. Anh nở lòng nào đành đoạn bỏ em.
Đũa mun bịt bạc anh chê. Đũa tre lau cạnh, anh mê nỗi gì?
Muốn phê phán một người nào ăn nói thiếu cẩn thận, không thấu đáo, gây mất đoàn kết, người ta hay dùng “Vơ đũa cả nắm”. Khi đề cập đến cặp vợ chồng gắn bó thủy chung, người ta thường nói “Vợ chồng như đũa có đôi”. Trái với “Vợ chồng như đôi đũa lệch” là ý nói vợ chồng tuổi tác chênh lệch, hoặc chồng cao vợ thấp không xứng đôi:
Chồng thấp mà lấy vợ cao
Như đôi đũa lệch so sao cho bằng.
Trong kinh doanh mua bán, nhiều người hay mượn ý nghĩa đôi đũa để khuyên răn người đời “Đũa có hai đầu, người có hai mắt”. Ngoài ra, ông cha ta còn mượn hình ảnh đôi đũa để cảnh tỉnh những người làm ăn gian dối, không thật thà:
Quả báo ăn cháo gãy răng
Ăn cơm gãy đũa, xỉa răng gãy chày.
Trong dân gian cũng có câu “Ăn cơm chưa biết trở đầu đũa” nhằm chê trách những ai đó còn thiếu kinh nghiệm, chưa được dạy dỗ đến nơi đến chốn.
Thời phong kiến, quan niệm về hôn nhân lúc nào cũng phân biệt giàu nghèo, nặng về môn đăng hộ đối khiến cho nhiều đôi trai gái phải khổ sở triền miên, dai dẳng: “Xứng đôi vừa lứa chọn nơi. Hay gì đũa mốc (mộc) đòi chòi mâm son”. Đáng mừng là một số trai gái đã vượt qua vòng lễ giáo để tự đi tìm hạnh phúc cho mình:
Hai ta làm bạn thong dong.
Như đôi đũa ngọc nằm trong mâm vàng.
Ngoài ra, trong dân gian còn có câu chuyện “Đồng tiền chiếc đũa phân ly” thật vô cùng triết lý. Khi người vợ hoặc chồng chẳng may qua đời. Người còn sống cho vào quan tài một đồng tiền và một chiếc đũa để người dưới suối vàng không còn vấn vương người trần thế. Như vậy, người vợ hoặc chồng còn sống cũng có thể yên tâm tái giá. Ngoài ra, ông cha ta cũng thường nhắc đến chuyện “bó đũa” của ông già trước khi nhắm mắt nhằm giáo dục anh em trong gia đình phải hòa thuận, đoàn kết, yêu thương nhau.
Xưa kia, các bậc tiền bối đã dạy con cháu phải hết sức chu đáo và tế nhị khi cầm đũa. Một người cẩn trọng khi cầm đũa bao giờ cũng so cho ngay ngắn, cùng màu, cùng loại, đôi nào ra đôi nấy, đầu nào ra đầu nấy. Khi xuống bếp không được cầm đũa gõ lên cà ràng, ông táo hoặc miệng nồi. Làm như thế là thiếu ý tứ, mất lịch sự.
Khi ngồi vào bàn ăn, người trẻ tuổi hoặc con cháu phải cầm đũa dâng cho ông bà, cha mẹ bằng hai tay để tỏ lòng hiếu thảo. Người phụ nữ, nhất là cô gái mới về nhà chồng phải biết phép tắc dọn ăn. Trước khi mời khách hoặc người nhà dùng cơm phải xem coi từng đôi đũa có so le không, có cong quẹo không. Người xưa rất kỵ đôi đũa so le hoặc đũa cong “Vợ dại không hại bằng đũa cong”.
Thời Pháp thuộc, nhiều học giả Tây phương đã từng ví đôi đũa Việt là “văn minh đôi đũa” (civilization des baguettes). Ngày nay, mặc dù nền công nghệ phát triển, các dụng cụ nấu ăn, làm bếp đã thay đổi quá nhiều, mang đến tiện ích cho các bà nội trợ, ít ai còn dùng đũa bếp để xới cơm. Hơn nữa, đũa nhựa, đũa inox, dao, muỗng, nĩa đang lấn sân trên những bàn tiệc sang trọng, nhưng đôi đũa tre truyền thống vẫn luôn có mặt trên bàn ăn của nhiều gia đình như một người bạn tri kỷ.