Một báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau một phần tư thế kỷ ban hành Luật đầu tư nước ngoài cho thấy khu vực FDI cũng đã đóng góp ngày càng nhiều vào ngân sách, từ mức trung bình 1,8 tỉ USD trong giai đoạn 1994-2000 lên 14,2 tỉ USD trong giai đoạn 2001-2010. Năm 2012, nộp ngân sách của khu vực FDI (không kể dầu thô) là 3,7 tỉ USD, chiếm 11,9% tổng thu ngân sách.
Sản xuất điện tử tại một doanh nghiệp FDI TP.HCM
Khu vực FDI cũng là nhân tố thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa, tạo việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thay đổi cơ cấu lao động, giúp chuyển giao công nghệ nâng cao năng lực quản lý kinh tế, quản trị doanh nghiệp…
Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại hàng loạt vấn đề như tỷ trọng đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực vẫn còn mất cân đối lớn; giải ngân vốn đầu tư chậm; hiệu quả tổng hợp đầu tư nước ngoài chưa cao; đầu tư có hàm lượng công nghệ cao, công nghệ mới chiếm tỷ lệ thấp; đầu tư vào công nghiệp phụ trợ còn ít…
Phát biểu tại hội nghị tổng kết 25 năm ban hành Luật đầu tư nước ngoài mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành chức năng, chính quyền các địa phương cần có chính sách ưu đãi cao, đủ sức hấp dẫn đối với một số dự án hạ tầng kinh tế, xã hội có quy mô lớn, có tính lan tỏa và tác động tích cực đến phát triển kinh tế – xã hội. Đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài vào các dự án hợp tác công – tư (PPP), bố trí nguồn vốn ngân sách để đầu tư đối ứng cho các dự án này. Theo Thủ tướng, cần có những ưu đãi mới để thu hút đầu tư vào lĩnh vực tài chính – ngân hàng, đảm bảo tính hiệu quả và chặt chẽ.
Dự kiến sắp tới, một bản nghị quyết về định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý FDI sẽ được Chính phủ ký ban hành với những chính sách mới để thu hút đầu tư một cách thuận lợi và cạnh tranh hơn.
Gia Minh tổng hợp