Ba sự kiện diễn ra trong tuần qua liên quan đến Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có thể là dấu hiệu của một hoạt động kinh doanh lớn sắp được đưa ra trước pháp luật.
Trước tiên, dư luận chú ý đến sự việc ông Nguyễn Vũ Trường Sơn – Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã gửi đơn xin từ chức tới Hội đồng thành viên tập đoàn này từ nhiều ngày trước, nhưng tới 12-3 Hội đồng thành viên PVN mới họp và đồng ý xét đơn của ông Sơn. Tuy nhiên theo trình tự thủ tục, việc ông Sơn có được thôi chức vụ Tổng giám đốc PVN hay không cần sự chấp thuận của cơ quan chủ quản – Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Thủ tướng xem xét, quyết định.
Ông Nguyễn Vũ Trường Sơn làm việc trong ngành dầu khí từ năm 1987, đã trải qua nhiều chức vụ quan trọng tại các công ty thành viên thuộc PVN, như Phó tổng giám đốc Vietsovpetro kiêm Giám đốc Xí nghiệp Khai thác Dầu khí, Giám đốc, Phó bí thư Đảng ủy Xí nghiệp Khai thác Dầu khí thuộc Vietsovpetro…
Sự kiện thứ hai là Bộ Công thương trong một báo cáo mới đây về tình hình hoạt động của các dự án đầu tư dầu khí ở nước ngoài của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho biết, 11/13 dự án – phần lớn thực hiện trong giai đoạn 2009-2012 – đã thua lỗ hoặc đối mặt với nguy cơ lỗ.
Điển hình trong các dự án thăm dò khai thác ở nước ngoài của PVN có nguy cơ mất trắng vốn đã rót là Junin 2 tại Venezuela, do Tổng công ty Thăm dò và khai thác dầu khí (PVEP) làm chủ đầu tư, khi đó ông Nguyễn Vũ Trường Sơn là Tổng giám đốc PVEP.
- Xem thêm: Giá điện tăng, giá cả tăng, GDP giảm
Thứ ba là Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu – Bộ Công an (C03) vừa có văn bản gửi PVN cho biết đang xác minh một số dấu hiệu vi phạm pháp luật trong thực hiện dự án đầu tư liên doanh phát triển khai thác và nâng cấp dầu khí lô Junin 2 tại Venezuela do PVEP, công ty con của PVN, làm chủ đầu tư.
Để thực hiện dự án, PVEP đã góp vốn cùng với Công ty Dầu khí quốc gia Venezuela, lập liên doanh Petromacareo (trụ sở đặt tại thủ đô Caracas, Venezuela). 60% vốn đầu tư tại dự án Junin 2 được liên doanh vay, tương ứng 5,8 tỉ USD, 40% còn lại do các bên đóng góp tương ứng 3,1 tỉ USD.
Phần vốn góp của phía Việt Nam tương ứng với tỷ lệ tham gia 40% trong hợp đồng là hơn 1,24 tỉ USD. Tổng vốn đầu tư trên chưa bao gồm 584 triệu USD phí tham gia hợp đồng (chi phí hoa hồng) của phía Việt Nam trả cho Venezuela khi thăm dò, khai thác mỏ này bất kể có dầu hay không. Và nếu cộng khoản phí tham gia hợp đồng trên thì tổng vốn phía Việt Nam dự tính rót vào là trên 1,82 tỉ USD.
Sau khi nhận được chủ trương đầu tư vào dự án tại Venezuela năm 2010, đến năm 2012 báo cáo tài chính hợp nhất của PVN cho biết, PVEP đã rót hơn 1.523 tỉ đồng (khoảng 65,5 triệu USD) vào dự án này. Tuy nhiên dự án này bất ngờ dừng từ năm 2013 do tình hình Venezuela rất khó khăn, kinh tế suy giảm và đặc biệt là tỷ lệ lạm phát cao, tỷ giá giữa giá chính thức và giá chợ đen tăng gấp 10 lần. Dự án dừng khi chưa có giọt dầu nào được khai thác, nhưng PVN đã đổ vào đây 442 triệu USD phí tham gia hợp đồng, chưa gồm các khoản phí đầu tư và chi phí khác.
Trong khi đó tại Peru, PVN đầu tư thăm dò hai mỏ là lô 67 vào năm 2012 với 50% quyền lợi tham gia thông qua việc mua và sở hữu 52,6% cổ phần Công ty Perenco Petroleum Limited (PPL), số tiền hơn 674 triệu USD. Một dự án khác tại Peru là lô 39, tổng vốn góp vào dự án này tới cuối 2017 khoảng 75,5 triệu USD. Hiện các dự án được đánh giá có nhiều khả năng rủi ro, không thu hồi được vốn.
Ngoài ra, loạt dự án khai thác thăm dò của PVN ở khu vực Đông Nam Á cũng không có hiệu quả, đơn cử dự án thăm dò tại lô SK 305 – Malaysia. Dự án này bắt đầu được PVN đầu tư năm 2007 với tổng số tiền hơn 292 triệu USD.
Tuy vậy, không phải hoạt động đầu tư nào ra nước ngoài cũng thất bại. Tại Hội thảo về rủi ro của doanh nghiệp Việt khi đầu tư ra nước ngoài (ĐTRNN) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức tuần qua, ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế (VCCI) – cho biết các doanh nghiệp Việt Nam đã vươn rộng hơn, xa hơn tới những địa bàn mới.
Sau gần 30 năm, hoạt động ĐTRNN của Việt Nam ngày càng đa dạng, thể hiện rõ nét qua thị trường, ngành đầu tư, quy mô, hình thức đầu tư, các loại hình kinh tế và doanh nghiệp tham gia đầu tư.
Số liệu báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài phần nào minh chứng cho việc ngày càng có nhiều doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội ở bên ngoài lãnh thổ Việt Nam. Trong năm 2018, tổng vốn đầu tư ra nước ngoài cấp mới và tăng thêm là hơn 430 triệu USD, lũy kế hơn 22 tỉ USD. Cùng với đó, doanh nghiệp Việt đã và đang thu được trái ngọt ở thị trường ngoại.
Có thể kể tới con số 1,3 tỉ USD lợi nhuận đã chuyển về Việt Nam do Viettel công bố kể từ khi ĐTRNN cho đến năm 2017. Hay những thông tin tích cực từ các dự án đầu tư bên ngoài của Tập đoàn TH. Tập đoàn này chuẩn bị đón dòng sữa TH đầu tiên tại Nga.
- Xem thêm: Khi nào xây dựng đường sắt cao tốc?
Theo đại diện của VCCI, bên cạnh những đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế – xã hội cho Việt Nam, các quốc gia và cộng đồng tiếp nhận đầu tư, thì ĐTRNN, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nổi lên là những rủi ro liên quan đến môi trường và xã hội do nhu cầu về quỹ đất và lực lượng lao động lớn.
Rủi ro này càng trở nên rõ ràng hơn khi phần lớn các dự án đầu tư nông nghiệp của Việt Nam ra nước ngoài tập trung vào các quốc gia như Lào và Campuchia, nơi hệ thống đăng ký và quản lý đất đai chưa hoàn thiện và tập quán lao động chưa định hình rõ nét.
Những khác biệt về văn hóa, pháp luật và môi trường giữa Việt Nam và các quốc gia tiếp nhận đầu tư này đã dẫn đến các tranh chấp ngoài mong muốn, ảnh hưởng đến việc thực hiện dự án, quyền và lợi ích của người dân địa phương cũng như hình ảnh của nhà đầu tư Việt Nam trong khu vực.
Chính vì vậy, VCCI đã phối hợp với Tổ chức Oxfarm tại Việt Nam và Trung tâm Con người và Thiên nhiên xây dựng Hướng dẫn tự nguyện: Giảm thiểu rủi ro về môi trường xã hội cho doanh nghiệp Việt Nam ĐTRNN trong lĩnh vực nông nghiệp tại Tiểu vùng Mekong. Đặc biệt là nâng cao nhận thức, giúp các nhà đầu tư nhận biết và áp dụng luật pháp, cơ chế, chính sách chính thức và phi chính thức liên quan đến ĐTRNN của Việt Nam và thu hút đầu tư nước ngoài của các nước tiếp nhận đầu tư.
Các vấn đề về môi trường và xã hội phát sinh từ hoạt động đầu tư nhằm giảm thiểu rủi ro trong hoạt động đầu tư. Bên cạnh đó, hướng dẫn cũng như cung cấp thông tin và địa chỉ hữu ích giúp các bên dễ dàng tiềm kiếm thông tin và kết nối.
Nhiều doanh nghiệp hay nhắc đến việc tuân thủ quy định hướng dẫn về tiêu chuẩn phát triển bền vững như việc phát sinh chi phí. Tuy nhiên, đây không phải là việc phát sinh chi phí, mà là một khoản đầu tư và có tiềm năng mang lại lợi nhuận, hiệu quả kinh tế. Đáng lưu ý, trong lĩnh vực đầu tư nông nghiệp ở nước ngoài, hiệu quả kinh tế càng không thể tách rời phát triển bền vững.
Hiện nay Chính phủ đã có chính sách thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng phạm vi đầu tư, kinh doanh ra nước ngoài để tận dụng các cơ hội thuận lợi cũng như phát huy lợi thế của doanh nghiệp Việt Nam.