Giá điện có thể tăng 8,36% vào giữa tháng 3 là tin không vui đối với doanh nghiệp và người dân nhưng dưới góc nhìn của ngành điện đây là biện pháp để lành mạnh hóa tài chính của ngành này. Mức tăng này đã được Chính phủ lựa chọn để đảm bảo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng vừa đủ, không tạo đột biến, không ảnh hưởng đến mức tạo ra khó khăn đột biến đối với nền kinh tế.
Cụ thể, theo tính toán cân đối, phương pháp tăng giá bán lẻ điện bình quân được chốt là 8,36%. Thời gian tăng giá là trong nửa cuối tháng 3-2019. Như vậy từ năm 2010 đến nay, điện đã tăng giá bảy lần. Việc tăng giá bán lẻ lần này có thể đưa giá bán lẻ điện bình quân lên 1.864 đồng/kWh. Hiện giá bán lẻ bình quân áp dụng đạt 1.720 đồng/kWh.
Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, việc điều chỉnh giá điện tăng 8,36% đã được tính toán để đáp ứng các chỉ tiêu về phát triển kinh tế – xã hội mà Quốc hội đã thông qua.
Bộ Công thương phối hợp với Tổng cục Thống kê tính toán cho thấy việc tăng giá điện 8,36% sẽ làm giảm GDP 0,22% và làm CPI tăng thêm 0,29%.
Nguyên nhân tăng giá điện được Bộ Công thương cho rằng do thông số đầu vào cộng với việc phân bổ các khoản chênh lệch tỷ giá còn treo chưa được tính vào giá điện. Thứ nhất, cơ cấu nguồn điện huy động trong năm 2019, với tốc độ tăng trưởng GDP năm 2019 dự kiến khoảng 6,8%, Bộ Công thương dự báo tổng sản lượng điện thương phẩm năm 2019 toàn quốc sẽ đạt 211,9 tỉ kWh.
Theo Bộ Công thương, dự kiến cơ cấu nguồn điện sẽ bao gồm các loại hình như nhà máy thủy điện, nhiệt điện than, tua-bin khí, nhiệt dầu, các nhà máy điện mặt trời, gió, sinh khối. Bên cạnh đó, trong phương án tính giá điện, Bộ Công thương đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cập nhật tình hình thủy văn, mực nước các hồ thủy điện, tiến độ các nhà máy điện theo thực tế đến hết tháng 1-2019.
Thứ hai, các yếu tố đầu vào trong phương án giá điện năm 2019 như giá than nội địa, giá than pha trộn giữa than nhập khẩu với than sản xuất trong nước của một số nhà máy điện, dự báo về giá than nhập khẩu cung cấp cho các nhà máy điện theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, giá than thế giới năm 2019 giảm khoảng 7,41% so với năm 2018. Bên cạnh đó, thuế bảo vệ môi trường đối với than và dầu tăng thêm kể từ ngày 1-1-2019 theo Nghị quyết 579/2018/UBTVGH14 ngày 26-9-2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Dự báo về tỷ giá năm 2019 giữa tiền đồng với các ngoại tệ như USD, euro, yen Nhật… trên cơ sở số liệu thực tế của năm 2018 và dự báo tỷ giá năm 2019. Một nguyên nhân khác là các khoản chi phí còn treo chưa được đưa vào giá điện trong năm trước (chênh lệch tỷ giá). Mức độ phân bố sẽ được xem xét trên cơ sở đánh giá ảnh hưởng của điều chỉnh giá điện đến các chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá sản xuất và tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước cũng đánh giá ảnh hưởng của việc điều chỉnh giá điện đến các ngành nghề sản xuất và các hộ sinh hoạt.
Riêng đối với hộ nghèo sẽ được hỗ trợ với mức tương đương số lượng điện sử dụng 30kWh/hộ/tháng. Hộ chính sách xã hội có lượng điện sử dụng không quá 50kWh/tháng được hỗ trợ với mức tương đương số lượng điện sử dụng 30kWh/hộ/tháng.
Dịch tả heo châu Phi đang đe dọa hàng triệu hộ chăn nuôi sau gần một tháng phát hiện đã lan ra 13 tỉnh thành cả nước gồm: Hưng Yên, Thái Bình, Quảng Ninh, Ninh Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nam, Hải Dương, Hà Nội, Hòa Bình, Thái Nguyên, Điện Biên, Nam Định. Mới đây Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các địa phương nhanh chóng khống chế bệnh dịch tả heo châu Phi như chống giặc.
Tại Hội nghị trực tuyến Triển khai cấp bách khống chế dịch tả châu Phi, diễn ra vào sáng 4-3 tại Hà Nội, Thủ tướng nhấn mạnh dịch bệnh này gây ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi và gây thiệt hại cho lĩnh vực nông nghiệp, do đó các cơ quan chức năng phải đẩy mạnh tuyên truyền để vận động người dân và người chăn nuôi không giấu dịch, không mua bán, vận chuyển, giết mổ và tiêu thụ heo bệnh, heo chết… Ông đồng ý cho Bộ Nông nghiệp – Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) hỗ trợ mức 80% giá thị trường đối với heo bị dịch tả châu Phi phải tiêu hủy. Thủ tướng cũng phàn nàn về tinh thần chống các dịch bệnh ở địa phương vì ông không nhìn thấy lãnh đạo đến dự họp, mà chỉ cử đại diện cơ quan thú y.
Vào ngày 4-3, Chi cục Chăn nuôi – Thú y tỉnh Thái Bình cho báo giới biết tỉnh này đã tiêu hủy hơn 1.000 con heo kể từ khi phát hiện có dịch tả. Trước đó vào ngày 1-3, mặc dù chưa phát hiện dịch nhưng Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh ban hành công điện hỏa tốc, yêu cầu các địa phương lập các chốt kiểm soát liên ngành ở các cửa khẩu biên giới, hoạt động 24/24 giờ nhằm ngăn chặn bệnh dịch tả châu Phi từ Trung Quốc tràn sang từ những hoạt động giao thương.
Trong khi đó, chiều ngày 4-3 Sở NN-PTNT tỉnh Khánh Hòa thông báo phát hiện hàng chục con heo chết chưa rõ nguyên nhân bị vứt ra hồ và cống nước ở huyện Cam Lâm. Cơ quan thú y tỉnh Khánh Hòa cho biết thêm đã chôn lấp toàn bộ số heo vừa nêu, nhưng vẫn chưa xác định được số heo chết mắc bệnh gì. Tại huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, Phòng NN-PTNT cho biết dịch heo lở mồm long móng đang diễn biến phức tạp và đã tiêu hủy hơn 1.200 con.
Trước tốc độ lan nhanh của dịch bệnh, giá heo hơi trên thị trường đang đi xuống, ảnh hưởng nặng đến người chăn nuôi. Tại khu vực Đông Nam bộ, giá heo hơi giảm từ 53.000 đồng xuống còn 45.000 đồng/kg so với tuần trước. Tại miền Bắc giá xuống thấp hơn nhiều, mỗi ký giảm hơn 13.000 đồng. Hiện nay đã có tình trạng xuất chuồng sớm để tránh thiệt hại.
Một số vùng lãnh thổ và quốc gia trên thế giới ra thông báo cấm nhập khẩu sản phẩm thịt heo từ Việt Nam vào lãnh thổ của họ. Từ ngày 20-2, Đài Loan đã có thông báo về khoản tiền phạt nếu đưa sản phẩm thịt heo vào đây. Vietnam Airlines, Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam, cũng đã thông báo với hành khách không mang sản phẩm thịt heo vào nước Nhật; nếu không sẽ bị phạt tù và phạt tiền lên đến 1 triệu yen, tương đương 8.900 USD. Dubai, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ có thông báo cấm nhập sản phẩm thịt heo từ Việt Nam.
Việt Nam hiện là nước châu Á thứ ba, sau Trung Quốc và Mông Cổ, có dịch tả heo châu Phi. Theo Bộ NN-PTNT, bệnh dịch này không lây sang người và cảnh báo những thông tin sai lệch về dịch tả heo châu Phi sẽ gây ảnh hưởng xấu trong xã hội.