Trong giới sinh viên y khoa vẫn thường truyền tụng nhau câu chuyện về giáo sư Th., vị thầy khả kính của nhiều thế hệ, một chuyên gia hàng đầu về mổ tim, ghép tim.
Khi thầy mất, vào tuổi 80, hàng ngàn học trò đưa thầy về nơi vĩnh hằng. Trong đám tang, nhiều biểu ngữ và panô ca ngợi công ơn thầy, với nhiều panô vẽ trái tim đỏ rực lồng ảnh chân dung của thầy vào giữa, tượng trưng lòng yêu quý thầy cũng như nhắc đến chuyên khoa của thầy.
Có một giáo sư cũng đã lớn tuổi, bạn thầy, cùng đi đưa người đồng nghiệp khả kính. Vị giáo sư cứ vừa đi vừa khóc lại vừa cười. Một sinh viên ngạc nhiên hỏi vì sao thầy vừa khóc lại vừa cười như thế? Giáo sư nói: “Tôi hết sức cảm động vì tấm lòng thành của sinh viên với các thầy nên tôi khóc, còn tôi cười là vì nghĩ đến thân phận của mình, mai này tôi mất đi thì các sinh viên sẽ lồng ảnh tôi vào các panô vẽ hình chi đây?”. “Nhưng thưa thầy, chuyên khoa của thầy là gì ạ?” Một sinh viên trẻ hỏi: “Tôi ấy à? Chuyên khoa sản phụ!”, giáo sư đáp.
- Xem thêm: Lời nói của thầy thuốc
Dĩ nhiên đó chỉ là một chuyện cười. Dân y khoa có vô số chuyện cười như vậy. Thế nhưng trong ngành y, quả thật có nhiều chuyên khoa. Các chuyên khoa cứ ngày càng sâu, càng chuyên biệt, càng chia nhiều nhánh và càng ngày càng vi tế đến nỗi người ta nói đến chuyện người bệnh rồi đây sẽ bị “xé tan thành từng mảnh vụn” cho phù hợp với các vi chuyên khoa!
Trước kia, thường là một người thầy thuốc tổng quát, nam phụ lão ấu, kiêm luôn hốt thuốc, bào chế cao đơn hoàn tán… Ta cũng vậy mà tây cũng vậy. Thế rồi y học tiến bộ, một người không sao biết hết các lĩnh vực chuyên môn được nên phải phân ra nhiều nhánh, lúc đầu là những nhánh to, nội, ngoại, sản, nhi… rồi sau, trong Nội có tim mạch, nội tiết, tiêu hóa, miễn dịch, thần kinh, da liễu… trong Ngoại có lồng ngực, bụng, tay, chân, bàn tay… Nhi có nội nhi, ngoại nhi, rồi tim mạch, gan, thận nhi… rồi lại chia ra nhiều thứ nhỏ hơn.
Cứ thế đến lúc có thầy chỉ chuyên một nhánh rất nhỏ như một sợi dây thần kinh, một loại tế bào máu… Dĩ nhiên càng chuyên khoa thì học càng sâu, càng thấu đáo. Và thù lao cho bác sĩ chuyên khoa cũng rất cao. Thế rồi tới lúc người ta giật mình hoảng sợ khi thấy người bệnh như bị phân tán thành… những cơ quan, những tế bào, những gen, những phân tử… riêng lẻ và như vậy có nguy cơ không tồn tại một con người nữa!
Trong khi đó, trên thực tế, bất cứ một trường hợp bệnh lý nào cũng có những mối quan hệ chằng chịt, không thể tách rời ra từng mảnh mà chữa trị được, bởi lẽ chữa được cái này thì lại sinh ra cái khác, dùng thuốc có lợi cho mặt này thì sẽ có hại mặt khác. Người thầy thuốc nhiều khi phải đứng trước một sự chọn lựa không mấy dễ dàng!
Thế là có một chuyên khoa mới mà không mới ra đời: chuyên khoa tổng quát! Thầy thuốc “gia đình” biết rõ từng cá nhân trong gia đình, từ thuở lọt lòng đến tuổi trưởng thành, tuổi già, từ sinh lý đến bệnh lý, tâm lý, môi trường… cả các mối quan hệ xã hội.
- Xem thêm: Có những người thầy
Khi cần phải khám chuyên khoa nào đó thì chính người thầy thuốc này sẽ chỉ định để người bệnh đi đúng chỗ, đúng nơi, không để người bệnh “bơ vơ”, sợ hãi, lo lắng, dễ bị hù dọa hay thậm chí bị lường gạt.
Người bác sĩ gia đình tổng quát này sẽ tham khảo các chuyên gia khi cần và tổng hợp lại để có chỉ định chính xác, đúng hướng cho người bệnh. Họ như một cố vấn về sức khỏe của gia đình, thành người “bác sĩ riêng” của gia đình. Các chương trình y khoa ở các nước tiên tiến do vậy cứ phải thay đổi luôn cho phù hợp với nhu cầu và đòi hỏi của xã hội.
Đại học Y Harvard chẳng hạn, hơn mười năm qua đã thử nghiệm một chương trình mới nhằm đào tạo các thầy thuốc tổng quát, trang bị nhiều kiến thức nhân văn, buộc sinh viên phải đọc thêm các sách văn học, phải thực tập ở các phòng mạch (chứ không chỉ trong bệnh viện) để học mối quan hệ thầy thuốc – bệnh nhân, học các môn tâm lý, xã hội, nhân chủng học để y khoa không bị kỹ thuật hóa, hóa học hóa mà ngày càng “nhân bản” hóa nhiều hơn.
Cho dù ngày càng có nhiều phần mềm giúp người ta tự chẩn đoán và điều trị nhưng người bệnh dẫu thế nào đi nữa vẫn còn cần đến người thầy thuốc chứ không muốn chỉ giao tiếp với cái máy vi tính!
Hẹn thư sau. Thân mến.