Triển lãm có chủ đề “Hiện trạng” trưng bày những hình ảnh, tác phẩm chữ, sắp đặt tại Galerie Quỳnh (151/3 Đồng Khởi, quận 1, từ 10-4 đến 2-5) là kết quả nghiên cứu của hai kiến trúc sư, đồng thời là hai người bạn cùng sáng lập Công ty HTA + Pizzini là Hoành Trần và Archie Pizzini.
Gần hai mươi năm sống và làm việc ở Việt Nam, chủ yếu là tại TP.HCM, một thành phố đang phát triển đã cho họ một góc nhìn khác, ngạc nhiên thú vị lẫn sẻ chia, thấu hiểu. Tất cả những cảm nhận đó được họ ghi lại bằng hình ảnh, bên cạnh việc làm tài liệu phục vụ cho công việc, họ còn sắp xếp, hệ thống lại thành tác phẩm và thêm những kiến giải để nhận diện không gian sống. Đó vừa là những quan niệm định hướng cho thực hành kiến trúc của họ và qua đó cũng cho thấy phản ứng sáng tạo riêng của bộ đôi với một thành phố trẻ còn lắm ngổn ngang mà cũng nhiều triển vọng như Sài Gòn – thành phố mà họ đang sống.
Không chỉ thuần túy làm công việc kiến trúc, Hoành Trần và Archie Pizzini dành nhiều thời gian quan sát những thay đổi trong xã hội và văn hóa của Việt Nam bởi họ hiểu bản sắc văn hóa là nền tảng quan trọng của kiến trúc. Và điều đầu tiên họ nhận thấy là sự phát triển mạnh mẽ về vật chất tại các trung tâm đô thị lớn như TP.HCM. Trong đó sự thay đổi kiến trúc, cơ sở hạ tầng diễn ra rất nhanh: Người ta phá bỏ những công trình cũ để xây nên một công trình khác nhằm hữu – hình – hóa một thành phố hiện đại. Điều này gây nên nhiều tranh cãi: Có người ủng hộ, nhưng cũng có người luôn muốn bảo tồn lịch sử của những công trình cũ, không muốn thực hiện bất cứ kế hoạch nào mang tính sửa sang và còn muốn khôi phục chúng về nguyên trạng vinh quang trong quá khứ. Hoành Trần và Archie Pizzini đứng ngoài sự tranh cãi này vì họ theo trường phái trung lập, chọn lối xây dựng dựa trên bề dày lịch sử phong phú của một công trình cụ thể. Hoành Trần nói: “Một thành phố giàu bản sắc được tích lũy qua nhiều thế hệ. Việc biết tích lũy kết hợp phá hủy cũng là một giải pháp vì vẫn gìn giữ được bản sắc văn hóa, nếu chỉ có phá hủy thì thật sự đáng lo vì như vậy sẽ xóa sạch tất cả mọi thứ”.
Có một điều thú vị là triển lãm này được xem như một sự trở về của Hoành Trần và Archie Pizzini khi được thực hiện tại gallery do chính họ thiết kế vào năm 2013. Đó là một không gian đẹp, có bề dày lịch sử xã hội phong phú với tuổi đời hơn một thế kỷ đã làm nền ý tưởng để họ thực hiện quan niệm tích lũy và chuyển tiếp khi cải tạo, xây dựng lại nơi này. “Hiện trạng” là một minh chứng sâu sắc và nên thơ cho thấy vai trò của các kiến trúc sư thiên về tính bền vững và khả năng phục hồi. Có thể thấy những hình ảnh về cuộc sống đời thường, nhiều nhất là ở Sài Gòn, đậm chất Việt Nam được phản ánh chân thật qua ống kính của hai kiến trúc sư từ đường phố, nhà cửa, hàng quán… Đặc biệt, điểm nhấn kiến trúc xuất hiện như một ngôn ngữ văn hóa mang cả dấu ấn lịch sử khi thì đậm bản sắc, khi thì giao thoa hài hòa, tương phản… Đó là những khung cửa, cầu thang, hoa văn xưa cũ và hiện đại pha trộn vào nhau mà ánh sáng như một bàn tay họa sĩ khi vẽ từng tia nắng rọi vào. Và con người hiện diện trong không gian sống ấy với nhiều cảm xúc, tâm trạng khác nhau. Có lẽ mỗi con người đều có một số phận khi ai cũng phải mưu sinh nhưng có người bận rộn, tất bật, người lại nhàn nhã. Cũng giống như bất cứ thành phố đang phát triển nào, đường phố Sài Gòn có rất nhiều người, xe bán hàng rong phục vụ cho số đông người dân trong xã hội. Có khi họ bị cấm đoán, nhưng hình ảnh những gánh hàng rong, ngõ hẻm luôn là một nét gợi nhớ khi nhắc đến Sài Gòn.
Trong những chuyến đi khảo sát xa hơn, Hoành Trần và Archie Pizzini cũng ghi lại cảnh sông nước, miền quê nông thôn và với những nhịp điệu sinh hoạt khác. Và điều làm các anh thú vị khi phát hiện màu sắc tâm linh gắn với cuộc sống rất tự nhiên qua tín ngưỡng thờ tự mang tính dân gian hơn là tôn giáo. Có người thắc mắc, họ ghi lại hiện trạng thành phố để làm gì? Chắc chắn đó không phải việc làm vô nghĩa hay ngẫu hứng mà là cách họ xác tín rằng kiến trúc có thể thay đổi theo thời gian, theo thẩm mỹ của con người, nhưng địa tầng văn hóa thì bền vững hơn và sẽ được tiếp nối qua nhiều thế hệ. Sài Gòn – TP.HCM hơn 300 năm tuổi đời sẽ chuyển mình như thế nào để phát triển mà vẫn giữ lại hồn cốt xưa để với người đi xa, chạm mặt Sài Gòn là thấy thân quen. Còn với người dân thành phố này, ai cũng có niềm tự hào khi nói về “Sài Gòn của tôi”. Mỹ cảm dễ thương ấy về Sài Gòn, có lẽ ai đã từng sống ở nơi này sẽ cảm nhận được, như Hoành Trần và Archie Pizzini đã cảm nhận. Từ những bức ảnh đơn lẻ chụp vào thời gian khác nhau, họ tập hợp lại thành tác phẩm với những chủ đề cụ thể và có những kiến giải, ghi chú để chia sẻ với người xem, được thực hiện bằng mực in kỹ thuật số trên giấy mylar với số lượng giới hạn. Những bức ảnh khác được in thành catalog.
Hoành Trần vốn là một nhà hóa học và làm việc tại khoa Bảo tồn thuộc National Gallery of Art ở Washington D.C. Anh nhận bằng Thạc sĩ Bảo tồn Lịch sử từ Columbia University tại New York vào năm 1990, sau đó là bằng Thạc sĩ Kiến trúc từ SCI-Arc tại Los Angeles năm 1995. Anh sống và làm việc tại New York và Hongkong trước khi quay lại TP.HCM vào năm 1996, nơi anh làm thiết kế kiến trúc trước khi thành lập Công ty HTA + Pizzini. Archie Pizzini vừa là kiến trúc sư vừa là một họa sĩ, bên cạnh công việc kiến trúc, anh vẫn sáng tác tranh sơn dầu. Cả hai anh đã từng giảng dạy tại một số studio thiết kế và vừa hoàn tất bằng tiến sĩ thuộc khoa Kiến trúc của Đại học RMIT (Royal Melbourne Institute of Technology), Úc. HTA + Pizzini được Hoành Trần và Archie Pizzini thành lập từ năm 2004 tại TP.HCM. Có nhiều dự án mà công ty đã thực hiện trong thời gian qua tại Việt Nam, tiêu biểu như Altitude Skybar của Khách sạn Sheraton, Nha Trang; Nhà hàng Bún Ta; Galerie Quỳnh trên đường Đồng Khởi; Avalon Apartments tại TP.HCM.