Theo một nghiên cứu của trang mạng artnet thì trong năm 2016 chỉ có 51% số người mua tranh qua các cuộc đấu giá tại Trung Quốc thực sự trả tiền để lấy tranh, năm 2015 con số này là 58%. Ở Việt Nam cũng đã có những vụ đấu giá “xù” dù chỉ nhằm mục đích từ thiện. Nhưng ngay tại các nhà đấu giá tầm cỡ thế giới cũng đã xảy ra nhiều thương vụ dỏm, làm lộ ra vẻ hào nhoáng bên ngoài của các kỷ lục về đấu giá!
Không lâu trước khi phiên đấu giá tác phẩm hậu Thế chiến II và đương đại của nhà Christie’s vào ngày 15-11-2017 bản thân nhà Christie’s mới được biết một người đặt giá (bidder) có tiềm lực mạnh mẽ: ông hoàng xứ Ả Rập Saudi có cái tên khó nhớ Bader bin Abdullah bin Mohammed bin Farhan al-Saud. Theo tờ New York Times, để dự phiên đấu giá có tác phẩm Salvator Mundi của Leonardo da Vinci mà sau đó được ông hoàng nói trên đặt giá thành công với khoản tiền 450,3 triệu USD, ông ta đã phải đặt cọc trước 100 triệu USD. Thật ra Bader bin Abdullah bin Mohammed bin Farhan al-Saud chỉ là người đặt giá trung gian, còn người mua chính thức bức Salvator Mundi là thành phố Abu Dhabi của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Nhưng vì sao tất cả những bidder nhắm đến một tác phẩm chắc chắn sẽ có giá cao vào loại kỷ lục lại phải đặt cọc một khoản tiền không nhỏ để có được quyền đặt giá? Đơn giản vì nhà Christie’s muốn đảm bảo bidder đặt giá cuối cùng (cao nhất) chắc chắn sẽ trả tiền để nhận tác phẩm sau đó.
Sự thận trọng của nhà Christie’s không thừa, bởi đã có nhiều vụ đấu giá “xù” diễn ra trước đó với nhiều tác phẩm hay cổ vật có giá trị rất lớn. Một trong những vụ đấu giá “xù” nổi đình đám nhất là trong phiên đấu giá đêm 11-11-1987 tại nhà Sotheby’s ở New York; khi đó bức Hoa diên vỹ của Van Gogh đã được bán cho doanh nhân – nhà công nghiệp người Úc Alan Bond với giá 53,9 triệu USD – giá cao nhất được trả cho một tác phẩm hội họa thời đó. Nhưng tỉ phú Alan Bond đã không trả khoản tiền mà ông ta đã đặt giá thành công. Cuối cùng, cũng theo tờ New York Times thì nhà Sotheby’s đã phải giảm khoảng một nửa giá bán bức tranh cho Alan Bond, sau đó đứng ra làm môi giới để Hoa diên vỹ được bán lại cho Bảo tàng J. Paul Getty ở Malibu (California) nhưng với giá bao nhiêu thì không ai được biết!
Trong lĩnh vực đấu giá cổ vật, vụ “xù” tai tiếng nhất là vào phiên đấu giá ngày 10-11-2010 tại nhà đấu giá cỡ nhỏ Bainbridges ở tây bắc thủ đô London của Vương quốc Anh. Hôm đó, một chiếc bình cổ đời vua Càn Long nhà Thanh đã được đặt giá cuối cùng là 43 triệu bảng Anh (tương đương 69 triệu USD), gấp 40 lần giá ước tính sẽ bán được là 800.000-1,2 triệu bảng. Chiếc bình thế kỷ XVIII này được tìm thấy trong một ngôi nhà gỗ nhỏ, dù bị bỏ lăn lóc nhưng vẫn trong tình trạng nguyên vẹn, thuộc quyền thừa kế của hai mẹ con ông Tony Johnson ở đảo Wight – hòn đảo lớn nhất ở Anh, nằm trong eo biển Manche. Người đặt giá thành công, theo nhà Bainbridges là một doanh nhân Trung Quốc (những nhà giàu mới nổi ở Trung Quốc cũng là những người bỏ ra rất nhiều tiền để săn lùng cổ vật và tranh cổ, tranh thư pháp Trung Hoa). Tuy nhiên ông ta đã “xù” và biến mất sau vụ đấu giá. Mãi đến năm 2013, ông Tony Johnson mới tìm lại được giấc mơ triệu phú khi chiếc bình cổ được đem đấu giá lại tại nhà Bonhams ở London và đạt mức giá khoảng 20 triệu – 25 triệu bảng Anh, theo hãng tin Bloomberg. Chủ nhân mới của chiếc bình cổ đến từ Trung Đông.
Trong lĩnh vực đồ trang sức, đá quý, vụ đấu giá “xù” nổi bật là vào tháng 11-2013 trong phiên đấu giá tại nhà Sotheby’s ở Geneva, khi viên kim cương Ngôi sao Hồng (Pink Star) 59,6 carat được chốt giá 76,3 triệu CHF (đồng franc Thụy Sĩ và Liechtenstein, tương đương 83 triệu USD lúc bấy giờ) nhưng bidder cuối cùng Isaac Wolf, một chuyên gia mài cắt kim cương nổi danh ở New York đã “bỏ của chạy lấy người”. Thật ra, Isaac Wolf chỉ là trung gian đặt giá cho một tập đoàn kinh doanh mà người đứng sau lưng là một tỉ phú Nga. Do vụ đấu giá này đã được đặt cọc 60 triệu USD, nhà Sotheby’s đã đạt được một thỏa thuận với bên mua để đưa Ngôi sao Hồng trở lại sàn đấu giá ở Hongkong vào ngày 4-4-2017 và bán được với giá khoảng 71 triệu USD.
Ông François Curiel, phụ trách khu vực châu Âu và châu Á của nhà Christie’s cho biết những vụ đấu giá “xù” nhìn chung “không đáng kể lắm”, nhưng với những tác phẩm có giá chốt khổng lồ thì buộc các bidder phải đóng tiền cọc như trường hợp ông hoàng Bader bin Abdullah bin Mohammed bin Farhan al-Saud. Song đã và đang có sự gia tăng các vụ “xù” đấu giá. Gần đây, một tòa án ở Manhattan, New York đã nhận đơn kiện liên quan đến một tác phẩm của họa sĩ Đức Gerhard Richter: bức Tranh trừu tượng (809-4) được chốt giá 24 triệu USD trong một phiên đấu giá tại nhà Phillips ở New York, thế nhưng người chốt giá là Zhang Chang, một bidder đến từ Trung Quốc đã “xù” nên hãng đấu giá Philips mới kiện ông ta ra tòa. Vụ việc vẫn chưa ngã ngũ tại tòa án. Tuy nhiên, theo luật sư Antoine Trillat ở Paris: “Chúng tôi liên tục chứng kiến những vụ tương tự nhưng ở mức giá thấp hơn nhiều triệu USD. Người mua được tác phẩm đổi ý rồi nói rằng họ đã không biết rõ khoản thuế phải trả hay phí vận chuyển lại cao đến thế”. Cũng theo luật sư Trillat, hầu hết các vụ như thế đã được giải quyết bằng thỏa thuận giữa người chốt giá và hãng đấu giá thay vì đưa nhau ra tòa, bởi việc thuê luật sư và chi phí kiện tụng cũng rất tốn kém.
Trong khi đó ông Andrea Danese, Giám đốc điều hành Công ty tài chính nghệ thuật Athena cho hay: “Những trường hợp như bức tranh của Richter chỉ là phần nổi của tảng băng chìm”. Người phụ trách công ty ở New York chuyên cho vay tài chính để mua tác phẩm nghệ thuật nói tiếp: “Chúng tôi đang chứng kiến một xu hướng, chủ yếu với những người mua đến từ Trung Quốc. Vì sự kiểm tra gắt gao tại Mỹ đối với các giao dịch nên một số người mua Trung Quốc đã không thể hoàn tất các thương vụ của họ đúng lúc”. Công ty Athena được các hãng đấu giá đặt yêu cầu cung cấp khả năng tài chính của những người mua để có thể thanh toán sau các phiên đấu giá thành công. Trong một bản phúc trình về Hội chợ nghệ thuật Art Basel/UBS năm 2017, cây bút author Clare McAndrew, tác giả của các đầu sách về nghệ thuật và thị trường đã ghi nhận sự gia tăng đáng kể của các thương vụ “xù” tại chính Trung Quốc. “Trong thời gian từ tháng 5-2015 đến tháng 5-2016, tỷ lệ các vụ không thanh toán sau khi mua tác phẩm nghệ thuật tại Trung Quốc là 41%, tăng 5% so với năm trước và tăng 30% so với cùng kỳ năm 2013-2014”, bà Clare McAndrew viết. “Có một sự khác biệt về lịch sử – văn hóa ở phương Tây và Trung Quốc. Ở Trung Quốc, việc đặt giá (tại các phiên đấu giá) không phải lúc nào cũng được coi là một nghĩa vụ mang tính pháp lý”, một nhà quan sát thị trường đấu giá tại Trung Quốc nói như thế.
Nhưng không chỉ có các người mua Trung Quốc mà ngay cả các ông hoàng giàu nứt đố đổ vách ở vùng Vịnh cũng “xù”. Hoàng thân Saud Al Thani của xứ Qatar, từng là một trong những người mua tranh nhiều nhất thế giới khi qua đời vào năm 2014 thì người ta mới biết ông ta cũng là một trùm “xù”. Vào năm 2012, ông hoàng này đã bị kiện vì nợ nhà Sotheby’s 26 triệu USD, nhà Bonhams 4,3 triệu bảng Anh và 12,2 triệu bảng nữa nợ ba nhà buôn tranh đã từng bán tác phẩm cho ông. Sau khi Saud Al Thani chết, vụ kiện cũng khép lại. Và còn nhiều vụ kiện khác với nhiều tác phẩm của những tên tuổi lớn, nhưng dường như các vụ việc như thế đã không đi tới nơi tới chốn bởi sẽ tác động tiêu cực đến một thị trường tiêu thụ tác phẩm mỹ thuật và cổ vật trị giá nhiều tỉ USD!