Con số thiệt hại 23 ngàn tỉ USD cho nền kinh tế thế giới là cảnh báo vừa do tổ chức Công ước Liên Hiệp Quốc về Phòng chống Sa mạc hóa (UNCCD) đưa ra. Tuy nhiên, đó là tổn thất vào năm 2050, nếu như mọi việc đều diễn tiến như hiện nay.
Cũng theo tổ chức này, nếu ngay từ bây giờ, chúng ta áp dụng những biện pháp khẩn cấp để chặn đứng khuynh hướng đi xuống của đất trồng thì thiệt hại sẽ chỉ ở khoảng 4.600 tỉ USD. Cho đến nay, đã có 21 nước được lập danh sách với mức thiệt hại trung bình do đất bị thoái hóa bằng 9% GDP chung của họ.
Theo nhận định của Juan Catlos Mendoza, Giám đốc điều hành Cơ chế Toàn cầu UNCCD, đất đai lành mạnh đang nuôi sống con người trên khắp hành tinh, từ lương thực – thực phẩm đến công ăn việc làm và thu nhập khá. Ngày nay, chúng ta đang đứng trước một cuộc khủng hoảng không dự liệu trước: 1,5 tỉ người, chủ yếu ở những nước nghèo nhất, sẽ là nạn nhân của hiện tượng đất nông nghiệp bị thoái hóa và điều này sẽ làm nghiêm trọng hơn nữa tình trạng nghèo đói, đặc biệt ở Sahel và Nam Á, những nơi mà các chuyển biến về khí hậu có những tác động nặng nề nhất.
Những dữ liệu mới nhất cho thấy hiện có 169 nước đang bị tác động bởi đất thoái hóa và/hoặc hạn hán, trong số này, 116 nước đã cam kết hoàn thành mục tiêu ngăn chặn tình trạng đất xuống cấp. Trước mắt, 21 nước có tên trong danh sách đầu tiên sẽ thiết lập các mục tiêu và kết hợp các biện pháp thực hiện để phòng tránh, giảm thiểu và đảo ngược tình trạng đất thoái hóa. Chẳng hạn như nước Cộng hòa Trung Phi đã cam kết phục hồi hơn 1 triệu hécta đất, tương đương 15% lãnh thổ của họ, nhằm hạn chế nguy cơ đất xuống cấp và giảm thiểu gánh nặng cho nền kinh tế.
Danh sách trên cũng sẽ giúp các nhà soạn thảo chính sách dễ dàng tiếp cận các thông tin khoa học để ước tính kinh phí đầu tư cho việc phục hồi chất lượng đất. Ngoài ra, các dữ liệu tìm được cũng cho thấy giá trị về mặt tiền tệ của sự thoái hóa đất trồng và tác động của nó lên cộng đồng quốc tế, giúp tìm được những hình thức hợp tác tốt nhất để giải quyết vấn đề. Từ nay đến năm 2050 cũng còn dài, nhân loại còn đủ thời gian đề ra những sáng kiến để tự cứu và tránh cho thế hệ tương lai những tổn thất nghiêm trọng.
– Theo IPS, Telegraph