Nếu người Hán (châu Á) từng có tục bó chân thì người Mangbetu (châu Phi) lại nổi bật bởi lệ bó đầu. Họ dùng vải quấn chặt quanh đầu trẻ sơ sinh mới được 1 tháng tuổi, ép hộp sọ phải phát triển dài ra. Khác với quan ngại làm ảnh hưởng đến bộ não, bó đầu tương đối an toàn.
Theo các nhà nghiên cứu, não là một bộ phận linh hoạt có thể thay đổi dựa theo hình dạng của hộp sọ và không ảnh hưởng gì đến khả năng nhận thức.
Đầu dài là thông thái
Mangbetu là một dân tộc thiểu số sống ở tỉnh Orientale của Cộng hòa Dân chủ Congo, quốc gia ở Trung Phi. Họ sử dụng ngôn ngữ Kingbetu, nổi tiếng là bộ lạc giàu tài năng nghệ thuật và âm nhạc. Đặc biệt, đây là nhóm người duy nhất trên thế giới vẫn xem chiều dài của cái đầu là thước đo nhan sắc và địa vị xã hội.
Rất dễ để nhân diện người Mangbetu trên lục địa đa dân tộc nhất trái đất – châu Phi. Họ là những người có cái đầu thon, dài bất thường. Từ thời cổ đại, các thành viên của bộ lạc này đã tin rằng người có đầu dài là thông thái nhất. Họ cực kỳ tín nhiệm những ai có hộp sọ dài. Đầu dài là biểu tượng của trí thông minh, đồng thời nâng cấp địa vị xã hội. Để đảm bảo các thế hệ sau luôn sở hữu đầu dài, người Mangbetu sáng tạo nên truyền thống bó đầu Lipombo.
Lipombo được thực hiện với trẻ sơ sinh. Khi đứa bé mới chào đời vừa tròn 1 tháng tuổi, các bà mẹ Mangbetu dùng vải quấn chặt quanh đầu của chúng. Xương hộp sọ của trẻ em lúc này hãy còn mềm, dễ bị thay đổi hình dạng. Người mẹ Mangbetu sẽ không tháo khăn ra khỏi đầu đứa trẻ cho tới khi đã “bó” thành hình dạng như ý muốn. Phải mất tới vài năm, cái đầu tròn của một trẻ em Mangbetu mới trở thành đầu dài.
- Xem thêm: Những khám phá lạ về khảo cổ
Theo nghiên cứu khảo cổ, tục bó đầu của người Mangbetu bắt nguồn từ văn hóa Maya và Ai Cập cổ đại. Trong lịch sử nhân loại, hình thức bó đầu xuất hiện từ rất sớm. Nó có thể đã được thực hành từ thế kỷ 9 TCN bởi các dân tộc thuộc thời kỳ đồ đá mới ở khu vực Tây Nam Á. Danh y Hippocrates (460-380/370 TCN) từng ghi chép tục lệ này trong các tài liệu chữa bệnh của mình. Ông gọi nó là “Macrocephali”, tức “Đầu dài” (Long-head).
Trong khu vực Châu Á thời cổ đại, người Hung là dân tộc thịnh hành tục bó đầu nhất. Khi họ tấn công sang khu vực Đông Đức, nhiều bộ lạc ở Châu Âu (như Gepids, Ostrogoths, Heruli, Rugii, Burgundians) đã bị chinh phục và ép buộc phải đồng hóa, học theo tục bó đầu. Còn ở châu Mỹ, Maya là tộc người tiên phong bó đầu. Người Maya tin rằng đầu dài có thể kết nối với thần linh.
Người Ai Cập không bó đầu, nhưng lại có một nhà lãnh đại lừng danh suốt cổ kim là Hoàng hậu Nefertiti (1370-1330 TCN) sở hữu cái đầu tự nhiên siêu dài. Bà được hậu thế xem như biểu tượng của sắc đẹp và sự khôn ngoan bậc nhất.
Khôn khéo và tài năng
Không rõ quyền lực, vẻ đẹp của Hoàng hậu Nefertiti có do cái đầu siêu dài của bà quyết định hay không. Chỉ biết người Mangbetu cực kỳ xem trọng những ai sở hữu đầu dài. Với họ, độ dài của cái đầu tương ứng với đỉnh cao nhan sắc, quyền lực và sự uy tín. Hiện nay, giới nghiên cứu vẫn chưa xác định được nguồn gốc của người Mangbetu. Người ta đoán vào thế kỷ 18, bộ lạc này xuất phát từ Sudan (quốc gia ở Bắc Phi), di cư đến Congo. Trên đường di chuyển, họ tiếp xúc và sống chung với một số tộc người nói tiếng Bantu, tạo nên sự hợp chủng. Sang thế kỷ 19, người Mangbetu “hỗn hợp” hình thành vương quốc riêng. Vị vua sáng lập đầu tiên của họ là quốc vương Nabiembali. Nhà lãnh đạo này khá hiếu chiến. Ông thành lập quân đội, xâm lược và thống trị nhiều bộ lạc khác xung quanh.
Trong xã hội của người Mangbetu, đàn ông là trụ cột. Họ quyết định mọi việc trong nhà, ngoài cộng đồng, được phép lấy nhiều vợ. Đổi lại, cánh mày râu phải chăm lo làm ăn, tích trữ của cải, chăn nuôi gia súc. Gia đình người Mangbetu có con gái thách cưới rất nặng. Đàn ông Mangbetu phải có nhiều gia súc thì mới mong lấy được vợ. Sau khi Mangbetu hình thành vương quốc, sự phân cấp địa vị cũng đi theo. Tùy vào việc đối tượng là thiếu nữ con nhà “danh gia vọng tộc” hay con nhà bình dân, “giá cô dâu” liền đổi khác.
So với các bộ lạc châu Phi đương thời, người Mangbetu khá hùng mạnh. Ngoài việc xây dựng vương quốc, mở mang bờ cõi, họ còn phát triển chăn nuôi, trồng trọt và buôn bán. Đặc biệt, các thành viên của tộc người này vô cùng khéo tay. Họ là những thợ xây, nhà làm gốm, điêu khắc gia, nhạc sĩ tài năng và điêu luyện bậc thầy.
Cuối thế kỷ 19, thực dân châu Âu tràn vào châu Phi. Năm 1908, đội quân xâm lược hùng hậu của Bỉ tiến đánh Congo, xâm chiếm cả vùng đất của người Mangbetu, xóa sổ Vương quốc Mangbetu. Năm 1960, Congo giành được độc lập. Người Mangbetu tiếp tục lối sống nông nghiệp, tích cực trồng khoai mỡ, lúa, ngô, chuối, cọ và chăm chỉ chăn nuôi. Bộ lạc này xem số lượng gia súc là thước đo tài sản. Hiện tại, họ vẫn thách cưới bằng vật nuôi.
Tiếp tục bó đầu
Sau khi Bỉ xâm lược và biến Congo thành thuộc địa, tục lệ bó đầu cũng bị nhận thức từ phương Tây ảnh hưởng. Mặc dù châu Âu cũng có không ít sắc tộc thực hành tục bó đầu, sự phát triển của y học hiện đại đã khiến tất cả phải cân nhắc lại. Người ta lo sợ, sự thay hình đổi dạng của hộp sọ sẽ ảnh hưởng tới bộ não ở bên trong. Khi thực dân châu Âu xâm chiếm và biến châu Phi thành thuộc địa, họ mang theo nỗi bất an này tới. Bước vào thập niên 1950, người Mangbetu bắt đầu bị tác động. Lipombo rơi vào tình trạng dần lụi tàn.
Qua kiểm tra, đối chiếu thực tiễn, các nhà khoa học phát hiện: không có mối liên kết nào giữa hình dạng hộp sọ và bộ não. Trong cơ thể người, não là một bộ phận linh hoạt, đàn hồi. Nó có thể biến đổi cho tương thích với hình dạng của hộp sọ mà không ảnh hưởng đến chức năng tư duy. Bất kể là hộp sọ bị bó cho dài hay nắn cho vuông, tròn, bộ não đều có thể thích nghi và phát triển bình thường.
- Xem thêm: Thế giới tâm linh trong thời cổ đại
Có điều, quan niệm thẩm mỹ thì bị thay đổi theo thời đại. Người Mangbetu ngày nay không nhất thiết phải bó đầu. Một số thành viên trong bộ lạc này tiếp tục truyền thống Lipombo, một số khác lại không.
Dù Lipombo không ảnh hưởng gì đến bộ não, nó thay đổi dáng vẻ của hộp sọ vĩnh viễn. Phụ nữ Mangbetu thường tết tóc và sử dụng khăn quấn hoặc đồ búi giữ tóc làm nổi bật cái đầu thon dài của mình. Dẫu thời thế thay đổi thế nào, người Mangbetu vẫn tự hào với cái đầu dài ngoẵng.