Tăng trưởng kinh tế của nhóm các nước phát triển sẽ bị ảnh hưởng bởi tình trạng dân số già, trừ phi họ có khả năng thúc đẩy năng suất thông qua kỹ thuật và đầu tư cơ sở hạ tầng, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) mới đây đã công bố như vậy. Tỷ lệ dân số già gia tăng đồng nghĩa với lực lượng lao động giảm dần và tiềm năng sản xuất thấp hơn, hậu quả chính là chất lượng sống sẽ giảm trong tương lai. Tiềm năng phát triển kinh tế suy giảm không chỉ thể hiện ngày càng rõ hơn ở nhóm các nước phát triển tại Tây Âu và Nhật Bản, mà còn đe dọa cả những thị trường đang phát triển như Trung Quốc, nơi có độ tuổi dân số trung bình tăng lên đáng kể trong thập niên qua. Bản nghiên cứu thuộc một phần trong chương trình Viễn cảnh Kinh tế Thế giới (WEO) của IMF công bố mới đây cho rằng dân số già là nguyên nhân không nhỏ khiến cho các nước giàu gặp nhiều khó khăn trong việc phục hồi kinh tế kể từ sau cuộc khủng hoảng năm 2008. Là một trong những yếu tố chính kích thích tăng trưởng, mức cầu nguồn vốn đầu tư dù được mở rộng nhưng vẫn rất chậm so với kỳ vọng. Tương tự, tăng trưởng lực lượng lao động cũng rất chậm nếu xét trên khía cạnh tỷ lệ dân số gia nhập vào nhóm tuổi lao động. Cụ thể hơn, nhóm người về hưu và sắp về hưu nhiều hơn so với số thanh thiếu niên sắp hoặc mới gia nhập vào thị trường việc làm.
Theo IMF, tại các nước phát triển, tiềm năng tăng trưởng kinh tế, vốn ở mức 2% trước thời kỳ khủng hoảng, giảm xuống 1,3% trong những năm khủng hoảng và chỉ phục hồi tại mức 1,6% trong suốt những năm còn lại của thập niên 2010 này. Còn tại những nền kinh tế đang phát triển, tốc độ tăng trưởng từ 6,5% trong giai đoạn 2008-2014 xuống còn 5,2% trong giai đoạn 2015-2020. Hẳn nhiên, sự thay đổi tiêu cực đó đem đến nhiều thách thức cho các chính phủ. Những nước giàu sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc hạ tỷ lệ nợ, còn với những nước đang phát triển thì việc tái xây dựng nguồn dự trữ tài chính quốc gia sẽ vô cùng gian nan. Nhưng IMF khẳng định lối thoát duy nhất cho tất cả chính là thúc đẩy hoạt động đầu tư, thông qua hoạt động nghiên cứu và phát triển, từ đó giúp đẩy mạnh nguồn cung và phát minh. Đặc biệt tại những thị trường đang phát triển, chi tiêu của chính phủ vào cơ sở hạ tầng trở nên vô cùng cần thiết để cải thiện điều kiện môi trường kinh doanh và thị trường tiêu dùng.
Lâm Kiên theo AFP (DNSGCT)