Sao lại cứ nhai mãi những quan niệm cũ thế này nhỉ. Nào là phụ nữ phải cố gắng vươn lên ngang tầm ông chồng, mới đảm bảo hạnh phúc gia đình.
Là vì nếu cứ chỉ quanh quẩn lo cho con cái, chăm sóc cửa nhà mà không đẹp không “quái” như các… chân dài mạnh mẽ và khôn ngoan sành điệu, thì ông chồng sẽ chán và đi cặp bồ. Cũ rích nhé.
Bà xã cầm tờ báo, mục hôn nhân gia đình (báo nào cũng phải có món này, bây giờ mở rộng ra thành mục kiểu lối sống này nọ, để thu hút những người hay đọc các tạp chí son phấn – phần nhiều là phụ nữ tuổi 30-40, họ bảo phân khúc thị trường gì gì đó) và nói với tôi: “Nếu có ai ca ngợi vẻ đẹp của phụ nữ truyền thống vun vén gia đình, thì sẽ bị “ném đá” kiểu: Đừng có lấy lý lẽ cũ kỹ để giam hãm phụ nữ trong xó bếp.
- Xem thêm: Ráng mà… yêu nhau
Cuộc sống hiện đại bây giờ phụ nữ tiến lên, thua kém gì ai. Phải được giải phóng. Vậy mà ông giáo sư nghiên cứu người Mỹ sang đây làm việc, chơi thân với đứa bạn của em lại nói: “Không gì đẹp hơn khi người phụ nữ trong trạng thái yên bình, thanh thản làm công việc của mình. Đàn bà đẹp nhất lúc ngồi gọt khoai. Chị ta ngồi, dáng vẻ mềm mại, không căng thẳng bức xúc hay bộn bề suy nghĩ gì. Bên ngoài một vệt nắng trước thềm, yên tĩnh.
Chị ta cầm dao, khẽ đưa theo vòng tròn của củ khoai, dao đi đến đâu, một “sợi dây” màu nâu vỏ dài thêm rủ xuống và để lộ ra một màu vàng mơ tươi tắn của củ khoai. Rất lành nghề và khéo léo. Đẹp như một hình ảnh thiền”. Ông ta nói, nhiều anh chàng ngoại quốc lấy vợ Việt Nam, nhiều khi ấn tượng mạnh mẽ lại đến từ… bà mẹ vợ. Khi tới nhà chơi những ngày đầu, được mời cơm chẳng hạn, bữa ăn thật ngon lành không phải do cô bồ trẻ đẹp xinh tươi, mà do bà mẹ vợ nấu.
Vào bữa, bà ấy không nói thao thao, chỉ lặng lẽ tiếp thêm thức ăn, trân trọng mọi người, chăm sóc từng chiếc muỗng, ly nước, vô ra rất hợp lý. Anh ta cảm động nghĩ, vợ tương lai của mình cũng sẽ thế này đây, thật là tuyệt vời tìm thấy nét văn hóa vì người khác (đã biến mất khá nhiều) trong ý thức nhân loại văn minh.
Nhiều anh chồng còn… bàng hoàng hơn nữa khi vợ chồng có con nhỏ, về bên nước ngoài sống, có bà mẹ vợ sang chăm con giúp. Bà dậy sớm thức khuya lặng lẽ, chăm cháu rất kỹ, trân trọng chàng rể, sợ con cái. Làm gì có cảnh đó ở các nước văn minh, vì họ đã giải phóng cho… người già. Cha mẹ sống riêng, đi du lịch, câu cá, đọc sách, hay là chơi với… chó. Người già Việt Nam khổ quen, chưa biết sướng, vẫn cứ phải hy sinh tiếp nữa.
Chẳng có mấy đứa con xót xa thấy cha mẹ hy sinh thế, mà chỉ ca ngợi hết lời vì cha mẹ đã sống cho con chứ chẳng bao giờ hưởng thụ cho mình. Họ ca ngợi và yêu cha mẹ vì thế, chứ ít ai nghĩ làm sao cho cha mẹ… được sướng, nhất là họ lại phải hy sinh cho cha mẹ thì… nước mắt chảy ngược à, đâu lại “trái quy luật” thế.
Một lý giải thường nghe là: Ông bà… thích làm thế. Vậy nên anh chồng Tây đột nhiên rơi vào cái nếp nhà như vậy, ngạc nhiên quá, ngạc nhiên vì cái đẹp cổ xưa vẫn còn nơi đây. Nhiều anh phải qua một quá trình sống, xung khắc, nếm đòn của cô vợ trẻ, ly dị, mất hết cửa nhà, tài sản vì cô vợ ghê gớm, cô vợ đẹp, nói cười thơn thớt mà ác độc bên trong, lúc đó mới hiểu thế nào là… gái Việt”.
- Xem thêm: “Luộc” ngàn độ vẫn ra… bà vợ
“Thế theo em, cô gái gọt khoai… làm các chàng Tây mơ ước, hay là cô gái năng động tự tin cá tính ghê gớm mới lôi cuốn đàn ông, ai đẹp hơn nào? Cứ phải hiện đại chạy theo anh chồng để anh ấy khỏi ngoại tình – như bài báo em đọc đó, ai đúng ai sai?” – Tôi vặn lại.
Cô ấy trả lời bằng một câu hỏi: “Thế anh yêu em vì cái gì mà sống với nhau đến bây giờ?”. Ai thế nào không biết, chứ tôi thì yêu cô ấy đâu phải vì cô ấy “tiến bộ” theo tôi. Mà từ khi quyết định lấy nhau, tôi chọn cô vì những đức tính căn bản, theo thời gian chúng càng khẳng định, càng không mất đi.
Tức là tôi yêu những giá trị cũ, có từ xưa, căn bản, chứ không phải những thứ hiện đại cô có sau này. Cái đó chỉ là giá trị thêm vào, như chất dinh dưỡng bồi bổ thêm cho cái gốc rễ vững bền.
Nghĩ thế, nhưng tôi không nói gì. Ngu sao nói ra cho vợ lên nước?