Trong tài liệu đánh giá về Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) tại Singapore cho rằng tại thời điểm này các cuộc đàm phán hiệp định này còn rất lâu mới hoàn tất, hạn chót năm 2017 chắc chắn không được bảo đảm cho thấy đây là lần lỗi hẹn thứ ba.
Theo ISEAS, các nhà đàm phán dường như hướng đến việc hoàn tất đàm phán vào năm 2018, tuy nhiên Bộ trưởng Thương mại Philippines Ramon Lopez sau cuộc họp giữa các bộ trưởng thương mại ASEAN vừa qua kết luận rằng một thỏa thuận RCEP có thể sẽ phải mất nhiều năm nếu các bên tham gia không có sự điều chỉnh trong những vấn đề đang được thảo luận. Nếu đàm phán được hoàn tất vào năm 2018, năm mà Singapore làm chủ tịch luân phiên ASEAN, việc thông qua thảo luận có thể sẽ mất thời gian ít nhất một năm và việc thực thi cũng chỉ được bắt đầu sớm nhất là vào năm 2020.
Sự thiếu chắc chắn trong giai đoạn cuối phản ánh những khó khăn trong đàm phán ở khu vực rộng lớn này do các nền kinh tế có những khởi điểm khác nhau. Nền kinh tế RCEP giàu có nhất có thu nhập quốc dân tính theo đầu người gấp 48 lần quốc gia nghèo nhất trong khu vực. Những sự khác biệt lớn nhất là giữa các quốc gia thành viên ASEAN kém phát triển nhất và Ấn Độ so với các nền kinh tế phát triển như Australia, Nhật Bản, New Zealand, Singapore, Hàn Quốc.
Các bên tham gia cũng có chính sách bảo hộ đối với những lĩnh vực kinh tế nhất định, đặc biệt là về dịch vụ và nông nghiệp. Với nông nghiệp, việc bảo đảm việc làm là cực kỳ quan trọng đối với các quốc gia này. Trong vấn đề tự do hóa lĩnh vực dịch vụ, sở hữu nước ngoài và dịch chuyển lao động luôn được đề cập trong một số thỏa thuận thương mại đã được hoàn tất trong khu vực. Hơn nữa, các nước tham gia RCEP không có hiệp ước thương mại với nhau (Ấn Độ – Trung Quốc, Nhật Bản – Trung Quốc, Nhật Bản – Hàn Quốc) và những vướng mắc song phương của các nước này đè nặng lên các cuộc đàm phán RCEP. Hiện nay Nhật Bản và Trung Quốc là hai nền kinh tế lớn nhất, sau đó đến Ấn Độ và Hàn Quốc.
Với tình hình đó, đàm phán RCEP không hề là một cuộc “dạo chơi trong công viên”. Nhiều vấn đề phức tạp sẽ diễn ra khi mà RCEP là một thỏa thuận toàn diện bao trùm thương mại trong hàng hóa và dịch vụ, tự do hóa đầu tư, chính sách cạnh tranh, quyền sở hữu trí tuệ, các doanh nghiệp vừa và nhỏ và hợp tác kinh tế kỹ thuật. Năm 2017, phạm vi của thỏa thuận đã được mở rộng với thương mại điện tử, mua sắm của chính phủ, vốn được bao gồm trong TPP, là hiệp định có sự hiện diện của bảy thành viên tham gia đàm phán RCEP.
- Đ.N theo Financial Times và Thương báo Hongkong