Đông đảo mọi người cho rằng học vấn cao là cánh cửa dẫn đến tương lai thành công. Cha mẹ thường khuyến khích, thậm chí ép buộc con cái học hành chăm chỉ ở bậc phổ thông để sau đó có thể vào được đại học. Trong vài tuần tới, rất nhiều học sinh của Việt Nam sẽ biết kết quả của kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2012 và chỉ có 20% thí sinh có khả năng thi đậu. Sẽ có rất nhiều nước mắt và nỗi buồn vì chỉ có những học sinh hàng đầu mới có cơ hội bước vào đại học để theo đuổi mục tiêu trở thành những nhà lãnh đạo trong tương lai.
Ở Việt Nam, học sinh lớp 12 phải vượt qua kỳ thi tốt nghiệp THPT rồi sau đó tiếp tục tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học. Đây là khoảng thời gian chịu nhiều áp lực với sinh viên, giáo viên và các nhà quản lý giáo dục vì có hơn cả một triệu học sinh tham gia các kỳ thi trong thời gian này. Chính vì số lượng trường đại học hạn chế nên cuộc thi trở nên khắc nghiệt. Nhiều học sinh sẽ mất cơ hội học lên cao. Với rất nhiều người, điều này đồng nghĩa với việc khó tìm được việc làm tốt.
Tại Anh, thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học có vẻ nhẹ nhàng hơn. Kỳ thi cấp độ A Level A (tương đương với kỳ thi tốt nghiệp ở Việt Nam) vừa là kỳ thi tốt nghiệp phổ thông, vừa có ý nghĩa trong việc sử dụng kết quả cho đầu vào đại học. Số lượng các trường đại học ở Anh rất nhiều nên lúc nào cũng có đủ chỗ trong các trường đại học cho học sinh. Tất nhiên chất lượng các trường khác nhau. Tùy theo học lực của mình ở bậc phổ thông, học sinh sẽ được xếp vào trường phù hợp.
Thủ tục đăng ký thường bắt đầu từ tháng 11. Khi đó, phần lớn các học sinh phổ thông bắt đầu tìm hiểu những trường đại học khác nhau trong nước để quyết định học ở đâu và chọn chương trình nào. Sau đó, từ giữa tháng 12 đến tháng 1, học sinh sẽ gửi đơn tới các trường đại học. Thường thì các em gửi đơn cho sáu trường, trong đó sắp xếp thứ tự ưu tiên các nguyện vọng. Vào thời gian này, học sinh sẽ có điểm GSCE (kỳ thi toàn quốc kiểm tra trình độ lúc 16 tuổi) và điểm thi trình độ AS có giá trị bằng một nửa trình độ A diễn ra vào mùa hè trước đó. Dựa vào điểm số từ các kỳ thi hoặc những cuộc phỏng vấn, các trường đại học sẽ lựa chọn học sinh phù hợp. Trường đại học chất lượng càng tốt thì càng yêu cầu điểm cao.
Sau đó trong tháng 6 và 7, các em học sinh dự kỳ thi cấp độ A. Kết quả thường được công bố vào đầu tháng 8. Nếu đạt kết quả như yêu cầu, các em được đảm bảo sẽ có một chỗ trong trường đại học mà mình đã chọn. Nếu có điểm thấp hơn yêu cầu, việc được nhận hay không còn tùy thuộc vào số lượng học sinh đăng ký và cả kết quả của những em đó. Ví dụ như trong trường hợp của tôi, mặc dù điểm thiếu một bậc nhưng tôi vẫn được chấp nhận vào trường đại học mình mong muốn với mức AAB thay vì mức AAA. Còn nếu có bị từ chối, tôi vẫn có một suất vào một trường khác ở mức BBB mà không cần tham gia thêm bất cứ kỳ thi nào. Với những học sinh không đậu cả nguyện vọng 1 lẫn nguyện vọng 2, các em vẫn có thể đăng ký vào các trường đại học còn trống chỗ.
Theo tôi, hệ thống thi cử này khá hợp lý vì kết quả học phổ thông cũng là tiêu chuẩn để lựa chọn vào đại học. Học sinh ở Việt Nam có vẻ vất vả hơn vì phải tham dự hai kỳ thi riêng biệt, nhưng biết làm sao được. Tôi chúc các bạn thí sinh năm nay may mắn. Thật sự tôi cũng cảm thấy mình may mắn vì không còn phải tham gia thêm bất cứ kỳ thi nào nữa!
Theo Mark Jones (DNSGCT 454)