Trong nhiều thế kỷ, biển cả là nơi cướp biển hoành hành, nơi diễn ra những trận hải chiến đẫm máu và những vụ buôn bán nô lệ vùi dập hàng triệu cuộc đời. Những năm 1650-1900, đã có hơn 10 triệu nô lệ châu Phi được đưa đến châu Mỹ, rất nhiều người trong số đó đã bỏ mạng trên các hải trình gian khổ vượt Đại Tây Dương.
Cũng trong thời gian trên, 8 triệu người Đông Phi bị bắt làm nô lệ, bị chở sang Trung Đông và châu Á xuyên qua Ấn Độ Dương. Anh, Pháp, Tây Ban Nha còn đưa tù chính trị, những người bị “thất sủng”… sang các xứ thuộc địa của họ.
Những năm 1788-1868, chính phủ Anh đã đưa 160.000 tù nhân sang các vùng đất thuộc địa ở Úc. Sau này, dù chế độ nô lệ không còn tồn tại song những chuyến tàu chở lực lượng lao động rẻ từ các thuộc địa lại vượt đại dương sang chính quốc, góp công sức vào công cuộc phát triển kinh tế ở các nước công nghiệp phương Tây.
Người chủ sử dụng lao động thanh toán chi phí cho chuyến vượt biển, còn người lao động không được trả lương, chỉ được cung cấp thức ăn và chỗ ở. Hàng triệu người đã ra đi trong những điều kiện như thế, chủ yếu là người châu Á.
Ngày nay, biển cả còn là mồ chôn của nhiều thành phần cư dân khác trên hành tinh. Đó là những phận người khốn khổ bị chiến tranh và cái nghèo cùng cực đe dọa mạng sống, không còn tìm được cơ may đổi đời nào ngay trên đất nước của mình. Họ bám vào những chiếc thuyền đủ cỡ vượt đại dương, mong tìm miền đất hứa, chấp nhận trả giá cho những chuyến vượt biển bằng chính mạng sống của mình.
Hằng năm, vào “Ngày tỵ nạn thế giới” 20-6, tổ chức United for Intercultural Action lại phổ biến một “danh sách tử thần” (List of Deaths), tóm lược những thông tin thu thập từ 48 nước, cùng kết quả khảo sát của các chuyên gia, các nhà báo, các nhà nghiên cứu trong lãnh vực di dân. “Danh sách tử thần” năm 2018 ghi nhận 27.000 người tỵ nạn chết trên biển từ năm 1993 đến nay.
Theo Tổ chức Di trú Quốc tế, tổng số người thiệt mạng và mất tích trên tất cả các tuyến đường di cư trên toàn thế giới trong năm 2018 là hơn 4.500 người. Trong đó, tuyến đường qua Địa Trung Hải có số người thiệt mạng và mất tích cao nhất: 2.242 người.
- Xem thêm: Những nô lệ của biển cả tại Bangladesh
Dù vậy, biển cả đã góp phần củng cố niềm hy vọng vào sự gắn kết và phát triển của cộng đồng quốc tế, là một trong những phương tiện giao thông và trao đổi thương mại quan trọng bậc nhất, và cũng là môi trường chuyển tiếp văn hóa cũng như những phát minh khoa học của loài người kể từ những nền văn minh sớm nhất của nhân loại.
Từ xa xưa, người Ả Rập, La Mã, châu Phi và cả người Trung Hoa, thường lợi dụng gió mùa và những dòng chảy qua xích đạo để liên lạc với nhau, trao đổi sản phẩm làm ra và quảng bá nền văn hóa của họ đến các vùng đất khác.