Theo những thống kê do Liên Hiệp Quốc phổ biến, hiện có gần 40% dân số thế giới sống trong những khu vực nằm cách bờ biển trong vòng 100km. Khối người này lại tăng trưởng nhanh hơn và hứng chịu nhiều hơn những tác động bất lợi của sự thay đổi khí hậu toàn cầu so với số còn lại trên hành tinh. Điều này không khó lý giải: sự nóng lên của khí hậu khiến nước biển dâng cao, tác động mạnh lên những vùng đất nông nghiệp ven biển, gây ngập úng, nhiễm mặn, lụt lội…
Một trong những tổ chức đang chú tâm cứu vãn cuộc sống của thành phần dân nghèo ở các vùng ven biển là Quỹ Quốc tế Phát triển Nông nghiệp (IFAD: International Fund for Agricultural Development). Mục tiêu chính của quỹ là xây dựng những biện pháp nông nghiệp bền vững, vừa giúp người dân ổn định cuộc sống vừa bảo vệ tài nguyên và môi trường vốn là những điều kiện thiết yếu trong đời sống của họ. Hiện nay, người dân sống ven biển có những cung cách sinh hoạt không phù hợp như phá hủy các rặng san hô, làm suy kiệt trữ lượng một số loài cá, đốn bỏ các rừng đước khiến tình trạng lụt lội ngày càng gia tăng, đất bị xói mòn, giông bão trở nên hung bạo hơn, có sức tàn phá mạnh hơn…
Thời gian qua, trong khuôn khổ Dự án Phát triển Cộng đồng Ven biển, IFAD đã giới thiệu với trên 180 ngôi làng ở Indonesia những sáng kiến về đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, giúp các hoạt động này đạt được hiệu quả cao hơn và bền vững hơn. Tổ chức này cung cấp kỹ thuật cấp đông sản phẩm, huấn luyện ngư dân chế biến một số sản phẩm có giá trị tiêu thụ cao như bột cá, cá khô, hạn chế đến mức thấp nhất những lãng phí, tiêu hao nguyên liệu trong quá trình chế biến và bảo quản. Thiếu thốn phương tiện trữ lạnh và nhu cầu thấp đang là những trở lực lớn cho việc phát triển đời sống của cư dân nghèo ven biển.
- Xem thêm: Những nô lệ của biển cả tại Bangladesh
Trong quá trình hoạt động, IFAD đã chi 1/3 số vốn 2,7 tỉ USD cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương để cải thiện đời sống của hơn 15 triệu người dân sống cách bờ biển trong vòng 5km. Sau 40 năm làm việc với thành phần nông dân nghèo trên khắp thế giới, IFAD nhận ra rằng không ai muốn đương đầu với những thách thức của sự biến đổi khí hậu một cách đơn độc. Sự hợp tác trên bình diện quốc gia và khu vực là điều hết sức cần thiết, giúp nông thôn, nhất là những vùng nông thôn ven biển, gia tăng sản lượng nông, thủy sản thu hoạch được, hạ giảm số người nghèo, đồng thời bảo vệ các nguồn tài nguyên đang có chiều hướng sút giảm trên khắp thế giới.