Đại dịch COVID-19 bắt nguồn từ Vũ Hán, Trung Quốc đến nay gần hai năm, đã gây tổn thất cho cả thế giới không thể đo đếm hết được. Tổn thất xã hội trên nhiều phương diện, trong đó tổn thương tâm, sinh lý con người ở nhiều mức độ khác nhau phải được nhận diện đầy đủ để có thể hỗ trợ kịp thời, phục hồi những sang chấn tâm sinh lý, ổn định xã hội, góp phần “bình thường mới” cuộc sống người dân sau đại dịch.
Cách ly càng lâu, bất ổn tâm lý càng tăng
Trước COVID-19, thống kê từ Úc, mức độ đau khổ tâm lý trong dân số chiếm 10,8% (năm 2011-2012), 11,7% (năm 2014-2015), 13% (2017-2018), nhưng tăng nhiều sau đại dịch COVID-19. Nhằm ứng phó với COVID-19, Chính phủ Úc đã ban bố các biện pháp cách ly xã hội để giúp kiểm soát chặt chẽ sự lây lan. Do đó sự cô lập xã hội gia tăng và hạn chế khả năng tiếp cận của các cá nhân với sự hỗ trợ xã hội từ bạn bè, gia đình và các mạng xã hội mở rộng của họ.
Kết quả là, các cá nhân phải điều chỉnh dẫn tới tăng cảm giác cô đơn, lo lắng, thất vọng và trầm cảm. Những người không thể đối phó hiệu quả với những cảm xúc tiêu cực (tức là có tâm lý kém linh hoạt), thiếu sự hỗ trợ của xã hội thì mức độ phục hồi thấp hơn, có nhiều khả năng bị đau khổ tâm lý và các vấn đề sức khỏe tâm thần.
Những con số này tương tự ở các quốc gia khác: Canada 12%, Anh 18,3% và Trung Quốc 14,7%. Tại Hoa Kỳ, sau COVID-19, tỷ lệ dân số mắc các chứng rối loạn lo âu, trầm cảm tăng lên 26-36,2% (tùy bang) so với con số 8,7% vào giai đoạn 2011-2012 (số liệu từ Trung tâm Thống kê Sức khỏe quốc gia – NCHS).
Từ khi bùng phát COVID-19, mức độ đau khổ tâm lý trong cộng đồng dân cư gia tăng, có thể dẫn đến giảm hiệu suất làm việc và học tập, phát triển các hành vi không lành mạnh (hút thuốc, uống rượu, ăn uống thiếu vệ sinh) và tăng nguy cơ phát triển các vấn đề sức khỏe tâm thần. Các nghiên cứu ở châu Âu cũng cho thấy mức độ đau khổ tâm lý cao hơn trong đại dịch COVID-19. Năm 2020, 50% dân số trong một nghiên cứu của Đức và 41,8% dân số trong một nghiên cứu ở Ý báo cáo họ bị lo âu, trầm cảm và đau khổ liên quan đến COVID-19.
- Xem thêm: Những chấn thương tâm lý thời dịch bệnh
Tuy nhiên, yếu tố dự báo mạnh nhất về tình trạng đau khổ tâm lý trong đại dịch COVID-19 dường như là tác động của việc cách ly và cô lập xã hội. Kết quả nghiên cứu khẳng định rằng thời gian cách ly càng dài, nguy cơ phát triển các vấn đề sức khỏe tâm thần tiêu cực càng cao. Một nghiên cứu chỉ ra rằng cách ly kéo dài hơn 10 ngày làm tăng đáng kể nguy cơ phát triển các triệu chứng căng thẳng tâm lý và căng thẳng sau chấn thương ở mức độ cao. Do thời gian cách ly đối với COVID-19 là 14 ngày và sự cô lập xã hội liên tục với những người khác, tình trạng đau khổ tâm lý có thể tiếp tục gia tăng.
Di chứng tâm thần hậu COVID-19
Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới (1947), “sức khỏe là hoàn toàn thoải mái cả về thể chất, tinh thần lẫn xã hội, không chỉ là không có bệnh tật”. Ba yếu tố này gắn chặt với nhau, không thể tách rời.
Coronavirus (SARS-COV-2) xâm nhập cơ thể người, ảnh hưởng thể chất (sinh lý) người đó, họ có những triệu chứng như sốt, ho, tức ngực, đau đầu, mất khứu giác, vị giác, rối loạn tiêu hoá… có thể dẫn đến tử vong. Tâm lý người bị nhiễm COVID-19 trở nên căng thẳng, lo sợ, sợ chết, sợ những di chứng, sợ lây cho người nhà, hàng xóm, cơ quan, tổ chức, sợ mất việc, thất nghiệp, sợ bị kỳ thị, sợ đói khổ… Nỗi lo sợ càng lớn dần, gây mất ngủ, đau đầu, ăn kém, sụt cân, suy giảm hệ miễn dịch, nên bệnh càng dễ chuyển nặng hơn.
Khi bị đưa vào khu cách ly tập trung, khu điều trị dã chiến, bệnh viện điều trị COVID-19, người bệnh COVID-19 xa nhà, ở nơi lạ lẫm, bị quản thúc, mọi tiện nghi bị hạn chế; được theo dõi, xét nghiệm và điều trị theo những phác đồ phù hợp; làm đảo lộn mọi thói quen hàng ngày, đời sống xã hội của chính họ được thiết lập lại theo một trật tự mới. Giãn cách xã hội theo quy định kéo dài, thay đổi nhiều mức độ 15, 16, 16+, nâng cao… dù đã trở về âm tính với virus nhưng sau đó vẫn khó giao tiếp xã hội bình thường. Đời sống xã hội cá nhân bị ảnh hưởng làm họ càng trở nên cảm thấy bị tù túng, tâm lý khó chịu, bị ức chế, căng thẳng, khó giải tỏa. Bệnh tật thể chất trong hoàn cảnh này cũng sẽ bất ổn thêm.
Yếu tố dự báo mạnh nhất về tình trạng đau khổ tâm lý trong đại dịch COVID-19 dường như là tác động của việc cách ly và cô lập xã hội.
Bên cạnh đó, nhiều người lớn tuổi (hơn 60 tuổi), có thể mắc các bệnh nền đã và đang điều trị, như tim mạch, ung thư, thận mãn, đái tháo đường, thần kinh, rối loạn chuyển hóa… đang dùng thuốc hàng ngày, tái khám định kỳ, nay bị nhiễm COVID-19 nên việc điều trị các bệnh nền bị gián đoạn, rất nguy hiểm. Các bệnh nhân xét nghiệm dương tính với COVID-19 bị tử vong thì được cho là chết do COVID-19, thực ra, trong số đó, có thể nguyên nhân chính chết vì bệnh nền vốn có, coronavirus chỉ là yếu tố thêm vào.
Coronavirus đã gây tổn hại trên cả ba mặt của sức khỏe con người. Tổn thương tâm, sinh lý do đại dịch COVID-19, theo y văn, không dừng lại khi đại dịch chấm dứt mà còn có thể kéo dài nhiều tháng năm sau đó. Các ghi nhận từ Mỹ, châu Âu, Trung Quốc cho thấy sau khi test COVID-19 trở về âm tính, 25% số bệnh nhân vẫn còn các triệu chứng thể chất như mất mùi, vị giác, mệt mỏi, yếu cơ. Một số có tổn thương da, mất ngủ, đau đầu căng thẳng, rối loạn tiêu hóa dai dẳng. Từ đó, đã có những trung tâm xử lý các vấn đề hậu COVID-19 được lập ra để nghiên cứu và trị liệu cho những người này.
Cận cảnh nỗi lòng
Người nhà bệnh nhân bị nhiễm COVID-19. Họ lo lắng không rõ mình và những thành viên khác trong nhà có bị lây không, có bị cách ly không, nếu đi cách ly thì con trẻ ai chăm, những người già còn lại ai săn sóc… Họ lo lắng căng thẳng cho người nhà là bệnh nhân ở khu cách ly, khu hồi sức, phải thở máy, thở mask, không giao tiếp được với thân nhân bên ngoài, sống chết không rõ. Đến khi nhận tin bệnh nhân tử vong đột ngột, thật sự là một cú sốc với gia đình. Chờ mãi, thì nhận được một hũ tro cốt, quả là đau đớn khôn cùng.
Vụ khủng bố 11.9.2001 tại Mỹ, tòa tháp đôi bị tấn công, gần 3.000 người bị thiệt mạng, gần 6.000 người bị thương, đã làm cho cả thế giới bàng hoàng, gia đình của nhiều người Mỹ vẫn chưa thể nguôi ngoai trong hơn 20 năm qua. Đợt đại dịch COVID-19 thứ 4 này, trong 4 tháng, khoảng 15.000 người Việt Nam đã tử vong, gấp 5 lần số tử vong tại Mỹ ngày 11.9, nỗi đau này không chỉ riêng người thân của bệnh nhân mà của tất cả chúng ta.
Nhân viên y tế. Những người trực tiếp làm việc trong các khu hồi sức bệnh nhân COVID-19, trong môi trường dày đặc virus, nguy cơ lây nhiễm cao. Họ phải làm việc với cường độ rất cao 200 – 500% sức lực, trong thời gian liên tục, mặc PPE nóng mất nước, ăn uống không đầy đủ, kiệt sức. Điều kiện trang thiết bị thiếu thốn, bản thân họ chứng kiến nhiều bệnh nhân chết mà không cứu được. Có khi họ bị kỳ thị, xa lánh từ ngay cả người thân vì sợ bị lây nhiễm. Thu nhập của nhân viên y tế bị giảm gần phân nửa. Tất cả họ, ngoài những căng thẳng vốn có, giờ đây, trong đại dịch họ lại càng thêm căng thẳng.
Những nhà quản lý y tế. Ban giám đốc bệnh viện công, tư lại càng căng thẳng hơn lúc nào hết. Ngày thường, họ lo quản lý, phát triển đơn vị, lo cho bệnh nhân, người nhà và lo đời sống của nhân viên, có bệnh viện lên đến 3.000 – 4.000 nhân viên. Mọi nguồn thu trong đại dịch COVID-19 xem như gần về zero; giãn cách càng lâu, đơn vị khó bề hoạt động được. Nhân sự bệnh viện phải chia sẻ ra nhiều cho công tác phòng chống dịch, lại phải lo an toàn cho họ, đảm bảo đời sống cho họ và gia đình. Tất cả các trị liệu, chủng ngừa, trang bị phục vụ phòng chống dịch hoàn toàn không được thu phí. Hiện tại, chính sách vẫn chưa có hướng giúp các đơn vị hoạt động thuận lợi. Do vậy, các giám đốc đơn vị rất lo lắng, căng thẳng, đáng thương và cần được chia sẻ.
Trẻ em trong đại dịch COVID-19. Trẻ nhỏ chưa đến trường, có thể chưa ý thức nhiều việc giãn cách, nhưng một số trẻ có thể đặt những câu hỏi cho bố mẹ khi thấy có sự khác biệt nhiều so với trước. Ví dụ, tại sao mình không đi siêu thị mua đồ chơi, không ra ngoài đường? Tại sao mình lại ở trong nhà mãi? Tại sao mình không đi thăm ông bà? Trẻ độ tuổi đi học thì không được đến trường, phải học qua mạng, có trẻ con nhà nghèo không có máy tính để học, có trẻ không thể ngồi học mãi với máy, mất hứng thú, chai lì với việc học, có trẻ lại dùng máy chơi game nhiều… Kết quả học tập không cao. Mắt bị ảnh hưởng không tốt khi phải sử dụng máy nhiều… Giao tiếp và ngôn ngữ trở nên lúng túng, thiếu tự tin.
Những sang chấn tâm sinh lý không chỉ trong giai đoạn đại dịch mà còn có thể kéo dài nhiều tháng năm sau đó.
Người lớn tuổi đơn độc, người khuyết tật là những đối tượng dễ tổn thương nhất vì COVID-19. Các đối tượng này khi bị mắc COVID-19 dễ chuyển nặng hoặc dễ tử vong. Giãn cách xã hội, cách ly, làm cho con cháu khó lui tới chăm sóc, hàng xóm không thể viếng thăm nhau, không tham gia thể dục và các sinh hoạt khác, làm cho đời sống tinh thần bị sa sút.
Khi hết thuốc điều trị bệnh nền, họ không thể tái khám định kỳ nên bệnh nền dễ biến chứng nặng. Cô đơn làm họ buồn phiền. Lo sợ nhiễm COVID-19, sợ chết cô đơn, làm cho họ càng thêm lo âu, mất ngủ, trầm cảm. Điều đáng nói, người khuyết tật có thể bị hạn chế sử dụng các thiết bị công nghệ, không tiếp thu được hướng dẫn phòng chống, điều trị COVID-19 nên nhận thức có thể không đúng và hành vi không phù hợp để bảo vệ.
Những sang chấn tâm sinh lý không chỉ trong giai đoạn đại dịch mà còn có thể kéo dài nhiều tháng năm sau đó. Do vậy, cần có các chương trình nghiên cứu nhằm tìm hiểu, phân tích, đánh giá toàn diện các vấn đề sức khỏe tâm thần liên quan COVID-19. Từ đó, có thể triển khai các chương trình hỗ trợ sức khỏe tinh thần, can thiệp các rối loạn tâm lý, tâm thần nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng sống của người dân sau đại dịch.
Trước mắt, ngành y tế cần tập trung phòng chống tốt đại dịch COVID-19, nhằm làm giảm tỷ lệ tử vong, giảm chuyển độ nặng để bớt gánh nặng cho khối điều trị hồi sức, giảm quá tải cho nhân viên y tế. Song song đó, cần tổ chức tốt các đơn vị, tổ chức, hội đoàn của các tâm lý gia, các bác sĩ tâm thần, các chuyên viên tâm lý, công tác xã hội, các tu sĩ đạo Phật, Công giáo tham gia vào việc hỗ trợ tâm lý xã hội cho người dân. Thông qua các chương trình tham vấn online, tham vấn trực tiếp cho những trường hợp đặc biệt, cung cấp các tài liệu hỗ trợ, kiểm soát căng thẳng, hướng dẫn thư giãn, tổ chức thảo luận nhóm online, chia sẻ kinh nghiệm, giáo dục sức khỏe tâm lý xã hội cộng đồng qua nhiều kênh truyền thông.
Những lưu ý đối với mỗi cá nhân, nhằm giảm nguy cơ mắc các rối loạn tâm lý, tâm thần
1. Giữ liên lạc, chia sẻ cảm xúc với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp qua điện thoại, email.
2. Giữ thói quen hàng ngày, ăn, uống, ngủ, nghỉ, sinh hoạt điều độ, tập thể dục, thư giãn, giải trí, cười nhiều, tập chánh niệm, tâm linh hoặc tôn giáo.
3. Tử tế với bản thân, làm vừa sức, tập trung vào những việc có ý nghĩa, như lau chùi, trang hoàng nhà cửa.
4. Chú ý đến nhu cầu, cảm xúc và suy nghĩ của chính bạn, nhận biết căng thẳng, lo lắng, buồn bã và lưu ý rằng nhiều người cũng có trải nghiệm tương tự.
5. Dành thời gian cho sự sáng tạo và thể hiện bản thân như làm thơ, viết văn, âm nhạc, đàn hát, thêu thùa, vẽ, tạc tượng…
6. Tự hào về những thành tựu nhỏ và những gì bạn đã có thể vượt qua trong giai đoạn khó khăn này.
7. Dùng thuốc theo toa và các hướng dẫn từ bác sĩ chữa trị bệnh nền cho bạn.
8. Hòa đồng, thân thiện chăm sóc người khác, lắng nghe họ thực sự và trợ giúp thiết thực nếu có thể.
9. Thực hiện theo lời khuyên từ các cơ quan y tế có trách nhiệm.
10. Tránh tiếp xúc với những tin tức đáng sợ, liên quan đến đại dịch.
11. Tránh ở một mình trong thời gian dài.
12. Tránh phân biệt đối xử hoặc đổ lỗi cho người khác.
13. Tránh che giấu thông tin, khi trò chuyện với trẻ, giải thích tình huống bằng ngôn ngữ dễ tiếp cận, giữ thói quen, duy trì thói quen sinh hoạt gia đình, dành thời gian giải trí và chơi game, hiểu rõ những thay đổi và thất vọng trong cảm xúc của trẻ, khuyến khích trẻ tập thể dục…
14. Hãy suy ngẫm điều gì thực sự quan trọng với bạn và làm thế nào để bạn sống có ý nghĩa.
15. Hãy biết ơn những khoảnh khắc nhỏ trong cuộc sống.
16. Hãy lập kế hoạch cho tương lai sau đại dịch.