Có thể gọi những chuyên viên, công chức văn khố ở Đà Lạt một thời là “những người muôn năm cũ”, đúng như câu thơ Vũ Đình Liên. Với công việc lặng lẽ và đầy trách nhiệm, họ làm nên một phần của bầu không khí trí thức Đà Lạt ngày hôm qua.
Những công chức, học giả
Quyết định có lợi cho văn hóa về sau: di chuyển những cổ vật và tàng thư triều Nguyễn từ Huế lên Đà Lạt với ý định sẽ xây dựng một quốc khố ở thành phố cao nguyên được thực hiện vào đầu thập niên 1960(1), và theo đó, là một chương trình tổ chức nhân sự khá bài bản để đảm bảo tiếp tục các hoạt động chuyên môn.
Những chuyên viên Hán-Nôm, nhà giáo, công chức thời cũ (từng làm việc dưới thời Hoàng triều cương thổ, kể cả trước đó) có nhiệt tâm bảo tồn, nghiên cứu sử liệu, cổ học nói chung, di sản văn hóa nói riêng đang sống ở Đà Lạt đã được quy tụ lại trong những thư phòng tĩnh lặng của Chi nhánh Văn khố và Thư viện Quốc gia Đà Lạt. Họ phủi lớp bụi thời gian trên những tài liệu ngự lãm, châu bản, mộc bản vô giá của tiền nhân để in ấn, chú giải và hệ thống lại, giúp cho hậu duệ có thể được tiếp cận khối sử liệu này một cách dễ dàng.
Trong số những người điều hành Chi nhánh Văn khố này, cái tên đầu tiên cần phải nhắc đến, đó là ông Phạm Như Phiên. Từ ngày 7 đến 11.4.1960, ông Phiên trong tư cách là Nguyên Đại biểu Cao nguyên Trung phần đã cùng với ông Nguyễn Gia Phương (Phó Giám đốc Nha Văn khố và Thư viện Quốc gia) và ông Lê Phục Thiện (Chuyên viên Hán tự Viện Khảo cổ) đã đến Huế để khảo sát và lập kế hoạch di chuyển khối tài liệu quý từ Huế lên Đà Lạt. Về sau, họ thống nhất phương án thực hiện bằng xe lửa.
Ông Phạm Như Phiên là một công chức, trí thức được nhiều người cựu trào ở Đà Lạt biết đến. Ông sinh ngày 5.5.1908 tại Quảng Trị; con ông Phạm Như Bích và bà Tống Thị Tú; vợ là bà Mai Thị Thu Nguyệt. Ông đỗ Tú tài Tây học, Pháp văn; từng làm Tham tán Tòa Khâm sứ Huế (1920-1934), Tri huyện Phù Cát, Tri phủ Điện Bàn, Bình Sơn, giữ chức Án sát, Bố chánh Quảng Ngãi (1934-1945), Chánh án Tòa Thừa Thiên (1947-1948). Đến Đà Lạt, ông làm Giám đốc Văn hóa Xã hội văn phòng Đà Lạt, Đặc Ủy viên Văn phòng tại Sài Gòn, Thanh tra Hành chánh Hoàng triều cương thổ (1949-1956) và là Đại biểu Chính phủ Cao nguyên Trung phần (1956-1960).
Sau khi về hưu, ông Phạm Như Phiên vẫn giữ chức Đốc sự Thượng hạng, Ngoại hạng Chi nhánh Văn khố và Thư viện Quốc gia Đà Lạt. Gia đình ông ở nhà số 204A Phan Đình Phùng; về sau có văn phòng riêng ở số 7, Quang Trung. Ông hồi hưu năm 1963.
Trong nhóm quản lý Chi nhánh Văn khố Đà Lạt sau ông Phạm Như Phiên, có thể kể đến các ông Phạm Hữu Quận (sinh 1920) và ông Lê Thêm (sinh 1909) đều là những Chủ sự có trách nhiệm lèo lái hoạt động của cơ quan này trong những bối cảnh chiến tranh, khá khó khăn về lưu trữ.
Từ bậc danh nho lão thành đến Tây học
Một trong những danh nho được giới Hán Nôm và nghiên cứu Đại học trong thành phố kính trọng vào thời điểm bấy giờ, đó là cụ Ưng Bang.
Cụ Bang được biết đến như một trụ cột về Hán học của Chi nhánh Văn khố Đà Lạt, bên cạnh ông Hồ Văn Đàm. Cụ Ưng Bang sinh năm 1892 tại An Cựu, Thừa Thiên Huế, Tú tài Hán học, Tri phủ Trí sự. Trong một văn bản ghi ngày 23.2.1961, Chủ sự Phạm Như Phiên gửi Nha Giám đốc Văn khố và Thư viện Quốc gia tại Sài Gòn đề nghị tuyển dụng chuyên viên Hán học này về đảm nhiệm chuyên môn tại Chi nhánh Văn khố Đà Lạt.
Văn bản có đoạn đánh giá: “Khối lượng tài liệu trên 10.000 địa bộ các tỉnh Bắc, Trung, Nam, 3.000 sách chữ Hán và chữ Nôm đủ loại, trên 60.000 tấm mộc bản, trên 600 sách ngự lãm, trên 500 châu bản… mà chỉ có ông Hồ Văn Đàm là chuyên viên Hán học thì khó đảm bảo”. Ông Phiên cho rằng, cần tuyển thêm cụ Ưng Bang để hệ thống tài liệu, biên tập nhãn sách, khắc lồi mộc bản để in. Lúc bấy giờ, cụ Ưng Bang được ông ghi nhận là “một bậc danh nho lão thành thuần cẩn để phụ tá ông Hồ Văn Đàm chuyên trách các việc trên”. Ông Phiên đưa ra mức lương khoán cho chuyên viên đặc biệt này mỗi tháng 4.500 đồng.
Lúc bấy giờ, gia đình cụ Bang ở số 18, đường Võ Tánh, Đà Lạt (nay là Bùi Thị Xuân). Cụ cộng tác với Chi nhánh Văn khố đến 1.9.1965 thì xin nghỉ, vì vấn đề sức khỏe.
Một trí thức Tây học từng giữ những chức vụ cao ở Văn phòng Quốc trưởng trong thời Hoàng triều cương thổ, tuy lặng lẽ nhưng đã cất công vận chuyển kho tài liệu văn khố từ Đà Lạt về Sài Gòn trong những ngày cuối tháng 3.1975 đầy bom lửa, đó chính là ông Phạm Lê Thúc. Trong những tài liệu khác, người viết đã tìm thấy một vài manh mối thú vị: thời gian đi lại giảng dạy ở Viện Đại học Đà Lạt, nhà văn, kịch tác gia nổi tiếng miền Nam Vũ Khắc Khoan đã thường xuyên lui tới nhà riêng của ông Thúc chứng tỏ giữa họ có một mối quan hệ thân tình.
Ông Phạm Lê Thúc sinh ngày 16.11.1917 tại Hà Nội; con của ông Phạm Lê Thu và bà Nguyễn Thị Cúc; vợ là Phạm Thị Ninh. Vào thời điểm đầu thập niên 1960, ông bà Thúc có ba người con. Ông thạo ngoại ngữ Anh, Pháp; được tuyển vào ngạch Thư ký hạng 4 từ 1.12.1954.
Trong thời Hoàng triều cương thổ, ông giữ chức Thư ký Văn phòng Quốc trưởng (từ 2.5.1952 đến 30.11.1954). Sau đó, ông là Thư ký hạng 4 Tòa Đại biểu Chánh phủ Cao nguyên Miền Nam (1.7.1955 đến 31.10.1956) và Thư ký hạng 3 (từ 1.1.1957 đến 31.12.1958) tại Tòa Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Jakarta (từ 1.11.1956 đến 19.3.1957). Ông trở lại Đà Lạt và là Thư ký Hành chánh Tòa đại biểu Cao nguyên Trung phần, Thư ký Hành chánh hạng 1 tại Nha Tổng Giám đốc Công vụ, Thư ký hành chánh thượng hạng hạng 4 Nha Văn khố và Thư viện quốc gia, Thư ký hành chánh thượng hạng…
Ông được xem là một công chức nhiều kinh nghiệm về hành chánh lại là chuyên viên về lưu trữ văn khố và thư viện. Trong một văn bản lưu trữ về nhân sự Chi nhánh Văn khố Đà Lạt vào giữa thập niên 1960, có ghi: “Ngoài công việc chuyên môn tại chi nhánh, đương sự (Phạm Lê Thúc) phụ trách việc giao dịch với cơ quan chính quyền địa phương và đã giúp nhiều cho Chi nhánh Văn khố Đà Lạt, nhất là trong việc tìm kiếm nơi làm trụ sở tương lai cho Chi nhánh”.
- Xem thêm: Nên thơ và khoáng đạt rừng núi Di Linh
Như vậy, có thể hình dung được rằng, Chi nhánh Văn khố, tuy chỉ hoạt động trong một khoảng thời gian rất ngắn tại Đà Lạt, trong một hoàn cảnh đặc biệt, nhưng ở đó đã là một mái nhà tịnh mặc cho những công chức tận tụy, những chuyên viên thuần cẩn và những nhân sĩ có trách nhiệm với di sản ngôn ngữ, văn hóa gặp gỡ. Sự mẫn cán và trách nhiệm của họ bên những nguồn quốc khố phủ bụi thời gian đã tạo nên chiều sâu của đời sống trí thức một thời của thành phố. Họ đã chuyển tiếp cho tương lai những giá trị di sản vô giá của tiền nhân.
(1) Quá trình di chuyển khối di sản, sắp xếp, tổ chức hoạt động, xin đọc thêm ở hai cuốn: Đà Lạt, một thời hương xa và Đà Lạt, bên dưới sương mù – sách cùng tác giả bài viết.