Thế nhưng kế hoạch ấy cũng tương tự đợt tổng thu mua trái phiếu thực hiện bởi Cục Dự trữ liên bang Mỹ cách đây bốn năm, xem ra quá trễ và quá nhỏ bé.
Theo giới kinh tế học làm việc tại Commerzbank Seccurities, chỉ cắt giảm lãi suất hay thắt chặt tín dụng là không đủ để cứu châu Âu và nếu giới hoạch định chính sách muốn tìm một phương pháp tiền tệ hiệu quả hơn nữa thì xem ra, họ đã hết cách. Đồng thời, châu Âu cũng chẳng còn thời gian để sửa chữa lỗi lầm, bởi những cố gắng cải thiện tình hình suốt hai năm qua đã là quá đủ. Theo một báo cáo công bố đầu tuần qua, ngành sản xuất trên khắp châu lục này đã sa sút mạnh trong tháng 8, sa sút hơn bất kỳ giai đoạn nào trước đó và đã có đủ dấu hiệu cho thấy cuộc suy thoái đang bắt đầu đe dọa đến hai nền kinh tế khỏe nhất khu vực là Đức và Pháp, nói gì đến các thành viên vừa nhỏ vừa yếu hơn trong Eurozone. Không chỉ hạ gục Hy Lạp hay Ireland và Iceland trước đó, cơn bão tài chính đang khiến giới đầu tư tháo chạy khỏi những nền kinh tế tương đối ổn định hơn như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Ý.
Tháng trước, ông Mario Draghi – Giám đốc ECB đã nỗ lực kéo dài thời gian trấn an các nước với lời cam kết sẽ làm mọi cách để cứu rỗi đồng euro, nhưng giờ đây, những gì ông công bố vẫn chỉ là một kế hoạch mua trái phiếu mới với kỳ vọng sẽ kéo dài sức chịu đựng và sự tồn tại của đồng tiền này để mong không một thành viên nào bị “trục xuất” khỏi Eurozone. Một mặt, ECB sẽ tiếp tục bị đau đầu với nợ nần của các quốc gia đã ngập nợ, mặt khác họ phải tìm cách góp quỹ cho các thành viên giàu, bao gồm Đức, Áo, Phần Lan và Hà Lan, từ đó sẽ đưa đến một cuộc tranh giành nguồn quỹ tiền mặt mà ECB là người cầm còi. Cũng do sự căng thẳng ấy, tổ chức chuyên đánh giá mức độ an toàn về tín dụng Moody đã hạ thấp triển vọng của trái phiếu châu Âu, đe dọa sẽ cắt giảm mức AAA hiện tại, góp phần gây áp lực lên các nước Đức, Anh, Pháp và Hà Lan khi bộ tứ này đang chiếm đến 45% ngân sách tài chính của Liên minh châu Âu. Là nền kinh tế lớn nhất và là chủ nợ lớn nhất châu Âu, nước Đức đã công khai phản đối việc ECB gia tăng hạn mức tín dụng cho những láng giềng khó khăn. Trong một nỗ lực khác, một tòa án tối cao tại Đức sẽ tiến hành thăm dò việc ECB đưa ra gói cứu trợ mới có nằm trong phạm vi hợp pháp của hiến pháp Eurozone không, vì mới đây Ngân hàng Trung ương Đức cho rằng hiệp ước Eurozone ngăn cấm ECB viện trợ các quốc gia thành viên. Về phần mình, ông Draghi vẫn khẳng định ECB sẽ làm mọi cách để vượt qua những rào cản chính trị lẫn luật pháp cản trở mọi kế hoạch cứu sự sụp đổ của đồng euro trong hơn hai năm qua. Không chỉ hạ lãi suất, ECB sẽ đóng vai trò nhà đầu tư cuối cùng hỗ trợ các nước gặp nạn bằng bước đi hết sức thận trọng, chậm chạp và mang tính đa chiều, thay vì những hành động bị xem là “hấp tấp” trước đây.
B. Trịnh theo NBC