Có một họa sĩ hơn mười năm qua đã đến nhiều nước khắp thế giới, trong đó có Việt Nam, chỉ để được vẽ trên những mảng tường hoặc còn nguyên vẹn của một ngôi nhà, một tòa cao ốc hoặc đang bị phá bỏ để xây dựng mới. Dưới bàn tay tài hoa của anh, những mảng tường thường là vô hồn đã trở thành tặng phẩm cho thế giới nghệ thuật, giúp tôn vinh cái đẹp dù có thể chúng rồi sẽ bị phá hủy hoàn toàn.
Julien Malland, họa sĩ người Pháp ấy, đã làm những chuyến phiêu du đến các vùng đất lạ với hành trang là cọ màu, bút vẽ và không thể thiếu những bình sơn xịt của giới vẽ tranh tường đường phố (graffiti). Anh sinh năm 1972 tại Paris, năm 2000 tốt nghiệp Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Trang trí (Ecole Nationale Supérieure des Arts Décoratifs – ENSAD) nhưng từ đầu thập niên 1990 đã được biết đến rộng rãi với nghệ danh “Seth” (Seth Globepainter hay Seth Land) khi anh khởi sự vẽ hàng loạt tranh trên các bức tường của thủ đô nước Pháp, góp phần làm bùng nổ một phong trào graffiti tại Paris. Với các nhân vật trong tranh – chủ yếu là các em nhỏ – gây được ấn tượng thị giác mạnh mẽ, Julien “Seth” Malland đã đóng một vai trò quan trọng trong việc thực hiện những bức tranh tường khổ lớn ở khắp châu Âu.
Ngay trong năm tốt nghiệp ENSAD, Malland đã hợp tác với nhà nhiếp ảnh Gauthier Bischoff thực hiện tập sách Kapital: Một năm graffiti ở Paris (Kapital: Un an de graffiti à Paris) mô tả thế giới tranh tường đường phố ở thủ đô nước Pháp; sách mau chóng trở thành tác phẩm bán chạy nhất trong năm đó và vẫn được ưa thích cho tới ngày hôm nay sau nhiều lần tái bản. Cả hai sau đó đã thành lập một nhà xuất bản chỉ tập trung ấn hành những chuyên khảo về các nghệ sĩ đường phố lấy tên là “Những tài năng bị bỏ phí” (Wasted Talent). Năm 2003, Malland bắt đầu hành trình khắp thế giới để mở rộng nhãn quan, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm nghệ thuật của anh với các họa sĩ đường phố thuộc nhiều nền văn hóa khác nhau. Chuyến đi của Seth không ngờ đã gặt hái được những thành công ngoài mong đợi; anh trở thành một biểu tượng toàn cầu trong lĩnh vực nghệ thuật đường phố, bởi bằng tài năng thiên phú và đam mê cháy bỏng của mình anh đã đem lại sinh khí và cuộc sống mới cho những mảng tường vô hồn, lạnh lẽo, thậm chí cả những mảng tường ở các khu vực sắp bị xóa bỏ hay những nơi hoang vắng, bị bỏ quên đã lâu. Cộng tác với các nghệ sĩ đường phố bản địa, Seth đã cùng họ tạo nên những tranh graffiti đầy màu sắc, sinh động và tuyệt đẹp mà không bảo tàng mỹ thuật ở bất kỳ nơi nào có được. Seth và bạn hữu đang nỗ lực “trả lại cuộc sống cho những công trình đã chết” ở nhiều xứ sở trên hành tinh.
Sau châu Âu và nhiều nước phương Tây, Seth đã đến châu Phi, Trung Đông, châu Mỹ Latinh, các nước châu Á như Việt Nam, Indonesia, Trung Quốc, Ấn Độ, Campuchia… Tháng 7-2011, trong chuyến đi đến Việt Nam để tham dự một sự kiện nghệ thuật được tổ chức tại Tổng Lãnh sự quán Pháp tại TP. Hồ Chí Minh, Seth đã lưu dấu tại một khu vực đang bị giải tỏa ở phường An Khánh, quận 2 (TP. Hồ Chí Minh). Trên một bức tường của ngôi nhà đã bị đập bỏ gần hết của một xóm nhà trên đường Lương Định Của đang bị xóa sổ để sẽ xây dựng tại đó một khu chung cư mới, Seth và Dem – bạn đồng hành của anh cũng là một họa sĩ đường phố – đã vẽ khoảng bảy bức tranh tường, trong đó có bức thể hiện cô gái Việt Nam tóc dài, đội nón lá, mặc áo dài màu hồng và cầm trên tay một búp sen hồng; bức khác cũng là cô gái ấy nhưng đang trong giấc ngủ, rồi một bé gái đang đọc sách và có cả hình ảnh khu nhà đang bị phá dỡ… Cả hai say sưa vẽ trong nhiều giờ, bất chấp cái nắng hè oi bức và những cư dân còn sót lại của khu nhà đang bị xóa sổ mải mê theo dõi công việc của hai nghệ sĩ xa lạ, như quên bẵng chốn dung thân của họ rồi sẽ không còn. Thật đáng tiếc khi mà những bức graffiti ngộ nghĩnh, đáng yêu đó sớm bị bôi xóa bằng sơn đen chỉ vài ngày sau, không rõ vì lý do gì!
Trong những tranh tường của Seth, dễ nhận thấy anh chỉ vẽ những nhân vật thật giản dị, hầu hết là trẻ em và chúng thường gắn liền với môi trường sống hỗn độn ở những đất nước đang phát triển hoặc những xứ sở còn nghèo nàn, khốn khó vì chiến tranh và những tai ương do cả thiên nhiên và con người gây nên. Đó cũng là những vùng đất đang chịu tác động mạnh mẽ của toàn cầu hóa trong khi cố giữ lấy những giá trị truyền thống đang ngày càng bị xói mòn. Tác phẩm của Seth không đưa ra thông điệp chính trị – xã hội cụ thể nào cả nhưng những đứa trẻ giấu mặt trong tranh anh lại nói lên rất nhiều điều, khơi gợi nơi người xem tranh rất nhiều điều. Mặt khác, Seth muốn được đối thoại cùng với những họa sĩ đường phố ở các nước anh tìm đến thông qua loại hình nghệ thuật graffiti để cùng nhau xây dựng những bức “tranh toàn cầu” (globe-painting). Quá trình tìm đến với “tranh toàn cầu” trong nhiều năm đã được Seth đưa vào cuốn sách có tựa Ngoại thành, nhật ký của một họa sĩ toàn cầu (Extramuros, chroniques d’un globe-painter), xuất bản năm 2012, ấn phẩm thứ năm của anh.
Bên cạnh đam mê vẽ tranh đường phố, rồi viết sách, làm sách, vẽ minh họa, thiết kế đồ họa Seth còn là người dẫn chuyện, tác giả và đạo diễn của nhiều phim trong loạt phim truyền hình Những nhà thám hiểm mới (Les nouveaux explorateurs) trên kênh Canal+ (Pháp), mỗi phim giới thiệu một đất nước và những nghệ sĩ vẽ tranh đường phố ở quốc gia đó. Trong khi vẫn còn những tranh cãi và nhiều định kiến về loại hình graffiti, thậm chí có người coi đó là một dấu hiệu của tội phạm thì tất cả những gì Seth đã và đang làm nhằm khẳng định: graffiti là một trong những phương thức tốt nhất để qua đó các đô thị cũ kỹ có thể tìm thấy lại nụ cười và niềm vui sống. Tất nhiên, đó phải là thứ graffiti được sáng tạo bởi những họa sĩ có tâm hồn và có năng lực như Julien “Seth” Malland và các bạn hữu khắp hành tinh của anh.
- Diên Vỹ