Bạn sẽ làm gì khi buộc phải giảm cân để cải thiện các chỉ số về sức khỏe đang ở mức báo động? “Hãy chạy bộ”, đó là lời khuyên của anh Đào Trung Thành, phó giám đốc Công ty CP Công nghệ và Giải pháp MVV Technologies, thành viên ban điều hành của Sunday Runners Club (SRC). Luyện tập chạy bộ kiên trì đã giúp anh giảm hơn 10kg thể trọng, cải thiện sức khỏe và hoàn thành đường chạy 21km trong thời gian 1 giờ 53 phút – thành tích không nhiều người đạt được.
Thành công nho nhỏ mỗi buổi sáng
Sáu năm trước, anh Đào Trung Thành chưa từng chạy bộ cho đến khi bác sĩ cảnh báo rằng các chỉ số sức khỏe về cân nặng, huyết áp, mỡ máu và tiểu đường của anh đều có vấn đề. Anh quyết định luyện tập chạy bộ vào buổi sáng ở công viên Gia Định gần nhà. Nhưng những ngày đầu luyện tập không dễ dàng, anh chạy khoảng 200m là thở… không ra hơi. Anh thay đổi “chiến thuật” bằng cách tập đi bộ trong hơn một tháng, đến lúc thể trạng có vẻ tốt hơn thì anh bắt đầu vừa đi vừa chạy. Đến mấy tháng sau anh mới có thể chạy 1km, sau đó nâng dần quãng đường chạy. Việc hoàn thành cung đường 40km mới đây của anh là kết quả của quá trình luyện tập nghiêm túc, ý chí không bỏ cuộc và quyết tâm vượt qua giới hạn của bản thân. Ngoài ra, từ khi chạy bộ, anh sống lành mạnh hơn, không còn uống rượu bia nhiều như trước. Tuy không quá khắt khe trong ăn uống hằng ngày nhưng anh cũng có ý thức lựa chọn những loại thức ăn tốt cho sức khỏe hơn. Khi vòng bụng giảm xuống thì vòng đời sẽ dài ra, anh tin thế!
Đến thời điểm này, chạy bộ đã trở thành một thói quen hằng ngày của anh Trung Thành, đến nỗi không luyện tập thì anh cảm thấy mệt mỏi, khó chịu. Nhưng anh vẫn cho rằng không có việc gì đáng chán như chạy bộ. Anh nói: “Chạy bộ chỉ là đặt một chân này trên chân kia thật nhanh, chẳng có gì thú vị. Chạy hết vòng này đến vòng khác trên cùng một quãng đường còn nhàm chán hơn. Nhiều người mất kiên nhẫn với chạy bộ không chỉ vì lười mà còn vì sự nhàm chán này, dù biết rằng chạy bộ rất tốt cho sức khỏe”. Ngay cả vận động viên Olympic là Toshihiko Seko cũng có lúc không muốn chạy. Trong cuốn sách Tôi nói gì khi tôi chạy bộ của tác giả Murakami, có chi tiết là nhân vật chính hỏi Toshihiko Seko: “Một vận động viên tầm cỡ anh có khi nào cảm thấy kiểu như hôm nay anh thích nghỉ chạy hơn, kiểu như anh không muốn chạy mà chỉ thích ngủ nướng hơn không?”. Ông ấy đáp: “Dĩ nhiên. Bao giờ cũng vậy!”.
Bởi vậy, mỗi buổi sáng, khi chiến thắng ước muốn được ngủ tiếp để ra khỏi giường, xỏ giày vào chân và chạy đã là một thành công nho nhỏ tạo niềm vui đầu ngày. Trên đường chạy, người tập nhiều năm như anh còn phải tự mình tìm kiếm sự mới lạ trong mỗi bước chạy để làm mới mẻ “cuộc hành xác nhàm chán ấy”. Đó có thể là bước chân nhẹ hơn, bầu trời xanh hơn, tiếng chim hót trong trẻo hơn, màu hoa lá thắm hơn hoặc một cô gái xinh đẹp nào đó trên cùng đường chạy. Những khi thấm mệt hoặc bị chấn thương, người chạy càng phải tập trung vào những điều sinh động, hấp dẫn xung quanh mình để khiến cơ thể có động lực mà bước tiếp.
Nhiều người nhận xét anh Trung Thành trông khá trẻ trung so với tuổi ngoài 40. Anh cho biết, chạy bộ mỗi buổi sáng giúp cho một ngày dài làm việc trở nên nhẹ nhàng, thoải mái hơn. Ngoài ra, hoạt động thể thao giúp cơ thể tiết endorphin – hormone gây hưng phấn có tác dụng giảm căng thẳng, stress và tạo cảm giác vui vẻ, hạnh phúc và tăng những suy nghĩ tích cực. Chính vì vậy, những người làm kinh doanh và quản lý như Trung Thành rất cần luyện tập thể thao. “Hơn nữa, tôi thấy những người xung quanh tôi dường như suy nghĩ quá nhiều và cảm nhận quá ít, đầu óc luôn phải quay cuồng với công việc, tính toán mà quên cảm nhận những điều tốt đẹp trước mắt, chạy bộ là lúc để chúng ta luyện tập cảm nhận mọi thứ xung quanh. Chỉ một giờ luyện tập mỗi buổi sáng cũng đủ để chúng ta suy nghĩ tích cực hơn và cảm nhận nhiều hơn”.
Triết lý về chạy bộ
Vốn tính ham thích tìm hiểu, khám phá của dân công nghệ thông tin, anh Đào Trung Thành thường đi tìm đọc về những sự vật, hiện tượng diễn ra trong cuộc sống, thể thao cũng không ngoại lệ. Vì sao chúng ta vẫn duy trì việc chạy hằng ngày mặc dù đôi khi nó không vì một mục đích gì rõ ràng? Vì sao có những lúc chân đau đến mức muốn ngã gục nhưng vận động viên vẫn không ngừng chạy để đến được vạch đích? Những thắc mắc này được giải đáp sau khi anh Trung Thành tìm dịch bài phỏng vấn của Mark Rowlands, tác giả của Running with the Pack (Pegasus, 2013). Mark Rowlands đã mô tả việc chạy bộ ở ba cấp độ: (1) Giai đoạn Descartes – thân và tâm tách rời nhau đồng thời mặc cả với nhau về việc chạy. Trên đoạn đường chạy dài, có lúc thân thể bình thường, đang chạy thì tâm yêu cầu ngừng lại, lại có lúc thân không thể chạy vì đau quá nhưng tâm kiên trì thuyết phục để thân “lết” về đích. (2) Giai đoạn Hume (gọi tên theo triết gia David Hume): thân thể là một tập hợp của những suy nghĩ và cảm xúc mà không có một lực bên ngoài nào chỉ dẫn. Lúc này người chạy đã thấm mệt nhưng vẫn có khả năng duy trì nhịp độ bất chấp mệt mỏi vì anh không nghĩ gì hết, đơn giản anh ta chạy để trải nghiệm những ý niệm thôi thúc từ bên trong. Điều này cũng liên quan đến kỹ năng hay sự phát triển của cá nhân người chạy mà không phải ai cũng đạt tới. (3) Giai đoạn Sartres (gọi tên theo triết gia người Pháp Jean-Paul Sartre): người chạy hoàn toàn chìm đắm trong việc chạy, lúc này không còn người chạy chỉ còn hành vi chạy. Dù cảm thấy chán nản hay đau đớn do chấn thương nhưng người chạy vẫn vượt lên phía trước bằng sự “khắc khoải tự do” (cách gọi của triết gia Sartres) còn với anh Trung Thành thì đó là một cảm xúc thăng hoa còn hơn cả niềm vui.
Có người cho rằng chạy bộ là một phong cách sống, không phải để biểu diễn. Anh Trung Thành cho rằng điều này chưa hẳn là đúng. Anh nói: “Tôi vốn không thích các tuyên ngôn như thế này. Thể thao là một phần của cuộc sống, mỗi người chơi mỗi kiểu, có cả kiểu thể thao biểu diễn. Chúng ta không nên áp đặt một tuyên ngôn, suy nghĩ cho thể thao và cho rằng nó là đúng đắn”.
Chúng ta có hàng ngàn lý do để chạy bộ như: giảm cân, nâng cao sức khỏe, chuẩn bị tham gia một giải chạy, tìm kiếm bạn bè, thử nghiệm một môn thể thao mới… Nhưng giá trị mà môn thể thao này mang lại cho chúng ta rất nhiều như: khỏe mạnh hơn, dáng chuẩn, nâng cao khả năng nhớ, tăng sự tự tin, cải thiện sinh lý, giảm stress, ngủ tốt hơn, tăng cường hệ miễn dịch, sống vui vẻ hơn… “Dường như chạy bộ đã tác động lên chúng ta độc lập với những lợi ích mà sức khỏe đem lại, tác động của nó đến vòng eo, lên sáu múi, kể cả cái cách nó mang lại niềm vui cho anh khi chạy”, Trung Thành cho biết. Theo tác giả Mark Rowlands nếu chúng ta chạy đủ lâu dài và đủ kiên trì, bạn sẽ thấy giá trị nội tại của nó cũng như một điều gì đó tự cảm thấy vui sướng vị tự thân điều đó. Hay nói một cách khác là “chạy bộ vị chạy bộ” (Running for running’s sake) bên cạnh “chạy bộ vị nhân sinh” như chúng ta đã biết.
Và dù với giá trị gì đi nữa thì tại thời điểm này, anh Trung Thành vẫn đang tích cực luyện tập chạy bộ cùng với hai môn khác là bơi lội và đạp xe để chuẩn bị cho cuộc đua Ironman 70.3 tại Đà Nẵng vào đầu tháng 5. Mỗi buổi sáng, anh vẫn có một niềm vui nho nhỏ khi chiến thắng cơn buồn ngủ để đón bình minh trên đường chạy. Đôi khi, đôi chân rã rời đến nỗi chỉ muốn… chạy về nhà trong khi chưa hoàn thành cung đường thì việc chạy với anh Trung Thành chỉ có một lý do duy nhất – chạy vượt qua nó (run over it) đúng như slogan của Sunday Running Club.
- Thanh Nhã
Xem thêm:
- Chạy bộ để góp sức cho cộng đồng
- Không thể giảm cân khi chạy bộ, vì sao?
- Dành cho các bạn bắt đầu tham gia các chương trình chạy bộ