Cứ tưởng thời học trò của má ngày xưa thiếu thốn, lạc hậu khác với thời học trò của chúng tôi. Nhưng khi tận mắt thấy cuốn lưu bút của má tôi lại thấy có nhiều điểm chung đến không ngờ.
Một buổi chiều tháng năm, nắng rót vàng như mật ong lên những chùm phượng thắp lửa đỏ rực tôi với má leo lên căn gác xép nhỏ của gia đình dọn đống đồ đạc cũ thì bắt gặp cuốn lưu bút của má. Cuốn lưu bút được má cất cẩn thận cùng với một vài đồ đạc giá trị về tinh thần vào một chiếc rương gỗ có khóa hẳn hoi.
Đó là một cuốn sổ be bé, thời gian đã làm nhòa ố không còn được vẹn nguyên, nét chữ phía trong cũng đã bị nhòe mờ tràn hết ra cả dòng kẻ. Má cách tôi hai thập niên. Tôi sinh vào những năm thập niên tám mươi còn má sinh vào những năm thập niên sáu mươi. Má luôn xúc động, hạnh phúc khi nhắc lại thời nghèo khổ nhưng ông bà ngoại vẫn cho má, dì và cậu ăn học đàng hoàng.
Cũng giống như bao cuốn sổ lưu bút khác. Má dành nguyên một trang đầu tiên cho mình cùng đôi lời “tự bạch”. Tuổi học trò của má cũng ngây thơ, trong sáng hệt như thời học trò của chúng tôi. Má dân văn nên bay bổng trong từng con chữ, chỉ cần đọc lời tự bạch cũng thấy sự lãng mạn của má. Tôi như bị hút hồn với cuốn lưu bút của má, tò mò lật giở từng trang xem bạn bè của má viết gì trong đó. Tôi bật cười thích thú khi thấy má được được mọi người đặt biệt danh là “Bư”. Tôi quay sang nhìn má “Ngày xưa má mập lắm đúng không?”. Má cười bảo, ngày xưa mập nhất đám con gái trong lớp. Rồi má rằng, thôi đừng có xem nữa, chẳng có gì đâu.
Tôi hiểu rõ tính má, là chỉ vì má ngại mà thôi. Má càng vậy, tôi lại càng thêm tò mò.Đọc lưu bút của má có nhiều điều bất ngờ hơn tôi tưởng. Như chuyện ngày xưa má học cực siêu môn Vật lý mặc dù má chọn học theo ban C và làm giáo viên dạy Văn. Má tuy mập nhưng rất được lòng của nhiều người, bằng chứng là những lời viết của mọi người dành cho má đều tình thương mến thương. Má còn là một cây văn nghệ, hát rất hay thường xuyên biểu diễn trong các dịp lễ kỉ niệm của trường.
- Xem thêm: Lưu bút xanh
Lưu bút của má còn có một bí mật “động trời” nữa mà mỗi lần nhắc đến mặt má đều ửng đỏ. Ngày xưa má từng có mối tình học trò với anh bạn lớp trưởng. Tôi cứ nghĩ thời của má nghiêm túc lắm, chẳng dám yêu đương gì đâu, nhưng không ngờ… Tôi cười thích thú, “tra khảo” má: “Má, ngày xưa người ta cưa má trước hay má cưa người ta trước nè?”. Má cười: “Là má thích trước nên má tỏ tình”.
Tôi cũng không ngờ với sự mềm mại, dịu dàng như má mà cũng có lúc bạo dạn như thế. Tôi ra hiệu giơ ngón tay cái với vẻ thích thú. Má cười giòn tan. Nhưng rồi mối tình học trò thường sẽ không đi đâu về đâu phần vì sợ gia đình, phần mỗi người có một lựa chọn riêng khi vào đời. Tôi cũng có dịp diện kiến chú lớp trưởng ngày xưa má thích bởi nhà chú sống cũng khá gần nhà tôi.
Mặc dù, má và chú không thành đôi và giờ ai cũng có gia đình riêng, nhưng cả hai đều là bạn bè tốt của nhau. Ba tôi đương nhiên cũng biết chuyện này nhưng tính ba phóng khoáng, ba chỉ cười mà không ghen tuông gì. Những lúc đó, tôi lại thấy yêu quý gia đình của mình hơn. Cả ba và má đều văn minh và rất đáng yêu!
Vào một ngày cả nhà đi vắng, kẻ trộm đã đột nhập gia đình tôi khuân một số đồ đạc. Cái rương của má cũng bị lấy mất. Trong rương toàn là đồ kỉ niệm của má từ xa xưa. Tôi thấy má khóc. Đó là lần thứ hai tôi thấy má khóc sau cái lần đám tang của ngoại. Tôi cũng tiếc thay cho má. Tiếc cuốn lưu bút của má bao năm mất công gìn giữ bây giờ thì không còn nữa. Tôi ôm má nước mắt cũng rơi theo, thương má vô cùng.
Mặc dù bây giờ cuốn lưu bút của má không còn nữa nhưng trong tôi vẫn còn đọng lại những thước phim tuổi học trò của má. Tôi đã hiểu hơn về má, và thương má nhiều hơn. Và chắc hẳn mọi người sẽ đồng ý với tôi rằng là bất kể thời học trò nào cũng đáng yêu và dễ thương nhỉ?!
Trong cuốn lưu bút ấy, có mấy lần má nhắc về bữa ăn đạm bạc của gia đình, của bè bạn và cũng… truyền sang đời tôi. Đó là rau dại.
Rau dại đó là loài rau mộc mạc của chốn làng quê, gắn bó với người dân áo gụ nâu sòng một nắng hai sương, thân thương như chính những người bạn hiền yêu dấu.
- Xem thêm: Mẹ của ngày xưa
Người ở quê ai mà chẳng biết rau dại?! Thậm chí, còn thông tường từng chiếc lá, đặc điểm sinh trưởng ra sao. Rau dại là tên gọi chung của các loài rau có tên hẳn hoi nhưng người ta lại thích gọi bằng cái tên dân dã đó. Rau sam, rau dền, rau càng cua, bông so đũa, bông lục bình, rau tàu bay, rau núi, rau dớn, rau đắng… và ti tỉ các loài rau khác, có liệt kê ra thì cả ngày cũng không kể hết.
Chúng là loài rau dễ sống, cứ có đất là mọc lên: trong vườn, dưới ruộng, mé hàng rào, trong vạt rau xanh… Rau dại đa phần là loài rau bé nhỏ nhưng lại góp phần không nhỏ chút nào trong đời sống của người dân, nhất là những năm tháng thiếu thốn, ngày ba tháng tám, mùa giáp hạt. Thậm chí bây giờ nguồn thực phẩm chính của một số gia đình nghèo đều phụ thuộc vào rau dại trong vườn.
Những người con ở quê khi nhắc về rau dại ký ức lại rưng rưng trong lòng. Mâm cơm nhà nghèo ngày ấy hầu như bữa nào cũng có bát canh rau dại. Trưa hè nóng nực, húp bát canh rau dại lòng mát tận tâm can. Rau dại ngon nhất là khi nấu canh với tôm nõn hoặc nấu tép đồng, cua đồng. Những bát canh rau dại theo suốt người con nhà nghèo từ thuở thơ bé cho đến khi rời lũy tre làng lên phố.
Thuở lấm lem trong bùn rạ, bữa cơm chẳng mong gì hơn ngoài bát canh rau dại hái ở trong vườn. Mà thật đến lạ, lũ trẻ quê ngày ấy chẳng có cao lương mỹ vị, chẳng được mấy bữa thịt cá ấy thế mà lớn lên cứng cáp thành người. Chỉ có những người cha người mẹ nhìn thấy đàn con hau háu ăn mà xót xa thương, ngậm ngùi. Ngoài canh rau dại còn có món xào, món luộc hoặc ăn sống. Rau càng cua trộn dầu và đậu phộng rang giã, bông so đũa nấu canh chua cá sặt, còn lục bình thì ăn sống chấm mắm kho.
- Xem thêm: Ngày xưa phượng vĩ
Xưa ăn riết, thành món thân thuộc cũng không ngờ những thứ dân dã ngày xưa ấy bây giờ lại được xếp vào hàng ngũ “đặc sản”, “hiếm có khó tìm”.Rau dại là thứ rau không ai trồng, chăm bón, tự mọc lên trong vườn sinh sôi bằng khí trời, dinh dưỡng đất mẹ mà tươi tốt. Kể cả khi thời tiết khắc nghiệt nhất, hầu như ít có loài rau nào sống nổi còn rau dại vẫn hiên ngang mọc lên. Có người ví rằng rau dại như những đứa trẻ mồ côi, dạn dày với sương gió, bất chấp nghịch cảnh để có mặt trên đời. Có người lại ví rau dại chân chất, hiền lành như người ở quê vốn có. Bất kể rau dại là thứ gì đi nữa ai cũng mến, cũng yêu.
Rau dại còn được ví như vị thuốc quý thiên nhiên ban tặng. Như rau má, mã đề nấu nước uống giải nhiệt cơ thể rất tốt. Trong rau càng cua có nhiều kali, canxi giúp xương chắc khỏe. Vị đắng trong rau đắng kích thích ngon miệng, nhuận gan, thanh nhiệt, tiêu độc, là “thần dược” chữa được rất nhiều bệnh hiệu nghiệm. Rau dớn thì được sử dụng trong đông y để chữa giảm đau xương khớp, đau xương vì trong rau có một số chất có thể ức chế vi khuẩn, giải độc và khử trùng, giảm đau.
Bạn ở phố về quê nhà chơi, sẽ là một gợi ý tuyệt vời nếu trong mâm cơm có một bát canh rau dại. Người ở phố xuýt xoa rằng, rau dại giống như một đặc sản, ăn không bao giờ biết chán. Rau dại ở phố bây giờ cũng có nhưng thật giả lẫn lộn chẳng biết đường nào mà lần, ăn thì ngon thật nhưng mà lòng cũng đầy lo sợ về khoản an toàn thực phẩm. Một bộ phận buôn bán vì cái lợi trước mắt, thấy nhu cầu của người mua cao nên bất chấp làm các thủ đoạn để có được hàng hóa để bán kể cả dùng thuốc bảo quản, kích thích rau mọc dài.
Rau dại đó là tất cả những gì tinh túy nhất của quê hương, là món ăn gợi nhớ gợi thương của những người con khi đi xa lại nhớ về…