Hàng loạt tiết lộ về các sự kiện chính trị, cũng như hành trình đắc cử Tổng thống chưa từng được nhắc đến đã làm cho “Miền đất hứa” trở thành một cuốn sách ngồn ngộn chi tiết sinh động, thoát khỏi vẻ khô cứng mà chúng ta vẫn luôn hình dung về cuốn hồi ký của một nhà chính trị.
Hôm nay (18.1), Công ty First News – Trí Việt tổ chức buổi giao lưu, ra mắt cuốn sách Miền đất hứa (tựa gốc “A Promised Land”) – là cuốn hồi ký ăn khách của vị tổng thống thứ 44 Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ Barack Obama. Đại diện First News cho biết, Miền đất hứa là cuốn sách đặc biệt, khiến First News quyết tâm vượt qua 15 nhà xuất bản Việt Nam để giành được quyền xuất bản độc quyền ấn bản tiếng Việt trên toàn thế giới.
Theo nhà báo Đỗ Hùng, người đã chuyển ngữ Miền đất hứa sang tiếng Việt, tuy là hồi ký của một chính trị gia nổi tiếng toàn cầu nhưng cuốn sách không hề là một câu chuyện chính trị khô khan, một màu. Với óc quan sát tỉ mỉ, những chiêm nghiệm sâu sắc, và với văn phong lôi cuốn, Barack Obama đã đưa độc giả vào hành trình từ lúc ông còn là một cậu bé thừa hưởng một di sản pha trộn (mẹ là người Mỹ da trắng, còn cha là người Kenya da đen) cho tới khi ông đứng ở vị trí quyền lực nhất nước Mỹ.
“Sự thẳng thắn, cởi mở là điều đáng ghi nhận ở cuốn hồi ký này”, nhà báo Đỗ Hùng chia sẻ.
Những tiết lộ sửng sốt
Cuốn sách cung cấp một cái nhìn sâu hơn vào bên trong xã hội Mỹ khi phân biệt chủng tộc còn nặng nề, và vào bên trong chính trường Mỹ, nơi cuộc giằng co đảng phái, giữa một bên theo xu hướng tự do và bên kia theo lập trường bảo thủ, tạo ra những thách thức nhưng đồng thời cũng giúp duy trì sự cân bằng cho nền dân chủ.
Qua hơn một ngàn trang viết trong ấn bản tiếng Việt, ông Barack Obama đã cung cấp cái nhìn cận cảnh vào chính trường nước Mỹ và những thách thức trong công việc của một vị tổng thống. Ông đã không ngần ngại phơi bày những mặt trái của nước Mỹ, của xã hội Mỹ và của nền chính trị Mỹ. Đó có thể là quá khứ phân biệt chủng tộc, có thể là những sai lầm của Mỹ khi can thiệp vào nước khác, và cũng có thể là không khí thù địch đảng phái khiến nhiều “chính sách tốt” không thể được triển khai.
Trong “Miền đất hứa”, vị cựu Tổng thống này cũng không ngần ngại đưa ra đánh giá của riêng mình về các nhân vật lịch sử, những lãnh đạo quân sự hiển hách chiến công nhất của nước Mỹ, như: Grant và Lee, Patton và Eisenhower, MacArthur và Bradley, Westmoreland và Schwarzkopf, rằng: “Không thể không cung kính và xúc động trước truyền thống mà những người này đại diện, sự nghiệp và sự hy sinh đã giúp phồn sinh một quốc gia, đánh bại phát xít và ngăn chặn chủ nghĩa toàn trị lây lan. Nhưng cũng cần nhớ rằng Lee đã chỉ huy Quân đội Liên minh miền Nam với mục tiêu duy trì chế độ nô lệ, còn Grant đã chỉ đạo sát hại thổ dân; rằng MacArthur đã bất chấp mệnh lệnh của Truman ở Triều Tiên dẫn tới kết quả tai họa và Westmoreland đã kiến trúc cuộc leo thang chiến tranh tại Việt Nam gây nên thương tích cho một thế hệ. Vinh quang và thảm kịch, can trường và ngu tối – những sự thật này không thể phủ định những điều kia. Bởi chiến tranh là vô lý, và lịch sử nước Mỹ cũng vậy”.
Bên cạnh đó, là một người đứng đầu cường quốc số một thế giới, hằng ngày đều tiếp cận các báo cáo tình báo tối mật cũng như đưa ra các quyết định trọng đại, có ảnh hưởng không chỉ nước Mỹ mà cả thế giới, Barack Obama đã tiết lộ nhiều chi tiết sửng sốt trong cuốn sách của mình.
Chẳng hạn như trong chuyến công du ở Brazil vào lúc Mỹ đang sắp sửa tấn công Libya, khi hệ thống liên lạc tối mật bị trục trặc, ông đã gọi Mike Mullen – cựu Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ – để khởi động cuộc can thiệp quân sự đầu tiên trong nhiệm kỳ tổng thống của mình chỉ bằng chiếc điện thoại di động không dùng một kết nối bảo mật nào.
Hay trong một phần khác, ông tiết lộ câu chuyện về “một người hoàn toàn trái ngược với tất cả những gì chúng tôi đại diện”, chính là tỉ phú Donald Trump – vị Tổng thống thứ 45 của Mỹ. Trước khi trở thành một người chỉ trích kịch liệt đối với chính quyền Obama, ông Trump lại từng có hảo cảm với chính quyền này ít nhất là trong hai năm đầu Barack Obama làm Tổng thống. Ông Donald Trump cũng đã có hơn một lần đề nghị hợp tác với chính quyền của ông Barack Obama.
Hàng loạt những tiết lộ về các sự kiện chính trị chưa từng được nhắc đến như vậy đã làm cho Miền đất hứa trở thành một cuốn sách ngồn ngộn chi tiết sinh động, thoát khỏi vẻ khô cứng mà chúng ta vẫn luôn hình dung về cuốn hồi ký của một chính trị gia.
Người truyền cảm hứng
Thừa hưởng một di sản pha trộn, Barack Obama nhìn nước Mỹ, xã hội Mỹ từ vị thế của một người thuộc cộng đồng thiểu số. Ông hiểu rõ gánh nặng của nạn phân biệt chủng tộc, ông hiểu những thách thức mà trẻ em thuộc các sắc dân thiểu số phải đối mặt khi lớn lên trong lòng nước Mỹ.
Từ khi còn nhỏ, Obama cũng đã sống trong nhiều môi trường, vùng đất và hoàn cảnh xã hội khác nhau, trong đó có thời gian ông theo mẹ tới sống ở Indonesia. Trải nghiệm thơ ấu cùng với các trải nghiệm trong giai đoạn trưởng thành, bao gồm những chuyến đi tới nhiều nơi trên thế giới trong vai trò là một nhà lập pháp, ông đã có điều kiện để nhìn rõ hơn thế giới bên ngoài nước Mỹ, hiểu hơn về cuộc đấu tranh của người trẻ tuổi tại nhiều nước. Từ trải nghiệm đó, ông luôn muốn câu chuyện của mình, hành trình mà một người Da đen mang tên Barack Hussein Obama đã thực hiện có thể khơi lên cảm hứng cho trẻ em từ khắp nơi trên thế giới.
“Tôi đã cùng Michelle và các con gái đến thăm một khu ổ chuột rộng lớn phía tây Rio, và ghé vào một trung tâm thanh thiếu niên để xem đoàn capoeira biểu diễn, rồi tôi đá bóng với một nhóm trẻ địa phương. Khi chúng tôi rời đi, hàng trăm người tập trung bên ngoài trung tâm, và mặc dù đội Mật vụ đã bác bỏ ý tưởng tôi đi dạo phố, tôi cũng thuyết phục được họ để tôi bước qua cổng và chào đám đông. Đứng giữa con phố chật hẹp, tôi vẫy chào những gương mặt đen, nâu và màu đồng; cư dân, với rất nhiều trẻ em, đứng rải rác trên các mái nhà và ban công nhỏ, xô đẩy với hàng rào cảnh sát.
Valerie, người đi cùng chúng tôi và chứng kiến toàn bộ cảnh tượng này, đã cười khi tôi bước vào: “Tôi cá rằng cái vẫy tay ấy đã thay đổi cuộc đời một số đứa trẻ mãi mãi.”
Đó cũng chính là một trong những điều đã đưa ông Barack Obama đến với con đường chính trị, và hơn cả là một phần lý lẽ của việc ông tranh cử. Bởi ông tin rằng sự lãnh đạo của một vị Tổng thống Da đen sẽ mang tới những đổi thay trong cách mà trẻ em và thanh niên khắp nơi tự nhìn nhận về giá trị của chính mình.
Tóm lại, dù rất nhiều lần trong Miền đất hứa, Barack Obama đã bày tỏ sự nghi hoặc, thậm chí bi quan về tình trạng của nền dân chủ Mỹ. Tuy nhiên, trên hết, ông vẫn duy trì niềm tin vào người dân Mỹ, những người luôn nỗ lực không ngừng để phụng sự, và dĩ nhiên, là không thôi hy vọng vào tương lai nước Mỹ sẽ ngày một tốt đẹp hơn.