Ngay những người “lướt sóng” có kinh nghiệm nhất cũng hoang mang. Nhớ lại, thời điểm vàng vượt qua ngưỡng 1.000 USD/ounce, rồi cứ lên dần, lên dần, khả năng ngày càng cao vút là hoàn toàn có thật.
Bao nhiêu người điêu đứng cũng từ đó. Làm ăn lao tâm khổ tứ không bằng ông bà nhà quê chắt bóp mua vàng, tự dưng sinh lãi. Đồng tiền nằm yên không còn là đồng tiền chết nữa mà là đồng tiền thắng lợi!
Ngày xưa mua cái nhà tương đương 60 cây vàng thì giờ đây chỉ còn một nửa. Vàng là nhãn hiệu cầu chứng có đẳng cấp, không gì qua được. Con đường đi của vàng đang vang khúc ca chiến thắng thì đùng một cái, nó sụt xuống thê thảm, phá vỡ nhiều dự định (cũng) của biết bao gia đình.
Đang kỳ vọng vào con số 10 cây vàng thành nửa tỉ đồng thì nó lại khiến người ta lên ruột vì số tiền tụt dốc không phanh. Giá vàng trồi sụt bất thường đã khiến các chuyên gia dự đoán giá vàng ngơ ngác.
- Xem thêm: Giá vàng… em chẳng phập phồng
Người bình tĩnh hơn thì nói, đã có tăng một lèo 500 USD/ounce thì việc xuống cái rột 400 USD/ounce cũng “thường thôi”. Giá vàng đi xuống đáng lý người ta phải vui mừng chứ, sao lại lo lắng?
Ai mượn vàng thì lo mà đi mua trả nợ, ai chưa lập gia đình thì hãy tranh thủ mua sắm nữ trang cưới… Vậy mà không phải! Vàng xuống giá, nhà xuống giá mà người lại không có tiền để mua. Vậy tiền đi đâu? Làm gì? Không câu trả lời nào chính xác!
Bây giờ, nhiều người lại cho rằng, giới công chức ăn lương nhà nước vậy mà lại đảm bảo. Cả đời họ chỉ biết dành dụm, mười xu đổi lấy một hào, mười phân vàng thành ra một chỉ. Rùa thủng thỉnh vậy mà chạy nhanh hơn thỏ!
Cả một đời chắt chiu, vàng lên họ mua theo cách lên, vàng xuống giá họ cũng không sốt ruột. Gia đình công chức, căn cơ lâu nay quen rồi. Xem ra chỉ có người buôn bán, kinh doanh mới khổ.
Thị trường nóng lạnh sổ mũi khiến người kinh doanh hết cảm cúm đến đau đầu. Vàng lên, vàng xuống ngày càng đẩy họ đến nguy cơ bệnh mãn tính, khó thuốc chữa, tệ hơn nữa là chết lâm sàng!
Mới hay, tiết kiệm không bao giờ là thừa cả. Một bà mẹ công chức ở tỉnh có tính lo xa, bắt đầu vào năm học lớp 12 của con, bà đi chợ mua về con heo đất với mục tiêu là “đi thi đại học”. Bà kêu gọi cả nhà vào cuộc.
Từ nhiều nguồn, lì xì, mẹ cho, ba cho, cô, dì cho… Đến khi con đi thi đại học, con heo đất đập ra mập ú ù, không phải lo lắng về chi phí, được đi máy bay, ở khách sạn cách trường thi mấy chục mét trong mấy ngày đi thi…
Không biết đứa con sẽ đạt kết quả như thế nào, nhưng trong trường hợp này, hẳn cậu ta sẽ có một kỳ thi ngoài mong đợi. Sự tiện nghi có thể giúp đầu óc sảng khoái và giải toán tốt hơn, chẳng hạn.
- Xem thêm: Chuyện tiết kiệm…
Quy luật của “phi thương bất phú” giờ đây đang gặp phải nhiều trở ngại vì tính đỏng đảnh của thị trường và xu thế của nền kinh tế lâm vào khủng hoảng. Lại có dịp cho các bà mẹ (xưa) nói lời đắc thắng với con cái, khi mà trước đây chúng nó luôn cho rằng, có tiền thì phải xài, phải kích cầu, hết rồi lại có. Bây giờ các bà mẹ lại khẳng định chỉ có dành dụm mới có, làm ăn to lớn càng phải biết tích lũy, làm nhiều xài nhiều có ngày cũng trở về số không.
Thật ra, không có một mẫu số chung nào cho cuộc sống buộc người này, người khác phải theo. Vấn đề là con người phù hợp kiểu nào. Quy luật thị trường phải dành cho người có thần kinh thép và máu phiêu lưu.
Có sức chơi thì hãy tham gia. Người có nhiều tỉ đồng thì phải nghĩ kế hoạch tăng thêm nhiều tỉ nữa, còn người “ít tỉ” cũng sẽ có kế hoạch sống vui với “ít tỉ”.
Cuộc sống đa chiều, phải chăng, khi nào biết tránh bon chen, bằng lòng và hạnh phúc với cái mình có, thì mới tỉnh táo nhìn thấy hết tính đa dạng của cuộc sống luôn thú vị?