Ngày 9-11 vừa qua, tại một hội nghị do Liên Hiệp Quốc triệu tập, các nước tham dự đã đưa ra lời báo động về sự sút giảm nghiêm trọng của những ngân khoản viện trợ dành cho các nước nghèo đã được cam kết trước đây. Con số cụ thể được viện dẫn là từ mức viện trợ 560 triệu USD cho năm 2014, đến năm 2015 chỉ còn 77 triệu USD được cam kết. Hai ngày sau hội nghị của LHQ, Tổng thư ký Ban Ki-moon lên tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế không từ bỏ những cam kết viện trợ kinh tế cho các quốc gia nghèo nhất thế giới.
Theo nhận định của giới nghiên cứu, sở dĩ có tình trạng này là vì các nước châu Âu đang đứng trước bài toán khó về vấn đề người di cư và tỵ nạn đang đổ dồn về, cần có tiền cứu trợ khẩn cấp cho họ. Nhưng ông Ban cho rằng trong tình hình hiện nay, không thể lấy nguồn tài nguyên nơi này để chi cho nơi khác. Ông tuyên bố: “Rút bớt nguồn viện trợ cho phát triển để chi cho dòng người tỵ nạn là hành động phi sản xuất, sẽ gây ra một vòng lẩn quẩn đối với sức khỏe, giáo dục và cơ hội tìm thấy một cuộc sống khá hơn của hàng triệu người đang đứng trước nguy cơ ở khắp các ngõ ngách của thế giới”. Được biết trong một hội nghị thượng đỉnh diễn ra tại Malta với sự tham dự của các nhà lãnh đạo đến từ châu Âu và châu Phi, Liên minh châu Âu (EU) dự định thành lập một Quỹ ủy thác đặc biệt với kinh phí ban đầu 1,9 tỉ USD để giải quyết những vấn đề do cuộc khủng hoảng người tỵ nạn mang lại. Điều này khiến cho nhiều người lo ngại rằng khoản kinh phí kể trên sẽ được lấy từ nguồn viện trợ phát triển dự liệu dành cho các nước nghèo.
Theo các dữ liệu do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) công bố, từ năm 2013 đến nay, khoản viện trợ cho các nước nghèo nhất đã giảm liên tục. Đây là khoản tiền tương đương 0,29% tổng thu nhập của các nước thành viên Ủy ban Viện trợ Phát triển thuộc OECD (DAC) đồng thuận từ năm 2000 dành cho các nước nghèo và từ đó đến nay đã tăng lên 66%. Cuộc khủng hoảng tỵ nạn đang diễn ra có nguy cơ đẩy các khoản viện trợ ODA xuống mức thấp nhất. Tổng thư ký LHQ cho rằng cộng đồng thế giới cần đối phó với cuộc khủng hoảng tỵ nạn một cách hiệu quả mà không làm phương hại đến chương trình viện trợ ODA vốn có những tác dụng tích cực trong việc giúp đỡ các nước nghèo. Về phần mình, ông Nick Hartmann, Giám đốc Nhóm hợp tác thuộc Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) tuyên bố trước hội nghị ngày 9-11 rằng những cam kết viện trợ ODA đã đưa ra cần được tôn trọng và những ngân khoản của UNDP phải được dành cho những nước nghèo nhất và gặp nhiều nguy cơ nhất. Cũng theo Hartmann, trong năm qua, UNDP đã đối phó kịp thời với nhiều cuộc khủng hoảng để đảm bảo cho cuộc sống của 11,2 triệu người nghèo. Tại 77 quốc gia, đã có 1 triệu việc làm được cung cấp, trong đó 50% được dành cho phái nữ. UNDP là một mạng lưới phát triển toàn cầu của LHQ với 177 nước và vùng lãnh thổ thành viên. Người ta hy vọng trong tương lai gần, tổ chức này sẽ lấp đầy khoảng trống nhiều nước đang để lại do phải đối phó kịp thời với cuộc khủng hoảng về người di cư và tỵ nạn đổ dồn vào châu Âu.
Lê Nguyễn tổng hợp (DNSGCT)