Với tên gọi “Hướng tới tương lai”, phòng tranh của họa sĩ Cù Nguyễn đã được khai mạc sáng 30-6 vừa qua tại Hội Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh (218A Pasteur, Q.3) trong không khí ấm áp của sự hội ngộ bằng hữu, cố tri.
Cù Nguyễn là một cái tên quen thuộc của hội họa Sài Gòn trước 1975. Ông sinh năm 1936 tại Hội An, tự học vẽ nhưng lại sớm khẳng định được tài năng khi đoạt huy chương vàng Triển lãm hội họa mùa xuân Sài Gòn năm 1961. Tháng 11-1966 có một sự kiện được coi là cột mốc quan trọng của hội họa miền Nam lúc bấy giờ: sự ra đời của Hội Họa sĩ trẻ với thành viên sáng lập là các họa sĩ Ngy Cao Uyên, Nguyễn Trung, Hiếu Đệ, Nguyên Khai, Nguyễn Phước, Mai Chửng, Nghiêu Đề, Hồ Thành Đức, Trịnh Cung, Nguyễn Lâm và Cù Nguyễn. Có thể nói từ cái nôi nghệ thuật này, các họa sĩ trẻ tuổi đôi mươi ngày ấy đều thành danh, có nhiều đóng góp cho nền mỹ thuật ViệtNamnói chung và hầu hết đều vẫn sáng tác dù hiện nay tuổi của các ông đã ngoài thất thập.
Có những khoảng thời gian dài, thậm chí thật dài giữa các triển lãm của họa sĩ Cù Nguyễn. Năm 1967, phòng tranh vẽ về Đà Lạt của ông được tổ chức tại Hội Họa sĩ trẻ. Đến 1971 ông mới có triển lãm chung với họa sĩ Nguyễn Trung, rồi bẵng đi hai mươi năm – từ 1975 đến đầu thập niên 1990 – Cù Nguyễn không xuất hiện trong các triển lãm. Năm 1991, một loạt tranh 30 bức được ông vẽ tại Vũng Tàu được trưng bày tại gallery của Nhà hàng Thanh Niên (trên đường Nguyễn Văn Chiêm, Q.1 – gallery không còn tồn tại từ nhiều năm nay); cũng trong năm đó ông được mời triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh. Mười năm sau (2001), tranh Cù Nguyễn mới lại góp mặt cùng các thành viên năm xưa của Hội Họa sĩ trẻ trong một triển lãm thật đáng nhớ tại gallery Vĩnh Lợi (tiếc rằng địa chỉ mỹ thuật có uy tín này cũng không còn hoạt động).
Tuy nhiên, họa sĩ Cù Nguyễn vẫn lặng lẽ làm việc trong xưởng vẽ trên đường Nguyễn Trãi (Q.1) để có triển lãm mới nhất của ông. Trong số 40 tranh sơn dầu tại phòng tranh “Hướng tới tương lai”, khá nhiều bức được tác giả vẽ vào những năm 1990. Và dù hầu hết được vẽ trừu tượng và nửa trừu tượng, nhưng những tên tranh lại rất “gợi”, rất thơ: Hình và bóng, Những con đường, Tây Nguyên lễ hội, Đồi trăng, Phố xanh, Suối tóc, Suối trăng, Vươn lên, Trú đông, Đêm, Hè, Cây nhân sinh… Đó là những bố cục chặt chẽ với một bảng màu trầm, u uẩn và huyền hoặc. Dường như thế giới tranh của Cù Nguyễn vẫn là một trạng thái mộng mơ vào cõi tâm linh thuần khiết, xa rời cái thực tại náo động mà chỉ còn một cách diễn đạt thích hợp nhất là ngôn ngữ phi biểu hình (non-figuratif). Tranh của Cù Nguyễn dù thể hiện bằng ngôn ngữ hội họa nào thì cũng phản ánh chính con người thật của ông: nho nhã, mềm mỏng, mực thước, kín đáo, tế nhị. Rất dễ nhận ra Cù Nguyễn khi ông đến xem các phòng tranh ở nhiều nơi: thật chăm chú nhưng lặng lẽ, như thể tìm kiếm một nét duyên, nét đẹp ẩn tàng dưới những mảng màu, những nhát cọ…
Ngày khai mạc triển lãm của họa sĩ Cù Nguyễn cũng là ngày gặp gỡ các bạn bè, đồng nghiệp thế hệ của ông. Những mái tóc đã bạc, những bước chân không còn chắc… nhưng niềm vui, tiếng cười thì vẫn tràn đầy như thuở nào, như khi chàng trai trẻ Cù Nguyễn ung dung, tự tại bước vào nghệ thuật. Ông và các bạn họa sĩ đã có một thời đẹp nhất, đáng nhớ nhất của hội họa Sài Gòn. Tìm lại những nét đẹp ngày xưa ấy phải chăng cũng là “hướng tới tương lai”?
- Nguyệt Cầm