Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa được các thành viên TPP không có Mỹ thông qua nhân APEC 2017 tại Đà Nẵng đã giúp Canada thuận lợi hơn do có thêm một sự chọn lựa trong tái đàm phán NAFTA (Hiệp định Tự do Thương mại Bắc Mỹ ) tiếp tục diễn ra trong tuần này.
Tờ Foreign Policy trong bài bình luận cuối tuần qua cho rằng diễn biến mới này không chỉ tác động đến giao thương của Mỹ đang tăng trưởng nhanh ở vòng cung Thái Bình Dương mà còn đe dọa kế hoạch tái đàm phán của ông Trump với hai đối tác Canada và Mexico trong NAFTA. Trong các cuộc đàm phán gần đây Mỹ đưa ra những yêu cầu khắt khe với Mexico và Canada, trong đó có việc viết lại các quy định liên quan đến ngành sản xuất xe hơi cùng điều khoản đàm phán lại sau mỗi năm năm. Cả Canada và Mexico đều xem yêu sách của Mỹ là báo động đỏ và giờ đây với sự trở lại của CPTPP, hai nước đã có thêm sức mạnh chống lại sức ép từ Mỹ. Ducan Wood, Giám đốc Viện Mexico tại Trung tâm Wilson (Mỹ) nhận định rằng việc nắm trong tay một hiệp định đã hoàn tất hoặc gần như hoàn tất CPTPP sẽ khiến các nước củng cố được vị thế của mình trong đàm phán thương mại.
Theo quy định NAFTA hiện hành, mặt hàng xe hơi được bán ra phải bảo đảm 65,5% nội địa hóa với xuất xứ từ một trong ba nước. Nhưng ông Trump luôn đổ lỗi NAFTA là nguyên nhân khiến người lao động Mỹ mất việc làm, muốn quy định lại tất cả xe hơi được xuất khẩu trong khuôn khổ hiệp định này phải bảo đảm 50% phụ tùng linh kiện được sản xuất tại Mỹ. Trong khi đó CPTPP bao gồm những điều khoản ít ràng buộc hơn về nguồn gốc xuất xứ đối với phụ tùng xe hơi. Canada và Mexico đều nằm trong hiệp định này nên sẽ không dễ chấp nhận yêu cầu của Mỹ. Một cựu quan chức ngoại giao Mỹ, ông Antonio Ortiz-Mena, bình luận NAFTA là hiệp định lớn nhưng không phải duy nhất đối với Canada và Mexico. Cả hai nước cho rằng CPTPP có sức hút hơn hẳn so với phiên bản cũ TPP. Khảo sát dư luận mới đây nhất do Viện Angus Reid tiến hành cho thấy đa phần người dân Canada ủng hộ CPTPP và tỷ lệ ủng hộ mở rộng thương mại với châu Á lớn gấp đôi so với số người muốn tiếp tục giao thương với Mỹ.
- T.K