Bạc Liêu là tỉnh nhỏ, lại xa TP (310km), nên mặc dù cũng có nhiều cảnh đẹp, nhưng danh tiếng không vang. Tôi tuy chưa đến Bạc Liêu lần nào, nhưng nói đến “Công tử Bạc Liêu”, không ai cảm thấy xa lạ, phải nói ở đây “địa linh” nhờ có “nhân kiệt”.
Ngành du lịch đã liệt kê “Bạc Liêu Thập cảnh”, cố cư Công tử Bạc Liêu chỉ xếp thứ 3, nhưng điều đó không ảnh hưởng đến cố cư vẫn là di tích hàng đầu của Bạc Liêu.
Hoài niệm trước nhà xưa Công tử Bạc Liêu
Đoàn chúng tôi đến Bạc Liêu vào thăm khu trưng bày Công tử Bạc Liêu – toạ lạc tại số 13, Điện Biên Phủ, phường 3, thành phố Bạc Liêu, ngôi nhà đã hấp dẫn biết bao du khách bởi vẻ đẹp quý phái của nó.
Khác với nhà xưa Bình Thủy ở Cần Thơ cổ kính, nhà xưa Công tử Bạc Liêu với không gian khoáng đãng và kiến trúc hài hoà, nó được xem là góc phố đẹp nhất của người dân Bạc Liêu.
Được xây dựng từ năm 1919, do kĩ sư người Pháp thiết kế, ngôi biệt thự khoát lên mình một vẻ Tây Âu hiện đại và sang trọng, đến bây giờ vẫn chưa bị lạc hậu, nổi bật giữa không gian TP nhỏ hep, người dân thường quen gọi là “nhà Lớn”.
Hơn một thế kỉ đã đi qua, nhưng ngôi nhà vẫn còn nguyên những nét cơ bản đẹp đẽ của nó. Các bù loong, ốc vít cho các chi tiết xây dựng đều được đóng dấu chìm mẫu tự P rất hoa mĩ, chỉ rõ nơi xuất xứ là từ thủ đô Paris hoa lệ.
Tầng trệt của ngôi nhà gồm 2 phòng ngủ, 2 đại sảnh khá rộng và sang trọng cùng với cầu thang dẫn lên lầu. Trên lầu còn có 3 phòng ngủ và 2 đại sảnh, toát lên nét sang trọng và hào hoa.
Những chiếc đèn màu vàng lung linh toả ánh sáng khắp các gian phòng cho ta một cảm giác ấm cúng và thoải mái.
Trên mỗi cây cột cũng được trang trí nhiều hoa văn khá đẹp mắt. Quanh đây dường như còn văng vẳng tiếng cười nói râm ran của những gia nhân ông hội đồng. Có tiếng hát của chiếc máy hát xưa từ phòng công tử vẳng ra.
Tủ thờ nơi đây khá to và trang nghiêm, như để minh chứng cho một thời kì huy hoàng của vị công tử ăn chơi nhất xứ Nam Kì này. Trên tường có treo hình của Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy và chánh thất Ngô Thị Đen. Công tử Bạc Liêu biệt danh Hắc công tử, nhưng tôi thấy Hắc công tử cùng bà Đen chẳng đen mấy, có lẽ gọi vậy là để phân biệt với Bạch công tử.
Lối cầu thang dẫn lên lầu khá rộng, uốn lượn mềm mại dẫn du khách khám phá những điều thú vị bên trên.
Khi hoàng hôn từ từ buông xuống, phủ một sắc vàng lên nhà công tử, còn gì thú vị bằng được đứng trên sân thượng ngắm nhìn khung cảnh yên bình cùng dòng sông trôi lững lờ phản chiếu ánh sáng lung linh đầy màu sắc…
Ngoài ra, phía sân ngoài còn có một nhà hàng phục vụ rất tận tình và chu đáo. Còn gì tuyệt bằng khi được uống một tách cà phê nóng trong ngôi biệt thự của công tử.
Không chỉ đẹp về kiến trúc và nội thất, ngôi nhà còn có nhiều món đồ cổ quý hiếm. Những chi tiết chạm trổ tinh tế của người nghệ sĩ tài hoa đã tô điểm cho những chiếc bàn, những cái ghế nơi đây thêm đẹp và đặc sắc. Các bộ bàn ghế nơi đây đều được cẩn xà cừ sắc sảo mà khó có nơi nào có được.
- Xem thêm: Lại nghĩ về nguyên bản Dạ Cổ Hoài Lang
Ngoài ra, trong nhà còn có những chiếc bình, chum trà trang trí hình rồng đã tô điểm cho ngôi nhà thêm nhiều màu sắc sống động.
Các đồ vật nơi đây đều rất cổ và quý hiếm, tuy đã mất mác nhiều do chiến tranh và các nguyên nhân khác nhưng những thứ còn lại cũng đủ nói lên được sự giàu có của gia đình ông Hội đồng Trạch lúc bấy giờ.
Đặc biệt, nơi đây còn có một phòng gọi là “phòng công tử”, bởi trước kia đó là phòng của ông Trần Trinh Huy. Ai cũng muốn thử 1 lần nghỉ ngơi tại căn phòng sang trọng của “Công tử Bạc Liêu”.
Phòng có đầy đủ tiện nghi với giường đôi, ti vi, máy lạnh và một bàn viết. Đồ đạc trong phòng đều rất đẹp và quí cho xứng tầm với một công tử nhà giàu. Điểm độc đáo nhất ở nơi đây là chiếc máy điện thoại có từ đời Pháp thuộc đến giờ vẫn còn sử dụng tốt.
Tỉnh Bạc Liêu sông rạch chàng chịt, muỗi mòng sinh sôi, thế mà phòng ngủ của công tử tuyệt nhiên không muỗi, dù không sử dụng máy lạnh; được giải thích là giường của công từ làm bằng thứ gỗ quý, toát ra mùi hương có khả năng xua đuổi ruồi muỗi.
Tôi xem kỹ chiếc giường, cũng chỉ bằng gỗ giáng hương, nên rất hoài nghi tác dụng “xua muỗi” tự nhiên của nó, có lẽ ruồi muỗi sợ “uy danh” công tử, nên đã tránh xa!
Trong bài Theo dấu chân Người tình (từng đăng trên KTNN), tôi từng viết, ở Việt Nam hồi đầu thế kỷ 20, xe Limousine chỉ có 2 chiếc, chiếc thứ 1 thuộc về “người tình” Hoàng Thủy Lê, chiếc thứ 2 thuộc về Công tử Bạc Liêu.
Ở phòng trưng bày, tôi chỉ thấy chiếc xe Ford xưa hơn, là chiếc ông Hội đồng Trạch đón Công tử Bạc Liêu từ Pháp du học trở về.
Đa số du khách tuởng rằng tư dinh Công tử Bạc Liêu là số 13, Điện Biên Phủ, thành phố Bạc Liêu; thực ra, cả dãy phố trước đây đều thuộc quyền Công tử Bạc Liêu, nay nhà nước đã tiếp quản và khai thác khách sạn.
Khách sạn Công tử Bạc Liêu đều liên thông với cố cư, tiện cho du khách khảo cứu mà không tốn vé vào cổng. Muốn “nhập vai” Công tử Bạc Liêu không phải chuyện dễ, phải đặt phòng trước cả tháng.
Được biết, sắp tới, ban giám đốc của khu nhà hàng khách sạn này sẽ đưa vào khai thác trang phục công tử Bạc Liêu, các vật dụng có liên quan để hấp dẫn thêm nhiều du khách hơn nữa.
Đệ nhất ăn chơi Nam kỳ
Đầu thế kỷ 20, người Lục tỉnh gọi công tử Bạc Liêu là để chỉ một nhóm người giàu có, nức tiếng ăn chơi, chứ không hẳn riêng một người.
Dần dần, danh hiệu Công tử Bạc Liêu ngưng tụ vào một người duy nhất – công tử Trần Trinh Huy, tức Ba Huy (1911-1973), biệt danh Hắc công tử, bởi từ đó đến nay vẫn chưa xuất hiện ai sánh bằng Trần Trinh Huy ở khoản ăn chơi phóng túng. Dần dần, Công tử Bạc Liêu trở thành danh xưng riêng của Trần Trinh Huy.
Nam kỳ từng có câu nói dân gian truyền miệng nổi tiếng “Nhất Sĩ, nhì Phương, tam Xường, tứ Trạch”. Trong bài Huyền thoại Chú Hỏa, tôi lại trích dẫn thành “Nhất Sĩ, nhì Phương, tam Xường, tứ Hỏa”, có thể là dị bản, chứ không phán định được đúng sai. Trong đó “tứ Trạch” là Trần Trinh Trạch, thân sinh Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy.
- Xem thêm: Truyền thuyết về ông Nam Hải
Trần Trinh Trạch, sinh năm 1872, ngoài ra còn biết đến với tên gọi Hội đồng Trạch, là người gầy dựng nên gia sản dòng tộc Trần Trinh.
Trưởng thành trong một gia đình nghèo khó, song do có chí thú làm giàu và chăm học, lại được sự giúp đỡ của cha vợ – tức Bá hộ Phan Văn Bì, Trần Trinh Trạch nhanh chóng gầy dựng được tài sản.
Ông Trạch là chủ nhân của 74 sở điền trang, với 110.000 ha đất trồng lúa và gần 100.000 ha ruộng muối, đất lúa của ông lớn gần gấp đôi diện tích Singapore.
Năm 1927, Trần Trinh Trạch được bổ nhiệm làm chánh hộ trưởng của ngân hàng đầu tiên do người Việt Nam làm chủ, để lại khối gia sản ngày càng to lớn.
Ông yêu thương và tin tưởng nhất cậu Ba Huy, nên đã giao lại toàn bộ khối tài sản kếch xù của dòng tộc Trần Trinh – một quyết định khiến ông Trạch sau này có lẽ phải hối hận.
Với quan niệm ruộng bề bề không bằng cho con một bồ chữ, ông Hội đồng Trạch đã tìm mọi cách cho cậu Ba lên đường du học. Sau 3 năm nơi đất khách, cậu Ba hồi hương.
Ông Hội đồng hỏi thăm về tình hình học tập của cậu ra sao, cậu thản nhiên trả lời cậu chỉ thích đi học lái máy bay, đi học nhảy đầm, học lái xe cũng như đi du lịch thăm thú cách làm nông của người Pháp. Cậu cũng không hề nhắc đến chuyện cậu đã bỏ lại kinh đô ánh sáng một người vợ Pháp và một đứa con lai.
Ông Hội đồng đã mua chiếc xe Austin Morris được sản xuất vào đầu thế kỷ 20 để đón Công tử Bạc Liêu. Đây là chiếc xe cổ có giá trị, hiện được bảo tồn tại cố cư Công tử Bạc Liêu.
Sau về quê hương, được cha giao trông coi việc điền sản, Công tử Bạc Liêu mướn ngay một người Pháp tên Henry giúp cai quản việc làm ăn của gia đình, còn mình vẫn tiếp tục trong những cuộc vui xa hoa khiến dân chơi khắp Nam Kỳ lục tỉnh phải nể phục.
Người được hưởng khối gia tài kếch xù đó, không ai khác, chính là Henry. Ông đã được hưởng lợi tức 10% trên doanh thu và “bám chốt”, và chỉ chịu rời khỏi Việt Nam khi ruộng đất bị sung công năm 1975.
Có lúc cậu Ba chơi theo kiểu lập dị. Cậu lên ngồi trên một chiếc xe kéo dạo một vòng quanh Sài Gòn.
Chiếc xe vừa được kéo đi cậu nhìn lại thấy còn khoảng hơn 20 chiếc chờ khách. Không do dự, cậu gọi hết các xe đó lại, mỗi xe chở cho cậu một thứ.
Thế là một đoàn xe kéo dài thườn thượt mà trên mỗi xe chỉ chở một món đồ như cặp kính, cây gậy, chiếc nón… Những người phu xe mừng rỡ nhận được khoản tiền hậu hĩnh từ những chuyến đi như thế.
Tương truyền, trên đời này cậu Ba không chịu lép hơn bất cứ ai kể cả vua chúa. Vì thế, hễ vua Bảo Đại có gì là Ba Huy có nấy, kể cả máy bay. Chiếc máy bay loại nhỏ được mua từ Pháp đưa về Việt Nam.
Công tử Bạc Liêu hẳn cũng không thể bỏ qua những thú vui thời thượng lúc bấy giờ: rượu chè và cờ bạc. Những buổi tiệc xa xỉ với rượu và sâm-panh – một trong những loại đắt đỏ nhất Việt Nam thời điểm đó, được diễn ra cả ngày lẫn đêm giữa Ba Huy và nhiều bạn bè xôi thịt.
Ngoài ra, ông thường đánh bạc cùng Quốc trưởng Bảo Đại và trùm sòng bạc Đại Thế giới để rồi có lúc, số tiền thua của ông lên tận 40.000 đồng trong khi giá một dạ lúa chỉ dao động khoảng 1,7 đồng.
Không như người cha Trần Trinh Trạch trinh chuyên, Công tử Bạc Liêu có hàng chục, hàng trăm người tình, mà mối tình nào của Ba Huy cũng gặm nhắm một phần lớn gia sản do thân phụ để lại.
Trần Trinh Huy là người cao lớn, khoảng 1,70m, lực lưỡng nhưng không cục mịch, trái lại dáng người rất thanh thoát, sang trọng, da hơi ngăm nhưng không đen lắm, mày rậm… người đầy sinh lực.
Tính tình Huy rất dễ dãi và hào phóng, người trong nhà lầm lỗi, Huy cũng ít rầy la. Bà con ở xa lên thăm, Huy đều cho tiền. Công tử Bạc Liêu coi tiền như cỏ rác. Tá điền không thấy ông đòi nợ ai bao giờ; ai nghèo quá, năn nỉ ông còn bớt lúa ruộng.
Sự đời thật là trớ trêu, ông Hội đồng Trạch giỏi kiếm tiền, năm trong “tứ đại phú hào”, nhưng chẳng mấy người biết tới; còn Ba Huy, chỉ biết ném tiền qua cửa số, thì tiếng tăm lừng lẫy.
Hư thực chuyện Công tử Bạc Liêu đốt tiền
Người Bạc Liêu có câu ca dao:
Bạc Liêu là xứ cơ cầu
Dưới sông cá chốt, trên bờ Tiều Châu
Nghe danh Công tử Bạc Liêu
Ðốt tiền nấu trứng tỏ ra mình giàu!
Cơ cầu là tiếng địa phương, có nghĩa là thiếu thốn, khổ cực. Hai câu đầu nói về sự hiện diện của người Hoa trên đất Bạc Liêu (vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20) rất đông như cá chốt dưới sông.
Riêng 2 câu sau nói về một giai thoại mà ai cũng biết, cũng nhắc đến, chuyện đốt tiền nấu trứng. Câu chuyện được lan truyền như thương hiệu của Công tử Bạc Liêu, có các phiên bản.
Đồn rằng để lấy le trước mặt người tình, trong rạp hát tối om, Công tử Bạc Liêu đã đốt tờ giấy bạc Đông Dương “cái đỉnh” 100$ để rọi tìm tờ giấy bạc “con công” 5$.
Cùng thời, có người ăn chơi ngang ngửa với Công tử Bạc Liêu, đó là Lê Công Phước (1900-1950), người Mỹ Tho, biệt danh Bạch Công tử.
Chuyện kể rằng 2 công tử thi nhau đốt tiền để luộc trứng, ai nấu chín trước thì thắng, khiến tôi nghĩ đến “hai con quỷ hắc bạch Vô thường” đấu phép với nhau. Không rõ 2 người đã đốt bao nhiêu nhưng kết quả Bạch Công tử thắng.
Về sau này, ông Trần Trinh Đức (con trai của Công tử Bạc Liêu) đã phủ nhận điều này. Ông nói: “Sau này, ba tôi nói lại rằng: Chuyện chơi ngông thì ba tôi có lúc cũng chơi ngông để cho thiên hạ chú ý tới mình, nhưng ba tôi là người có ăn học, biết chơi ngông tới đâu thì dừng lại, chứ đâu phải bị bệnh đâu mà đem tiền ra để đốt”.
Bạch Công tử, từng là đời chồng thứ 2 của NSND Phùng Há. Hai người đã chung sống với nhau 7 năm và để lại 2 con gái. Lúc sinh thời, phát biểu với một nhà báo, bà nói: “Những lúc nhàn nhã, tôi có hỏi cậu Tư (Bạch Công tử) về những giai thoại này. Cậu chỉ cười: “Đó chỉ là những chuyện thêu dệt. Tôi đâu có phí phạm tiền của để chơi ngông, chứng tỏ mình giàu có một cách vô học”.
Sống với cậu Tư nhiều năm, tôi cũng biết cậu Tư là một người từng học trường Tây, tính tình điềm đạm, chắc chắn không thể nào hiếu thắng đến độ có thể tham gia một cuộc thi thố vô bổ, không trí tuệ như vậy được”.
Bị phủ nhận từ cả 2 phía, nên chuyên “đốt tiền” là do thiên hạ thêu dệt nên đã rõ.
Nhà vàng rước nàng về dinh
Công tử Bạc Liêu có 5 người vợ chính thức, trong đó chỉ có 2 người có hôn thú; số nhân tình cũng như con rơi của ông không thể đếm xuể.
1. Người có con đầu tiên với Ba Huy là cô gái người Pháp có tên Marie. Năm 1936, lúc này Ba Huy đã trở về nước sau 3 năm du học bên Pháp. Marie đã dắt theo con trai Richard, đặt chân đến Bạc Liêu để tìm ông.
Ba Huy và Marie không khỏi xúc động, ôm hôn nhau thắm thiết ngay trước sự chứng kiến của rất đông người. Sau vài phút hàn huyên với vợ đầm, Ba Huy cúi xuống ôm chầm đứa bé vào lòng.
Sau khi những giây phút gặp gỡ mừng mừng tủi tủi ấy qua đi, Ba Huy đưa hai mẹ con Marie về nhà giới thiệu và thưa chuyện ngọn ngành với ba mẹ mình là ông bà Hội đồng Trạch.
Thực ra, trong 3 năm du học ở Pháp, không kể gái “bán hoa” thì số nhân tình của Công tử Bạc Liêu chí ít cũng phải 5 mối.
Trong đó, người tình mà ông yêu say đắm và gắn bó lâu dài nhất chính là Marie – một cô gái làm nghề thu ngân xinh đẹp, sinh ra trong một gia đình nề nếp. Ông bỏ không ít tiền của để chinh phục cho bằng được nàng.
Trước sự thể đã rồi, dù không thực sự muốn tiếp nhận nhưng ông bà Hội đồng Trạch đành miễn cưỡng chấp nhận bởi dẫu sao Richard cũng là cháu đích tôn của ông bà.
Tuy nhiên, vì sợ chuyện này gây rắc rối với sui gia (Ba Huy đã chính thức cưới một người vợ ở Bạc Liêu vào năm 1934), ảnh hưởng đến thanh danh của gia đình nên ông bà quyết định để 2 mẹ con Marie ở Bạc Liêu một thời gian, sau đó cho họ một số tiền lớn để về Pháp sinh sống.
2. Ba Huy được ông bà Hội đồng Trạch cưới người vợ chính thức đầu tiên là bà Ngô Thị Đen vào năm 1934. Đây cũng là người đầu tiên có lễ hỏi lễ cưới đàng hoàng.
Bà Đen là con của một ông bá hộ giàu có nổi tiếng trong vùng. Hai vợ chồng sinh được một cô con gái duy nhất là Trần Thị Lưỡng. Người ta kể rằng cuộc sống của bà Đen bên cạnh ông Ba Huy âm thầm, lặng lẽ như một cái bóng.
Biết chồng mình có tính trăng hoa nên người đàn bà này dồn hết thời gian, tâm trí chăm chút, đầu tư học hành đàng hoàng cho đứa con gái yêu quý.
Tuy nhiên, có lẽ chịu đựng mãi cảnh đi sớm về khuya của chồng với người phụ nữ khác cũng khiến bà vợ của Công tử Bạc Liêu chán nản.
Khoảng năm 1955, bà quyết định cùng con gái sang Pháp sinh sống. Cho đến lúc qua đời tại Thụy Sĩ vào năm 1972, bà chỉ về quê một vài lần.
3. Ngoài người vợ chính thức do cha mẹ cưới hỏi trên, Công tử Bạc Liêu còn có nhiều người vợ do ông tự chọn lấy, không cần cưới hỏi.
Khoảng từ năm 1945, Ba Huy chuyển lên Sài Gòn sinh sống. Ông đã cưới một người con gái đẹp khác ở Sài Gòn. Tên tuổi bà đến nay cũng không còn lưu lại. Chỉ biết rằng họ có với nhau 2 người con, một trai, một gái đặt tên là Hiếu và Thảo.
4. Tiếp theo đó, Công tử Bạc Liêu có tổ chức đám cưới với bà Trần Thị Hai, người con gái gốc Mỹ Tho. Sống với Ba Huy, bà Hai sinh được 2 người con trai tên là Trần Trinh Nhơn và Trần Trinh Đức.
5. Khoảng năm 1960, lúc đó Công tử Bạc Liêu vào tuổi 60. Một mình ông suốt ngày thui thủi trong căn nhà đồ sộ trên đường Nguyễn Du.
Một buổi sáng, ông đứng trên ban công nhìn bâng quơ xuống đường. Bỗng, từ xa xuất hiện một cô gái còn rất trẻ đang oằn lưng với gánh nước trên vai. Càng lúc cô bé càng đến gần.
Lúc này ông ngắm rõ dung nhan. Gương mặt lem luốc, áo quần xốc xếch bẩn thỉu nhưng làn da cô thật trắng. Đôi môi thật mọng và đôi mắt rất đa tình.
Ông càng nhìn càng say đắm bởi cô còn trẻ nhưng ẩn chứa một dung nhan thật đẹp. Một người như thế đó mà lam lũ thì uổng quá. Ông ngẩn ngơ…
Thế rồi, ông tìm hiểu. Thì ra cô bé đó là con gái của người thợ sửa xe đạp trước cổng Công viên Tao Đàn. Sài Gòn vào những năm 1960 hệ thống nước thủy cục chưa phủ rộng khắp.
Tại các khu dân cư thường có những phông tên (vòi nước công cộng) ai cũng có thể đến lấy nước. Các nhà giàu thường thuê người gánh. Cô bé con người thợ sửa xe hàng ngày đi gánh nước thuê cho các gia đình ở gần đó…
Công tử Bạc Liêu lần mò đến nhà ông thợ sửa xe. Đó là một túp lều nhỏ, cả một gia đình tá túc. Ông nhỏ nhẹ: “Em nó còn trẻ mà làm việc cực nhọc quá. Nếu ông bằng lòng gả em nó cho tôi, tôi sẽ tặng ông căn nhà tôi đang ở và giúp vốn ông làm ăn”. Trước khi từ biệt, Hắc công tử để lại danh thiếp và một số tiền có giá trị khoảng một lượng vàng.
Ông thợ sửa xe hết sức bất ngờ. Nhìn tấm danh thiếp ông biết cậu Ba Huy, Công tử Bạc Liêu, một người giàu có nổi tiếng lâu nay. Ông phân vân trước lời đề nghị rất thật lòng của công tử.
Hơn nữa, cả đời ông có bao giờ dám mơ tưởng đến ngôi nhà lầu ấy. Nhìn lại con mình, cô con gái cả một đời lam lũ. Phải thay đổi cuộc sống thôi…
Hai ngày sau, Công tử Bạc Liêu trở lại, ông thợ sửa xe đã đồng ý gả cô con gái Nguyễn Thị Ba chưa đầy 20 tuổi về làm vợ thứ 5 của công tử.
Một tháng sau, đám cưới được diễn ra tại một nhà hàng sang trọng. Giữ đúng lời hứa, Công tử Bạc Liêu chuyển ngôi nhà số 117 đường Nguyễn Du có giá trị hơn 1.000 lượng vàng cho cha vợ.
Ông và cô vợ trẻ kém ông 40 tuổi dắt nhau về hưởng hạnh phúc trong căn nhà trên đường Nhất Linh (Q. Bình Thạnh ngày nay).
Cô Ba về làm vợ ông cho đến ngày ông ra đi tính ra được hơn 10 năm. Ông mất năm 74 tuổi. Ở cái tuổi mà nhiều người đàn ông đã sức tàn lực kiệt nhưng Công tử Bạc Liêu vẫn còn đủ khả năng cho ra đời thêm 4 đứa con: Hoàn, Toàn, Trinh, Nữ.
Điều làm cho ông hài lòng nhất là cô Ba vẫn trọn một lòng với ông, đến ngày trút hơi thở cuối cùng. Sau ngày ông mất, cô Ba vẫn ở vậy nuôi con cho đến khi họ trưởng thành.
Ngoài ra, Công tử Bạc Liêu còn tổ chức các cuộc chơi trong dân gian như hội chợ đồng bằng và mở cuộc thi hoa hậu miệt vườn. Ông là giám khảo duy nhất, nên các hoa hậu, á hậu sau đó đều lọt vào tay ông.
Không phải lúc nào đồng tiền cũng mua được tình yêu. Vào những năm cuối thập niên 1950 đầu 1960, Công tử Bạc Liêu mê cô ca sĩ trẻ đẹp hát tại nhà hàng Soái Kình Lâm.
Ông đề nghị bao nguyên nhà hàng với chi phí 100.000đ tương đương nửa ký vàng. Sau đêm đó, cô ca sĩ cũng xuống bàn ngồi uống với công tử ly rượu rồi đứng dậy chào tạm biệt.
Suốt mấy đêm liền như thế, mặc dù Công tử Bạc Liêu bỏ ra rất nhiều tiền với hi vọng mua đứt giong ca và làm chủ thân thể ngọc ngà cô ca sĩ trẻ tuổi kia nhưng kết quả chỉ là con số không.
Mau chóng suy tàn, một gia tộc hiển hách
“Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”, ánh hào quang của dòng họ Trần Trinh chưa hết đời thứ 3 đã như hoa phù dung sớm nở tối tàn.
Chinh phục cô ca sĩ trẻ thất bại đã tạo cho Công tử Bạc Liêu rơi vào trạng thái trầm uất. Bệnh thận lâu nay trong người có cơ hội vùng lên tái phát dữ dội.
Cùng lúc đó, đứa con gái đầu Trần Thị Lưỡng đưa quan tài mẹ là bà Ngô Thị Đen từ Pháp về Bạc Liêu chôn cất. Ông phải trở về làm chủ tang. Sau khi chôn cất vợ xong, ông nhanh chóng lên Sài Gòn tiếp tục nhập viện…
Từ lúc ấy cho đến khi qua đời hơn 1 năm trời, Công tử Bạc Liêu sống trong bệnh viện. Bà vợ trẻ phải chăm lo những đứa con Hoàn, Toàn, Trinh, Nữ còn quá nhỏ, nên thời gian dành cho ông không nhiều. Gia sản ông ngày càng cạn kiệt.
Ngày 13.1.1974 Công tử Bạc Liêu trút hơi thở cuối cùng, chấm dứt chuỗi ngày rong chơi của một công tử hào hoa nhất vùng Nam kỳ lục tỉnh.
- Xem thêm: Văn hóa trầm tích ở An Giang
Công tử Bạc Liêu mất đi, không lâu sau đó căn nhà thuộc nhà nước quản lý. Gia sản của dòng họ Trần Trinh chỉ còn lại một ít ruộng ở Cái Dầy, vài ngôi nhà ở Bạc Liêu và khoảng chục căn phố lầu ở Sài Gòn. Tất cả đã nhanh chóng tiêu tan trong tay con cháu Trần Trinh.
Dòng họ Trần Trinh là một dòng họ lớn ở Bạc Liêu. Vậy mà hiện nay chỉ còn duy nhất ông Trần Trinh Đức lui về cố xứ, làm vật chứng sống cho cuộc đời Công tử Bạc Liêu. 8 người con chính thức và vô số những đứa con rơi vẫn được thừa nhận đang tứ tán khắp nơi.
Ông Đức kể cho đoàn chúng tôi: “Anh Hiếu sống bên Áo nhưng không tin tức gì. Chị Thảo mất bên Anh. Anh Nhơn ở Sài Gòn nhưng đang bệnh rất nặng. Hoàn và Toàn vẫn ở Sài Gòn nhưng không liên lạc được. Trinh và Nữ bặt vô âm tín”.
Cuộc sống của những người con của Công tử Bạc Liêu thật vất vả. Theo lời ông Đức, sau khi bán căn nhà cuối cùng ở đường Nguyễn Huy Tưởng chia cho anh em mỗi người một ít thì mạnh ai nấy sống trôi dạt khắp nơi.
Niềm hi vọng gặp lại chỉ còn chờ đến ngày thanh minh, anh em tụ tập về viếng mộ cha mẹ ông bà, nhưng rồi mấy năm nay chẳng còn ai đoái hoài tới.
Riêng với ông Đức, hai người con với người vợ trước mang họ mẹ một ở Đồng Tháp, một ở Đồng Nai cả chục năm rồi không liên lạc gì với ông. Đứa con trai với bà vợ hiện nay đang ở Sài Gòn cũng không về lại Bạc Liêu một lần nào.
Đứng trước khối tài sản được đánh giá 400 tỷ đồng, tôi không khỏi bồi hồi. Công tử Bạc Liêu cũng để lại dấu ấn một thời khá độc đáo, bằng chứng là chúng tôi đến từ phương xa vẫn hoài niệm ông!