Bà mẹ Việt ở Mỹ lên Facebook than thở, hai đứa con trai về thăm nhà dịp năm mới, được hai ngày chúng dọa sẽ… bỏ đi nếu mạng internet ở nhà cứ chập chờn như vậy bởi không internet là… bó tay, chúng có bao nhiêu công việc phải làm.
Hai vợ chồng nhìn nhau, lâu nay vẫn xài có sao đâu. Cái “vẫn xài” của hai vợ chồng già chỉ là vào mạng đọc tin tức, email, chat với con… Còn yêu cầu của hai đứa con là mạng phải mạnh, nhanh. Ông chồng gọi điện hỏi nhà cung cấp. Hóa ra, lâu nay đường truyền của gia đình không ổn mà hai vợ chồng không hề hay biết!
Bà mẹ kết luận, giữ chân con cái bây giờ không phải tình cảm gia đình nữa mà là mạng internet! Nhiều bà mẹ khác bình luận đồng cảm đã gặp trường hợp đó với con cái. Mới thấy, internet đã là một phần tất yếu của cuộc sống rồi. Thậm chí bọn trẻ con đến chơi nhà ai, sau màn chào hỏi, chúng liền hỏi tiếp password wifi nữa kia!
- Xem thêm: Điện thoại thông minh
Tưởng chuyện tương tự chỉ có ở thành phố hay ở nước Mỹ xa xôi. Giờ đây, vùng thôn quê, trong các câu chuyện cà phê, trà dư tửu hậu, chuyện “trên mạng” đã thành đề tài chính để tranh luận rồi. Từ văn nghệ, giải trí cho đến chính sự.
Nói chuyện tranh luận, mới thấy không nơi nào rôm rả bằng trên mạng. Chỉ một câu trạng thái ngắn thôi, có khi trăm ý kiến không ai giống ai. Người bình tĩnh có bình luận ôn hòa, người nóng nảy bình luận như “bổ củi”, kẻ phá bĩnh thì có bình luận gây chiến…
Đơn cử chuyện tổng thống Mỹ. Cuộc tranh cãi bắt đầu từ lúc tranh cử, rồi bầu cử đến tân tổng thống tuyên thệ… Những bình luận từ ôn hòa cho đến hiếu chiến, hủy kết bạn, chặn nhau… đâm ra mâu thuẫn ngoài đời thật! Người khôi hài, bình tĩnh thì nhận xét, chuyện trời Tây chẳng ảnh hưởng đến nồi cơm của mình nhưng xem ra cái cách ông ta làm cả thế giới như rối lên kể cũng vui.
Người nóng nảy, bực tức thì phang luôn không nể nang, kẻ này điên loạn, người kia xuẩn ngốc khi có những ý kiến trái chiều… Nếu có ai buông một câu, kiểu như, mấy người rảnh quá, cãi nhau chuyện đâu đâu, lập tức sẽ có người lên tiếng, rằng không thích thì đi chỗ khác chơi, đừng có xía vào khi “người lớn” nói chuyện.
Dạo một vòng mạng xã hội mới thấy chỉ có ngày mùng Một tết tràn ngập không khí xuân, trăm hoa đua nở, dòng trạng thái nào cũng tươi vui, ôn hòa, niềm nở. Sang ngày mùng Hai là hết, mà mở đầu là những tranh luận kiểu như đã nói ở trên.
Người phát biểu, thích tết hoài để lúc nào mở máy tính ra cũng thấy vui, thấy đẹp, thấy no đủ. Tưởng chỉ là câu trạng thái bình thường vậy mà cũng thành tranh luận, bỏ hay giữ tết, gộp tết tây chung tết ta… Lại cãi nhau tưng bừng…
Riêng chuyện không bắn pháo bông cũng sinh bao câu chuyện. Có bắn pháo bông thì kêu không tiết kiệm, phung phí… không bắn pháo bông thì kêu tết gì mà buồn, chỗ cần tiết kiệm thì không tiết kiệm, có chút pháo bông cho con trẻ đi xem cũng dẹp trong khi bao nhiêu thứ phung phí, vung tay quá trán. Đúng là, ở sao cho vừa lòng người!
- Xem thêm: Thử nghiệm?
Ngay trong gia đình, những câu chuyện trên mạng len lỏi vào bữa ăn, đôi lúc gây ra tranh cãi rồi giận dỗi… Cuối cùng, muốn bình yên mỗi người cứ lặng lẽ với cái điện thoại của mình! Trên bàn nhậu hay cà phê bây giờ cũng vậy, vài câu lào xào rồi ai việc nấy, với cái điện thoại của mình dù ngồi chung, cạnh nhau. Đến nỗi, người này nói, người kia nghe mà không hiểu gì vì mải chú mục vào điện thoại!
Một bà mẹ mải mê với cái điện thoại, cậu con trai hỏi gì cũng không trả lời, đến lúc cậu bực quá hét lên thì bà mới ngừng tay quẹt và ngơ ngác hỏi con có chuyện gì. Cậu con trai lắc đầu, chào thua! Nhưng, cái lý của bà mẹ là bà có gì vui đâu ngoài việc like, comment, chat với bạn bè. Cả đời bà hy sinh cho con cái nhiều rồi, đến lúc bà cũng cần có chút riêng tư chứ!
Hai mươi năm trước chắc chắn chẳng ai nghĩ ra có một ngày cả thế giới gói gọn trong một cái điện thoại, từ việc tra cứu thông tin, hỏi những vấn đề khúc mắc, cho đến bản đồ chỉ đường, xem phim, nghe nhạc…
Đến nỗi, có người tỉnh táo nhất phải bật lên câu, “Mark anh giỏi thật, anh đi giữa một rừng người đang trải nghiệm công nghệ do anh làm ra, ai cũng phụ thuộc vào nó, trừ anh; trong khi thiên hạ chăm chú lướt, quẹt thì anh chơi thể thao, đi dạo, nghe nhạc, đọc sách, đùa giỡn với con…”.