Những ngày mà nhân viên các đại lý du lịch chen chúc trong văn phòng chật hẹp, nghe điện thoại để đặt chỗ chuyến bay hay khách sạn cho khách hàng chỉ còn là ký ức… Giờ là kỷ nguyên của ứng dụng du lịch 2.0 dành cho những người du lịch tự lên kế hoạch và sắp xếp hành trình qua những trang như Agoda. Một trải nghiệm du lịch tự điều chỉnh để phù hợp với cá nhân và gần gũi bản sắc địa phương cũng là điều mà khách lữ hành hiện nay mong muốn.
Với sự thịnh hành của điện thoại thông minh và máy tính bảng, các công ty du lịch nỗ lực tiếp cận đối tượng của họ thông qua nhiều ứng dụng du lịch 2.0 và các trang thông tin tùy chỉnh cho thiết bị di động. Winnie Tan, nhà sáng lập trang TripZilla.com cho biết khách lữ hành hiện có nhu cầu tìm thông tin và đặt chỗ ngay trên đường đi.
Tuy nhiên, các ứng dụng của riêng hãng hàng không hay thương hiệu lữ hành thường gặp thất bại vì không có nhiều khách sử dụng một hãng hàng không hay chuỗi khách sạn thường xuyên đến mức có nhu cầu tải xuống ứng dụng của riêng một thương hiệu.
Theo Juerg Kaufmann, đồng sáng lập và CEO của TravelerBuddy, hầu hết ứng dụng du lịch vẫn chưa được phát triển theo cách đặt nhu cầu của khách lữ hành ở vị trí trung tâm. Kaufmann nói: “Bạn có thể tìm thấy nhiều thông tin khi lướt web hay sử dụng “app” nhưng một giải pháp “tất cả trong một” thì luôn ở tình trạng cần được cập nhật”. Trong nhiều trường hợp, những chuyện như hộ chiếu sắp hết hạn, các vấn đề về an toàn hay chăm sóc y tế là điều mà du khách cần được hỗ trợ.
Theo một báo cáo về thương mại điện tử của Google và tập đoàn đầu tư Singapore, cho đến năm 2025, doanh số của thị trường du lịch trực tuyến Đông Nam Á ước đạt con số 90 tỉ USD. Trong vài năm gần đây, nhiều tên tuổi lớn trong ngành lữ hành đã nhận ra những khó khăn trong việc xâm nhập thị trường Đông Nam Á và đã dùng chiến lược mua lại hay hợp tác với các startup địa phương để có thể mang lại các giải pháp du lịch phù hợp cho khu vực này.
Sau đây là bốn startup tại khu vực Đông Nam Á hướng đến mục tiêu làm cho du lịch trở nên thuận tiện, chi phí dễ chịu và phù hợp với nhu cầu cá nhân.
TravelerBuddy
TravelerBuddy do Juerg Kaufmann, Philippe Graeppi và Sam Sena sáng lập với tầm nhìn trở thành một trợ lý du lịch trực tuyến “tất cả trong một”. Người sử dụng có thể chuyển tiếp chi tiết xác nhận đặt chỗ của họ đến TravelerBuddy và ứng dụng này sẽ tự động tạo hành trình cho họ. Các chi tiết cá nhân như thông tin hộ chiếu, thẻ tín dụng và bảo hiểm được cất giữ trong ứng dụng để dễ tiếp cận.
Ứng dụng du lịch TravelerBuddy có được những tính năng rất đa dạng, chẳng hạn như “Kiểm tra trước chuyến đi” nhằm nhắc nhớ người dùng về các tài liệu thông hành hay các yêu cầu cần thiết khác. Thông tin hoãn chuyến bay hay đổi cổng khởi hành cũng được thông báo cho người dùng theo thời gian thực. Những người đi công tác có thể sử dụng tính năng trợ giúp quản lý chi phí để lưu giữ hóa đơn và giúp cho việc xin hoàn phí thuận tiện hơn.
TripZilla.com
TripZilla là một ứng dụng xuất phát từ Singapore với mục tiêu trợ giúp người dùng tìm kiếm những gói tour tốt nhất từ các đại lý du lịch. Đây là một dịch vụ miễn phí cho phép người dùng so sánh giá và hành trình, đồng thời cung cấp sáng kiến giúp họ lập kế hoạch cho kỳ nghỉ mơ ước. Khách lữ hành có thể tìm thấy bài viết của các cây bút trong khu vực – làm sao để du lịch độc hành ở Nhật Bản hay liệt kê những điều quan trọng mà dân “phượt” cần biết.
Xu hướng tìm kiếm thông tin qua các thiết bị số đã giúp các trang như thế được lợi về số lượng người đọc. Và những nhà phát hành thông tin du lịch cũng đón nhận chiến lược “di động là trước hết”, đồng thời đầu tư vào quản trị các kênh mạng xã hội như là nguồn cung cấp chính cho các câu chuyện về du lịch trên thiết bị di động.
Traveloka
Traveloka là ứng dụng đặt chuyến bay và khách sạn cho khu vực Đông Nam Á, xuất phát từ Indonesia. Từ khi thành lập vào năm 2012, Traveloka đã hợp tác với hơn 70 hãng hàng không nội địa và quốc tế có đường bay khắp châu Á – Thái Bình Dương, châu Âu và châu Mỹ. Một tính năng của ứng dụng này có tên gọi là TravelokaQuick, giúp người dùng đặt chỗ chuyến bay hay khách sạn trong vòng ít hơn một phút.
- Xem thêm: Ra mắt ứng dụng du lịch tự túc KLOOK
StayNest
StayNest là cổng tìm kiếm khách sạn, dịch vụ cho thuê phục vụ kỳ nghỉ và chuyến bay có văn phòng tại Malaysia. Startup này ra đời với mục tiêu giúp người dùng giải quyết rắc rối khi phải truy tìm dịch vụ phù hợp từ hàng chục trang web. Ứng dụng này cho phép người dùng tiếp cận biểu giá của nhiều trang lớn như Booking.com, Expedia và Hotels.com và giới thiệu thông tin để họ dễ hiểu và tiện so sánh. Người dùng cũng có thể tự đăng thông tin cho thuê chỗ ở dành cho du khách.